Nữ nghệ nhân dân gian “chữa bệnh” bằng... hát thơ

Hơn 20 năm qua, nhà thơ, nghệ nhân dân gian Nguyễn Hồng Oanh đã đi dọc đất nước để hát thơ qua hàng trăm làn điệu dân ca ở cả ba miền khiến nhiều người nghe yêu mến và cảm động.

Nghệ nhân Nguyễn Hồng Oanh và bệnh nhân tại một bệnh viện. Ảnh: Kim Phương.
Nghệ nhân Nguyễn Hồng Oanh và bệnh nhân tại một bệnh viện. Ảnh: Kim Phương.
Đặc biệt, bà có biệt tài dùng chất giọng truyền cảm thiên bẩm của mình để hát thơ, "biến" các vần thơ trong văn học dân gian, Truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc... thành "liều thuốc" chữa bệnh, giúp bệnh nhân quên đi nỗi đau trên cơ thể, cảm thấy yêu đời và chuyên tâm chữa trị hơn...
 Nghệ nhân Nguyễn Hồng Oanh.

Gặp nghệ nhân Nguyễn Hồng Oanh tại nhà riêng ở quận 2 (TPHCM) lần đầu, chúng tôi cũng như nhiều người khác ngỡ đã quen từ lâu. Bởi bà chào đón chúng tôi bằng một cách rất đặc biệt - hát thơ - chân tình và thân thuộc đến lạ. 

Tuy đã bước sang tuổi lục tuần, nhưng trông bà còn khá trẻ trung nhờ nước da hồng hào, gương mặt phúc hậu cùng nụ cười tươi vui luôn hiện trên khuôn mặt. 

Được trực tiếp nghe giọng trầm ấm của bà hát thơ bằng các làn điệu dân ca ba miền, chúng tôi đi từ ngỡ ngàng sang say đắm. Cuộc đời làm nghệ nhân - nhà thơ của mình được bà kể lại qua những điệu ví, lời ru, câu hò,... đậm chất dân gian.

Bà tên thật là Nguyễn Thị Hồng Vanh. Cha bà đặt tên này với ý nghĩa mong con gái mình luôn tươi trẻ, hay với ý nghĩa khác là vòng tròn màu hồng. Bà sinh tại huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) - cái nôi của hát thơ và "lẩy" Kiều nổi tiếng xứ Thanh - Nghệ - Tĩnh xưa. 
Cha bà là thầy thuốc đông y, đồng thời cũng là ông đồ dạy chữ Nho ở làng. Đôi khi ông vừa cắt thuốc, vừa hát cho bệnh nhân nghe để họ tạm quên đi bệnh tật, đau đớn. 
Mẹ bà là một nông dân chất phác và cũng là nghệ nhân hát thơ dân gian của làng. Bà lớn lên trong lời ru của cha mẹ. Vì thế, lên 4 tuổi bà đã bắt đầu cảm nhận được ý nghĩa những điệu hát thơ. 
Bà bảo, lúc lên 5 tuổi, mỗi lần dắt trâu ra đồng chăn, khi đi qua nhà hàng xóm thấy người lớn đối hát thơ "Kiều" bà đều đứng lại nghe. Để trâu đứng yên, bà phải "gãi" mỏi tay ở má và sau tai trâu, mê mẩn tới trưa mới cho trâu đi ăn.

