Nữ sinh 'con nhà nông' 9,75 điểm Ngữ văn TN THPT chia sẻ bí quyết

GD&TĐ - Thí sinh Hà Mỹ Lệ, con một gia đình nông dân ở huyện Cư Mgar đã xuất sắc giành 9,75 điểm Ngữ văn tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Hà Mỹ Lệ, nữ sinh vừa đạt điểm Ngữ văn cao nhất Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tỉnh Đắk Lắk (ảnh: Thành Tâm).
Hà Mỹ Lệ, nữ sinh vừa đạt điểm Ngữ văn cao nhất Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tỉnh Đắk Lắk (ảnh: Thành Tâm).

Cô học trò tự lập, ham học

Cô giáo Nguyễn Thị Tăng, Trường THPT chuyên Nguyễn Du (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, là giáo viên chủ nhiệm lớp, điều ấn tượng nhất về Mỹ Lệ là tinh thần tự lập, tự học và có năng lực Văn học tốt.

“Khi nhận chủ nhiệm lớp Văn Sử (VS) khóa 2020-2023, qua hồ sơ cá nhân, tôi ấn tượng với Mỹ Lệ vì em xuất thân là con một gia đình làm nông, nhà lại ở rất xa trường. Việc thi vào chuyên Văn với điểm số cao, chắc hẳn phải là một học sinh có năng khiếu và quyết tâm rất lớn trong học tập”, cô Tăng nói về ấn tượng ban đầu.

Mỹ Lệ hóa thân thành nhân vật Thị Nở trong bộ kỷ yếu cuối cấp của lớp 12VS (ảnh: NVCC).

Mỹ Lệ hóa thân thành nhân vật Thị Nở trong bộ kỷ yếu cuối cấp của lớp 12VS (ảnh: NVCC).

Như cô giáo chủ nhiệm, nhóm bạn trong lớp 12VS cũng dành cho Mỹ Lệ sự yêu mến tự hào về cô bạn học nhỏ nhắn, xinh xắn và có tinh thần học tập, rèn luyện rất cao.

“Ngoài giờ học chính khóa ở lớp, về phòng trọ là Mỹ Lệ tranh thủ đọc sách, báo và tìm tài liệu trên internet. Bạn ấy luôn học tập với một sự khoa học chứ không học theo cảm tính. Khi đọc đều ghi chép những ý hay vào vở. Khi có vấn đề thắc mắc thì thảo luận với bạn bè và cô giáo. Đặc biệt, những vấn đề xã hội mang tính ‘hot trend’, thì bạn ấy sẽ nghiên cứu, sưu tầm tư liệu từ rất nhiều nguồn. Bao giờ, bạn ấy cũng đưa ra cách giải quyết hợp tình, hợp lý nhờ vào các luận điểm, minh chứng thực tế mà bạn ấy có”, nhóm bạn 12VS chia sẻ.

Nói thêm về cô học trò, cô Tăng tâm sự: “Sau khi xuất sắc đoạt giải Nhì học sinh giỏi môn Ngữ văn cấp tỉnh, thấy năng lực Văn học của em ngày 1 tốt, tôi đã hướng dẫn, yêu cầu em tự học chứ không đi học thêm. Bởi, những em có năng lực mà học thêm sẽ dễ mất tính tự lập trong tư duy và sự sáng tạo. Lúc này, tôi làm nhiệm vụ dẫn dắt và đồng hành với học sinh”.

Vượt khó chinh phục môn Ngữ văn

Vượt quảng đường hơn 50km và phải xa gia đình để trọ học, nhưng nữ sinh Mỹ Lệ vẫn tự mình sắp xếp mọi sinh hoạt, học tập một cách khoa học.

Với việc dành 9,75 điểm ở môn Ngữ văn tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, em trở thành thí sinh có điểm cao nhất môn này của tỉnh Đắk Lắk. Không những thế, kết quả các môn trong tổ hợp khối khối D01 (Toán, Văn và tiếng Anh) của em cũng rất đáng tự hào khi môn Toán đạt 8,6 điểm và Anh văn 9,2 điểm. Tổng điểm xét tuyển đại học là 27,55. Em dự kiến đăng ký vào khối các trường kinh tế ở TP HCM.

“Trong 3 năm THPT điểm trung bình luôn ở top 3 của lớp. Học đều, chăm chỉ, hiền lành. Khả năng tự học tốt. Năng lực môn chuyên tốt. Từng tham gia kỳ thi lập đội tuyển Quốc gia, đoạt giải Nhì học sinh giỏi cấp tỉnh”, cô Tăng liệt kê nhanh thành tích của Mỹ Lệ.

