Nữ nhà giáo trẻ vững tay nghề

GD&TĐ - Sinh năm 1992, cô Tâm An từng là thủ khoa 'kép' Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Cô Nguyễn Đức Tâm An chào đón học trò bước vào năm học mới. Ảnh: NVCC
Cô Nguyễn Đức Tâm An chào đón học trò bước vào năm học mới. Ảnh: NVCC

Thuộc thế hệ 9X nhưng cô Nguyễn Đức Tâm An – giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) đã khẳng định được bản thân và trở thành nhân tố đổi mới, sáng tạo trong dạy học.

“Đồng điệu” cùng học trò

Sinh năm 1992, cô Tâm An từng là thủ khoa “kép” Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học, Tâm An đạt thành tích thủ khoa đầu vào khối D1. Suốt 4 năm học đại học, nữ sinh liên tiếp giành học bổng và tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa.

Khi tốt nghiệp, cô giữ vững thành tích và trở thành thủ khoa đầu ra của trường; đặc biệt nằm trong số 132 thủ khoa xuất sắc được Thủ đô Hà Nội vinh danh năm 2014.

Chia sẻ lý do chọn làm nghề giáo, Tâm An bộc bạch, truyền thống gia đình là động lực để cô quyết tâm theo đuổi. Thời điểm mới tốt nghiệp, cô có nhiều lựa chọn. Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có ý muốn “giữ” lại bồi dưỡng làm giảng viên.

Nhiều trường quốc tế, trường công lập ở Hà Nội “săn đón”. Nhưng cuối cùng, cô chọn Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hoàn Kiếm, Hà Nội) làm “bến đỗ” cho sự nghiệp “phấn trắng, bảng đen”. Ở tuổi 22, cô trở thành giáo viên trẻ nhất trường thời điểm đó.

“Tôi yêu và có thể “đồng điệu” cùng học trò. Tôi mong có thể truyền lửa, giúp các em toàn diện hơn mỗi ngày. Mặt khác, tôi là cựu học sinh nên muốn trở lại góp phần xây dựng ngôi trường từng gắn bó thời niên thiếu”, Tâm An chia sẻ.

Khi mới về trường, Tâm An đối diện với nhiều áp lực, bởi học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp, nhà trường đều đặt kỳ vọng. Nhưng cô giáo trẻ đã biến áp lực thành động lực để phấn đấu, nỗ lực giảng dạy. Để làm tốt điều này, cô sẵn sàng đối diện và chia sẻ cùng anh, chị, cô, chú đồng nghiệp, thậm chí với học sinh.

“Trước mỗi đợt kiểm tra học kỳ hay dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tôi chọn cách trò chuyện, chia sẻ, bầu bạn với học trò để cô trò cùng tháo gỡ khó khăn. Tôi còn có đồng nghiệp là những người đồng hành, sức mạnh tập thể giúp tôi vượt qua tất cả”, cô Tâm An tâm niệm.

“Cây viết” sáng kiến kinh nghiệm

Cô Nguyễn Đức Tâm An và học trò. Ảnh: NVCC

Cô Nguyễn Đức Tâm An và học trò. Ảnh: NVCC

Dạy học theo Chương trình, sách giáo khoa mới, cô Tâm An cho rằng, cốt lõi của đổi mới giáo dục không bắt đầu từ phương pháp mà ở cách tiếp cận của giáo viên; tức là người dạy nên chú ý vào mục tiêu bài học.

“Khi dạy học, nhiều giáo viên đặt câu hỏi: Học sinh học và làm được gì sau khi kết thúc bài học. Nhưng với mỗi bài giảng, tôi thường đặt vấn đề, tại sao học trò phải học bài đó?”, cô Tâm An dẫn giải và cho biết thêm:\

“Bởi ngoài mục tiêu thi cử, nếu bản thân học trò không cảm nhận được sự cần thiết phải học một văn bản, một đơn vị kiến thức… thì việc chiếm lĩnh tri thức không trở thành nhu cầu tự thân của các em, hiệu quả dạy – học đều không trọn vẹn”.