"Cha thường dẫn tôi theo ra ruộng chơi. Tôi thấy cha cứ vừa làm vừa hát nên thắc mắc sao ở nhà cha không hát cho con nghe mà cứ ra ngoài ruộng hát. 
Cha tôi cười bảo hàng ngày chỉ được ăn có mấy củ khoai với mấy hạt gạo, nếu không hát thì cha lấy hơi sức đâu mà cày cấy. Chính câu nói đó của cha đã khiến tôi cứ suy nghĩ mãi về sức mạnh, nội lực của những câu hát cho tới giờ". 
Vì câu hát mà người ta mạnh mẽ hơn, nó như có lửa bừng lên trong tim mỗi người, người ta vịn câu hát để họ đứng dậy, những dòng ký ức một thời của bà ùa về.
Theo bà thì chính tình yêu quê hương, làng xóm, đồng ruộng được hun đúc đã cho chúng ta một kho tàng văn hóa dân gian rất lớn. Sau này được học văn hóa dân gian, bà đã tâm niệm sẽ truyền đạt lại những làn điệu dân ca bằng lời cho lớp trẻ để có thể góp phần giúp cho người trẻ hiểu được phần nào những làn điệu hò vè, ca, ví quê hương từng vùng miền cụ thể.

Bà cho biết, khi lên 6 - 7 tuổi, bà được cha mẹ dạy những câu thơ "Kiều" đầu tiên và hàng chục điệu ví dặm của quê nhà. Trí nhớ khá tốt, chỉ trong vòng một năm cô bé Hồng Oanh đã thuộc nằm lòng Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du. 
Cô bé còn biết "lẩy" "Kiều" để đối đáp như các anh chị lớn tuổi. Các thành viên trong gia đình thường xuyên hát với nhau như một món ăn quen thuộc hằng ngày...

Bà bắt đầu làm thơ từ lúc biết nhớ, biết khóc "người dưng". Thế nhưng, học xong trung học phổ thông, ngay những ngày sau giải phóng, bà lại vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp, trở thành nữ doanh nhân buôn rèm cửa bậc nhất thành phố đô hội này. Song song với việc kinh doanh, hằng ngày, bà vẫn làm thơ, rồi ngâm và hát một mình, như là cách tìm về nơi thanh thản của tâm hồn.

Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Nguyễn Hồng Oanh nổi lên như một "nghệ sĩ lạ". Ở bất kỳ cuộc họp mặt nào bà cũng thể hiện biệt tài hát thơ bằng hàng trăm làn điệu dân ca ở cả ba miền đất nước. 
Một lần về thăm mái trường Lý Tự Trọng ở quê nhà, bà được mời giảng và hát thơ cho các em học sinh nghe, để rồi khi ra về, bà "bị" đám trẻ với đôi mắt rưng rưng níu vạt áo lại để cảm ơn. 
Sau đó, bà liên tục đi hát thơ cho nhiều đối tượng thưởng thức như hát thơ ở các trường, vùng quê, các công ty, xí nghiệp, hát cho các chiến sĩ trong quân đội... 
Nhiều trường đại học mời bà đến chia sẻ. Có nghiên cứu sinh nhờ bà "cho vài điệu dân ca" minh họa để mang đi nước ngoài làm luận văn tiến sĩ...

Nghệ nhân Nguyễn Hồng Oanh còn mang thơ của mình, "Truyện Kiều", "Cung oán ngâm khúc"... vào bệnh viện để trực tiếp phục vụ bệnh nhân và đã có những hiệu quả nhất định.

Năm 1990, một lần vào thăm mẹ người bạn đi viện, đang phân vân không biết mua gì biếu tặng thì người bạn cho biết: "Bà cụ vừa bảo, chỉ cần Hồng Oanh vào hát thơ vài bài là mẹ sẽ khỏe lại ngay...". 
Thấy bạn nói vậy, bà cảm thấy như có động lực, bèn ngâm một bài thơ về mẹ do chính mình sáng tác. Cả bệnh nhân lẫn bác sĩ trong phòng bệnh của mẹ người bạn đều xúc động nghẹn ngào, vỗ tay cảm ơn bà. 
"Có lẽ, tôi đã dùng lời hát để nói hộ tâm sự của họ về mẹ nhằm đánh thức những gì họ muốn nói với mẹ mà chưa nói được..." - Bà chia sẻ.

