Nữ nhà giáo một đời tận tụy với nghề

GD&TĐ - 33 năm công tác, cô Phạm Thị Hải Châu ghi dấu trong mắt đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh là một nhà giáo tâm huyết với nghề.

Cô Phạm Thị Hải Châu sinh ra ở huyện Việt Yên, Bắc Giang.
Cô Phạm Thị Hải Châu sinh ra ở huyện Việt Yên, Bắc Giang.

Cống hiến cho sự nghiệp giáo dục

Cô giáo Phạm Thị Hải Châu sinh ra ở huyện Việt Yên, Bắc Giang trong gia đình có truyền thống hiếu học. Từ sớm cô đã bộc lộ tình yêu với nghề nhà giáo và được cha mẹ ủng hộ. Năm 1991, cô tốt nghiệp Trường ĐH Sư Phạm Hà Nội 2 với tấm bằng cử nhân chuyên ngành Toán học và sau đó, về công tác tại Trường THCS Thượng Lan (huyện Việt Yên, Bắc Giang). Sau đó, cô Châu chuyển về Trường THPT Việt Yên số 1 và gắn bó suốt 25 năm.

Trong suốt 25 năm đó, cô Phạm Thị Hải Châu đã đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau 5 năm làm tổ trưởng tổ Toán, 10 năm là Phó hiệu trưởng (2009-2019); Phó bí thư chi bộ trường THPT Việt Yên số 1 nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020.

Vào nghề đúng vào thời điểm tình hình kinh tế, xã hội đất nước còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức của công cuộc cải cách mở cửa, cô giáo trẻ Phạm Thị Hải Châu cũng như nhiều đồng nghiệp phải đối mặt với những thiếu thốn về cơ sở vật chất của trường lớp, áp lực kinh tế của gia đình khi đồng lương nhà giáo còn nhiều hạn hẹp.

Nhưng không vì thế mà tình yêu và lòng nhiệt huyết với nghề của cô bị lung lay. Ngay từ khi ra trường, với tinh thần cầu thị, đổi mới trong công tác giảng dạy, cô Phạm Thị Hải Châu đã tích cực tìm tòi, học hỏi, mỗi bài giảng của cô không chỉ được chuẩn bị bằng kiến thức, kĩ năng chuyên môn mà còn được ấp ủ bằng tình cảm, trách nhiệm của một nhà giáo.

Trong suốt sự nghiệp “trồng người” của mình, cô Châu luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để học trò có thể phát huy được năng lực của bản thân, coi trọng việc phân loại học sinh để có phương pháp dạy học cho phù hợp.

Từ năm 2019, cô Châu về công tác tại Trường THPT Việt Yên số 2 với vai trò là Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn. Với thâm niên kinh nghiệm nhiều năm trước đó trên cả cương vị giáo viên trực tiếp giảng dạy và cán bộ quản lý giáo dục, trong công việc cô luôn tích cực tham mưu, cùng với Ban Giám hiệu xây dựng Hội đồng Sư phạm nhà trường đoàn kết, kỉ cương, trách nhiệm; chỉ đạo sát sao và kiểm tra thường xuyên các tổ chuyên môn và giáo viên tích cực ứng dụng CNTT vào giảng dạy, hướng đến từng bước hoàn thành công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục theo đúng chủ trương của Bộ; đồng thời thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chương trình GDPT 2018 do Bộ GD&ĐT ban hành.

Nhờ sự chung sức, đồng lòng của tập thể cán bộ giáo viên, nhân viên và nỗ lực của học sinh toàn trường, trong năm học 2023-2024 Trường THPT Việt Yên số 2 đã đạt những thành tích nổi bật.

Cụ thể, có 21/30 học sinh đạt giải học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh (2 nhì, 6 ba, 13 khuyến khích) tăng 7 giải có số, tăng 7 bậc so với năm học 2022-2023; tham gia Hội khoẻ Phù Đổng cấp tỉnh đạt 5 giải (4 giải nhất, 1 giải ba); thi sáng tạo Khoa học kĩ thuật đạt giải 3 cấp tỉnh… Tỉ lệ tốt nghiệp THPT đạt 100%, xếp vị trí thứ 8/49 trường THPT của tỉnh Bắc Giang.

95fede054ae9f1b7a8f8.jpg
Cô Phạm Thị Hải Châu trong lễ khai giảng năm học mới.

Người quản lý tâm huyết

Trong những năm trở lại đây, khi ngành giáo dục có sự chuyển mình lớn từ chương trình tiếp cận nội dung (2006) sang chương trình hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh (2018), đội ngũ nhà giáo phải có sự thay đổi, thích ứng nhanh chóng và kịp thời. Để nhà giáo có sự thay đổi, đòi hỏi người cán bộ quản lí luôn phải đi trước, đón đầu, cập nhật những tri thức mới nhất. Đây là một khó khăn không nhỏ với nhiều cán bộ quản lí, đặc biệt với một giáo viên đã lớn tuổi với thời gian phục vụ nhiều năm như cô Phạm Thị Hải Châu.

Dù vậy, cô vẫn không ngừng học hỏi, nâng cao năng lực công nghệ thông tin, tìm hiểu và sử dụng các nền tảng mới nhằm ứng dụng vào công tác giáo dục; bên cạnh đó cô cũng nghiên cứu các văn bản chỉ đạo, kịp thời xử lý công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong các năm học.

Với đồng nghiệp, cô Phạm Thị Hải Châu cũng luôn quan tâm, lắng nghe, thấu hiểu, phân công công việc cho cán bộ, giáo viên một cách phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; động viên khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp dạy học phù hợp năng lực, phẩm chất học sinh.

Những năm qua, cô Châu có đóng góp đáng kể góp phần bồi dưỡng đội ngũ giáo viên trong nhà trường. Qua đó chú trọng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn và chủ nhiệm cho các giáo viên trẻ.

Cô Trần Thị Thu Hà - Tổ phó tổ Toán - Tin trường THPT Việt Yên số 1 (nơi cô Phạm Thị Hải Châu đã gắn bó 25 năm công tác) cho biết: Cô Châu là cấp trên nhưng rất gần gũi, tận tình chỉ bảo chúng tôi về chuyên môn nghiệp vụ. Cô xử lí mọi việc đều tận tâm, thấu tình đạt lí nên giáo viên chúng tôi rất khâm phục và yêu mến cô. Làm việc với cô, chúng tôi cảm thấy mình được thấu hiểu, có động lực nhiều hơn để cố gắng”.

Từng trải qua nhiều cương vị, từ giáo viên, đến nhà quản lí giáo dục, cô Phạm Thị Hải Châu ghi dấu trong nhiều thế hệ học trò bởi sự tận tụy, tâm huyết với nghề.

“Cô là giáo viên chủ nhiệm để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất bởi sự gần gũi, quan tâm và giúp đỡ học sinh. Cô chính là người đã thắp lửa để những học sinh tinh nghịch như tôi có thể thành công như ngày hôm nay”, anh Thân Văn Sơn (học trò cũ của cô Phạm Thị Hải Châu – hiện tại đang là Giám đốc công ty vận tải Vinh Sơn, Bắc Giang) bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.