Nữ nhà giáo ưu tú giàu lòng nhân ái

GD&TĐ - Với tấm lòng thương yêu học trò, đồng cảm với những phận đời còn nghèo khó trong xã hội, Nhà giáo Ưu tú Hứa Thị Thu Huyền

Cô Hứa Thị Thu Huyền trong lần trao quà cho học sinh khó khăn.
Cô Hứa Thị Thu Huyền trong lần trao quà cho học sinh khó khăn.

Với tấm lòng thương yêu học trò, đồng cảm với những phận đời còn nghèo khó trong xã hội, Nhà giáo Ưu tú Hứa Thị Thu Huyền không chỉ đạt nhiều thành tích trong công tác, mà còn phát huy hiệu quả phong trào “dân vận khéo” kết nối những trái tim nhân ái và là một “mạnh thường quân” của người nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Cheo leo đỉnh núi dạy chữ cho học trò

Nhà giáo Ưu tú Hứa Thị Thu Huyền, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều (Long Biên, Hà Nội) sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo tỉnh Yên Bái. Ngay từ bé, cô đã thấu hiểu nỗi khó khăn của trẻ em vùng cao trên con đường đi tìm con chữ, đồng thời ước mơ trở thành một giáo viên và mong muốn được giảng dạy tại quê hương mình.

Không ngừng nỗ lực học tập và rèn luyện, năm 1990, sau khi tốt nghiệp sư phạm, cô giáo trẻ Thu Huyền đến nhận công tác tại Trường PTCS Nậm Mười (Văn Chấn, Yên Bái). Nậm Mười là một ngôi trường cheo leo trên đỉnh núi cao, với địa hình đi lại khó khăn, hiểm trở.

Cô Huyền nhớ lại, những ngày mới về trường nhận nhiệm vụ đã gặp phải không ít khó khăn. Ngoài ra, cơ sở vật chất của nhà trường còn nhiều thiếu thốn, học sinh hầu hết là con em dân tộc Dao, hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, với sự tâm huyết, tình yêu thương con trẻ sự giúp đỡ của đồng nghiệp, cô giáo trẻ Thu Huyền từng bước khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Sau 5 năm công tác ở các địa phương vùng cao tỉnh Yên Bái, cô Huyền theo gia đình chuyển về công tác tại Trường PTCS cấp I, II Diêm Gỗ (Gia Lâm, Hà Nội), nay là Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (Long Biên, Hà Nội).

Trong gần 20 năm công tác, cô Huyền được phân công và tín nhiệm công tác ở nhiều vị trí khác nhau. Môi trường nào, cô cũng luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được cấp trên tin tưởng, đồng nghiệp quý mến, phụ huynh học sinh khen ngợi.

Yêu nghề, giỏi chuyên môn

Cô Huyền luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm cũng như những yêu cầu cần có của một giáo viên nói chung, giáo viên bậc tiểu học nói riêng. Trong công việc, cô không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp để vận dụng vào công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

Năm 2012, cô được bổ nhiệm giữ chức Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giang Biên (quận Long Biên). Ở cương vị mới, bằng sự tận tình, trách nhiệm và tác phong gương mẫu, miệng nói tay làm, cô đã cùng tập thể Ban giám hiệu nhà trường tìm ra các giải pháp để không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, tăng cường cơ sở vật chất. Đưa hoạt động giáo dục tại Trường Tiểu học Giang Biên ngày càng đổi mới, đạt nhiều thành tích.

Năm 2021, cô Huyền được điều động, bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều. Với bản lĩnh chính trị vững vàng, với kinh nghiệm quản lý nhiều năm, cùng sự năng động, sáng tạo không ngừng, cô Huyền đã khắc phục khó khăn, lãnh đạo tập thể nhà trường tạo nên bước chuyển mình đáng ghi nhận của Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều.