9 năm phấn đấu không ngừng nghỉ, cô Tâm An được lãnh đạo nhà trường, đồng nghiệp tín nhiệm bầu làm Tổ Phó chuyên môn. Cô nhiều năm tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi Ngữ văn của trường, từng chủ nhiệm đội tuyển học sinh giỏi Ngữ văn quận Hoàn Kiếm.

Từ năm 2019 đến 2023, cô là thành viên Hội đồng đề thi đại trà và chọn học sinh giỏi môn Ngữ văn 9 của quận. Cô hướng dẫn nhiều học sinh đoạt giải cuộc thi học sinh giỏi thành phố môn Ngữ văn, Đại sứ văn hóa đọc Thủ đô và toàn quốc.

Năm 2020, khi thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, Sở GD&ĐT Hà Nội chọn cô Tâm An giảng dạy môn Ngữ văn 8 trên Đài Truyền hình Hà Nội. Năm 2020 - 2021, cô được tín nhiệm tham gia nhiều vị trí công tác như: Thư ký, Ủy viên Hội đồng thẩm định video bài giảng phát trên kênh sóng Đài Truyền hình Việt Nam; thành viên Hội đồng Quốc gia thẩm định Sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 6 và 7 Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngoài ra, cô còn tham gia nhiều hoạt động chuyên môn, thành viên hội đồng thẩm định tài liệu dạy học do sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT trưng tập. Cô được tín nhiệm, thực hiện tiết dạy mẫu làm tài liệu tập huấn sách giáo khoa Ngữ văn 6 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống. “Tôi tham gia viết, biên soạn nhiều cuốn sách tham khảo môn Ngữ văn do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành từ năm 2018 đến nay”, cô Tâm An cho biết.

Tuổi đời và nghề còn trẻ nhưng cô Tâm An là “cây viết” sáng kiến kinh nghiệm của trường. 9 năm đứng trên bục giảng, năm nào cô cũng đăng ký viết, trong đó nhiều sáng kiến được xếp loại A cấp quận.

Cô tâm đắc nhất sáng kiến “Kinh nghiệm tổ chức hiệu quả đối với Câu lạc bộ em yêu thích môn Ngữ văn trong nhà trường”. Sáng kiến được xếp loại A cấp quận; Hội đồng Khoa học, sáng kiến TP Hà Nội công nhận.

Từ thực tiễn hoạt động câu lạc bộ, nữ nhà giáo nhận thấy, đây là hoạt động trải nghiệm có tác dụng lớn đến phát triển năng lực, phẩm chất và kỹ năng học sinh. Tham gia câu lạc bộ Ngữ văn cùng cô Tâm An, nhiều học sinh thoát vỏ bọc, có tác phong tự tin, chủ động và không ngại thay đổi. Mặt khác, các em có được kỹ năng về giao tiếp, ứng xử, làm việc nhóm, tổ chức và bắt đầu làm quen mô hình câu lạc bộ như ở các trường THPT, đại học, tổ chức xã hội.

Chia sẻ về đồng nghiệp, cô Phạm Thu Hà – Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên nói: “Cô Tâm An có năng lực, tâm huyết và không ngừng đổi mới sáng tạo. Cô giáo trẻ không ngại bày tỏ quan điểm, chính kiến trước vấn đề mới liên quan đến giảng dạy, giáo dục học trò; chủ động, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, sáng tạo, trong đó nhiều sáng kiến tiêu biểu được công nhận và áp dụng hiệu quả ở nhà trường”.

Cô Tâm An có nhiều năm liên tục được công nhận Chiến sĩ thi đua cơ sở. Năm học 2020 - 2021, cô được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”.

Năm 2021, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen giải Nhì Cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử cấp quốc gia. Năm 2022, cô nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua TP Hà Nội.

“Được học cô Tâm An, em thấy môn Ngữ văn gần gũi với đời sống hằng ngày. Các tiết dạy, cô thường gắn với thực tiễn nên chúng em hứng thú học tập. Nhờ cô, em và các bạn yêu thích môn học này hơn”. Em Lê Phương Bảo Ngọc - học sinh lớp 7A2.1, Trường THCS Ngô Sĩ Liên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.