Theo Mỹ Lệ, khó khăn nhất trong suốt quá trình học THPT lại là ‘học môn chuyên’: “Ngữ văn là môn chuyên, nhưng khi học là khó khăn nhất vì đòi hỏi kiến thức sâu rộng, hiểu sâu sắc kiến thức về môn học. Bên cạnh đó, em vẫn phải cân bằng với các môn học khác trên lớp. Vì vậy, với em, việc học là khá nặng. Môn chuyên ở trường học 2 buổi/ 1 tuần, thời gian chính vẫn là tự học ở nhà. Hầu như ngày nào học xong em sẽ về học lại bài, làm bài luận và trao đổi với cô giáo”.

Mỹ Lệ trò chuyện với phóng viên Báo GD&TĐ sau khi biết kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Mỹ Lệ trò chuyện với phóng viên Báo GD&TĐ sau khi biết kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Để chinh phục môn Ngữ văn, Mỹ Lệ chia sẻ, trong quá trình học tập phải có phương pháp cụ thể, không học lan man. Phải đọc nhiều sách, báo kết hợp quan sát các tình huống thực tiễn, tình huống diễn ra trên mạng xã hội. Từ đó hình thành kiến thức, hình thành cho mình một mạch nguồn về lí luận, để khi đánh giá vấn đề mang tính khách quan, khoa học.

“Làm bài thi tốt thì phải có kiến thức sâu rộng về Văn học như: tác giả, tác phẩm, chi tiết trong tác phẩm… từ đó liên hệ với các tác phẩm khác và liên hệ với đời sống xã hội. Về kỹ năng, nắm chắc quy trình làm bài, không viết theo bản năng và viết lan man. Khi viết, cần phải có nhiệt huyết, cảm xúc. Phải đặt tâm huyết của mình vào tác phẩm, vào vấn đề mà đề bài yêu cầu. Không viết qua loa, viết cho có… Điều đặc biệt, viết văn phải có sự sáng tạo và cách nhìn nhận vấn đề riêng, không được lặp lại ý tưởng và cách nhìn của người khác”, Mỹ Lệ chia sẻ bí quyết.

Cũng theo Mỹ Lệ, kiến thức và kĩ năng không tự nhiên có, mà phải trải qua một quá trình học tập, rèn luyện lâu dài. “Khi có ước mơ và đam mê môn học, bạn phải quyết tâm vượt qua mọi áp lực để chinh phục nó.

Qua quá trình học, dưới sự dẫn dắt của thầy cô, em đã hiểu sâu sắc về môn học và những lợi ích mà nó mang lại như, nâng cao nhận thức, kỹ năng, tình cảm, thái độ. Từ đó em có thể vận dụng vào cuộc sống để cân bằng mọi vấn đề. Em mong muốn, các bạn hiểu đúng về môn học và nuôi dưỡng tình cảm để học tập và sống tốt hơn” - Mỹ Lệ nói.

Học chuyên giúp tạo kỹ năng chịu đựng áp lực

Để thi vào trường chuyên, Mỹ Lệ cũng như không ít học sinh phải chịu áp lực từ gia đình và xã hội. Bởi, nhiều người có quan niệm, trường chuyên chỉ là nơi “luyện gà”, học sinh thiếu kĩ năng xã hội …

Với Mỹ Lệ, điều đó là vô lí và thiếu căn cứ thực tế bởi, ngay khi chọn thi vào chuyên Văn THPT thì em cũng vấp phải sự phản đối của gia đình, bạn bè vì ai cũng nói như vậy. Nhưng với Lệ, đây lại là sự may mắn vì đã đỗ vào chuyên Văn trường THPT chuyên Nguyễn Du. Môn Văn giúp em nâng cao kiến thức, kỹ năng sống và biết sống tốt hơn.

Mỹ Lệ hóa thân thành nhân vật Thị Nở trong bộ kỷ yếu cuối cấp của lớp 12VS (ảnh: NVCC).

Mỹ Lệ hóa thân thành nhân vật Thị Nở trong bộ kỷ yếu cuối cấp của lớp 12VS (ảnh: NVCC).

Được biết, gia đình của Mỹ Lệ ở thôn 6, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột hơn 50km. Bố mẹ em đều làm nông, cây trồng chủ lực là cà phê, hồ tiêu.

Khi em đi học xa nhà và phải ở trọ, bố mẹ chỉ lên thăm khi có dịp, còn lại thì vẫn phải đi rẫy. Nhà có 3 anh chị em, Mỹ Lệ là con đầu, 2 em sau 1 em lên lớp 10, 1 em mới vào lớp 1.

Quá trình trọ học xa nhà, bố mẹ thường xuyên động viên để em cố gắng. Đặc biệt, em luôn được sự quan tâm của cô giáo chủ nhiệm - Nguyễn Thị Tăng và các bạn học.

“Cô giáo chủ nhiệm là người đã dìu dắt, hướng dẫn em vượt qua mọi khó khăn trong học tập. Giúp em phát huy được khả năng sáng tạo trong học tập. Em rất biết ơn cô!”, Mỹ Lệ xúc động nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.

Truy cập ngay https://europharmvn.com/lutidha/ DHA bầu từ Pháp ago dad