Nhà trường đã từng bước vươn lên vị trí tốp đầu khối giáo dục tiểu học quận Long Biên. Có 3 năm liên tục đạt tiêu chuẩn, danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc, được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Ngoài ra, 2 năm liền nhà trường đều có giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, trong đó đạt 1 giải Nhất, 1 giải Nhì.

Bên cạnh thành tích của giáo viên, có nhiều học sinh nhà trường đã đoạt giải cao trong các cuộc thi chính thức và sân chơi trí tuệ cấp quận, thành phố, quốc gia và quốc tế.

Điều đáng nói là, làm nhiệm vụ quản lý giáo dục, cô luôn chỉ đạo nhà trường thấu suốt phương châm “dạy thật, học thật”, nói không với bệnh thành tích trong giáo dục, thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, tăng cường công tác quản lý học sinh, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá, từng bước đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để có thêm nguồn lực xây dựng nhà trường ngày càng phát triển.

nu-nha-giao-uu-tu-giau-long-nhan-ai3-7961.jpg
Ông Nguyễn Đức Tuân - Phó Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại tiếp nhận học bổng cô Huyền gửi tặng học sinh bị ảnh hưởng vùng lũ Yên Bái.

Giàu lòng nhân ái

Là người lãnh đạo, người đứng đầu đơn vị, cô Huyền luôn chọn giải pháp linh hoạt, mềm dẻo phù hợp với từng công việc, huy động tối đa sự sáng tạo của tập thể, đồng nghiệp, lấy học sinh làm trung tâm trong nhiệm vụ học tập và rèn luyện.

Điều đáng quý hơn bao giờ hết, điều mà đồng nghiệp luôn nhắc về cô đó là tình cảm mà cô dành cho mọi người, một sự lắng nghe chia sẻ và cảm thông sâu sắc. Cô dành cho mỗi cán bộ giáo viên những lời động viên, khích lệ, những lời góp ý chân thành nhất. Không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người quản lý, cô Huyền còn rất giàu lòng nhân ái.

“Tôi luôn ý thức tự rèn về hình ảnh người giáo viên, làm gương và truyền cảm hứng cho đồng nghiệp và các em học sinh về tinh thần tự học, sáng tạo trong giảng dạy và học tập, đặc biệt là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ những hoàn cảnh còn nhiều khó khăn”, cô Huyền chia sẻ.

Hằng năm, cô Huyền đều kêu gọi, huy động các lực lượng xã hội ủng hộ cho các chương trình thiện nguyện vùng cao, hỗ trợ, đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn; ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, hỗ trợ các gia đình chính sách, các cụ già neo đơn không nơi nương tựa… với hàng chục tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm, hàng nghìn suất quà và hàng trăm triệu đồng.

Đặc biệt thời gian vừa qua, nhiều tỉnh phía Bắc chịu thiệt hại nặng nề của bão Yagi, cô Huyền đã vận động các nhà hảo tâm cùng chung tay ủng hộ đồng bào các tỉnh (Yên Bái, Lào Cai, Bắc Giang…) với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng.

Những việc làm thiết thực và đầy nhân văn của cô đã góp phần giúp ích cho xã hội và trao thêm nhiều yêu thương cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Tình yêu thương và lòng nhân ái ấy đã lan tỏa tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, các bậc phụ huynh, các em học sinh trong nhà trường, tới các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm.

Với tâm huyết và trách nhiệm với nghề, cô Thu Huyền liên tục được nhận bằng khen, giấy khen của các cấp như: Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo cấp thành phố; Đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”, “Người tốt, việc tốt” thành phố Hà Nội; Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Nhiều năm liền đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở…

Năm 2023, cô Huyền vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú sau gần 34 năm miệt mài cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Nhưng với cô, phần thưởng quan trọng nhất không phải là những bằng khen hay danh hiệu thi đua, mà là sự trưởng thành của những ngôi trường nơi cô từng công tác, ở đó các em học sinh được học tập và rèn luyện trong môi trường tốt nhất, là địa chỉ tin cậy của các bậc phụ huynh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.