Sau đó, bà liên tục đi hát thơ ở các bệnh viện tại TPHCM như: Bệnh viện Bưu điện, Bệnh viện Tim, Bệnh viện Mắt... với hy vọng mang lời ca tiếng hát của mình "lấn át" những cơn đau đang hành hạ trên cơ thể bệnh nhân, kích thích tinh thần chống chọi với bệnh tật của họ. 
Một điều dưỡng viên khi nghe bà hát đã xúc cảm chia sẻ: "Thực sự trước đây tôi không hề thích thơ ca, vậy nhưng khi được tiếp xúc, được nghe những gì cô Hồng Oanh hát và ngâm, cô đã cho tôi hiểu nhiều hơn về kiến thức văn hóa dân tộc, thấy tâm hồn thanh thản…".

Năm 2000, bà trong ban chủ nhiệm của Câu lạc bộ ca trù và hát thơ Hùng Vương cùng TSĩ Nguyễn Nhã (CLB này được cố GS Ngô Gia Hy và GS Trần Văn Khê rất ủng hộ) - nơi quy tụ các nghệ sĩ dân gian để giao lưu, biểu diễn các loại hình diễn xướng trong văn hóa dân gian Việt Nam cho khán giả. 
Bà cùng một số nghệ sĩ khác hát, biểu diễn từ đàn tính hát then, hát từ chầu văn của vùng đồng bằng Bắc bộ, hát vào ví dặm Nghệ Tĩnh, hát dân ca vùng Bình Trị Thiên, tới Liên khu V và đi xuống đồng bằng sông Cửu Long...

Để người nghe dễ tiếp nhận, bà đã tìm cách bổ sung và làm mới việc ngâm thơ bằng những làn điệu dân ca. Cũng là một câu hát "Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau", vậy mà qua lời hát điêu luyện, thuần thục của bà bằng những làn điệu khác nhau, nó đã tạo được những hiệu ứng tình cảm đặc biệt. 
Khi bà cất lời hát, người nghe thấy được hơi thở của văn hóa dân gian đang sống dậy, đặc biệt là dân ca hò vè của Nghệ Tĩnh trong đó. Điệu "Giận mà thương" cho người nghe cảm giác ngọt ngào, sâu nặng… 
Cứ thế, bà ngâm thơ rồi hát không mệt mỏi, hát để tạo niềm vui, dùng lời ca để truyền tải tình yêu quê hương, đất nước tới mọi người. 
"Hát thơ đối với tôi như lời tri ân tới những tiền nhân, tới cha mẹ mình, với quê hương mình..." - Bà tâm sự. Cứ mỗi tháng, Câu lạc bộ lại tổ chức giao lưu văn nghệ với các bệnh viện tại TP HCM và các vùng lân cận… Trong câu chuyện, bà vừa nói, vừa ngâm, vừa hát để minh họa, để dẫn chứng gần như không ngừng nghỉ. Có cảm giác những gì thuộc về văn hóa dân gian như cuộn chảy trong con người bà, chỉ cần một khơi gợi là nó sẽ tuôn trào. Bà bảo, văn hóa dân gian là một nguồn tài nguyên bất tận của mỗi quốc gia, có "đào" mãi cũng không thể hết được...
Nghệ nhân Nguyễn Hồng Oanh đã xuất bản các tập thơ: "Trăng xuân" (2000), "Sóng hát" (2002), "Đất Ngời" (2008); đồng biên soạn Tuyển tập thơ "Đường về xứ Nghệ". Công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian, lễ hội quận 2 (thực hiện trong 9 năm).                                                                                                                                 Ngoài ra, bà còn cho ra 10 bộ CD về ngâm thơ của các tác gia lớn Việt Nam. Đặc biệt nhất vẫn là bộ CD Truyện Kiều (2003-2004) gồm 6 bộ và 12 CD.                                                                                                                                                                                               Hiện tại, bà là Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Giao lưu Văn hóa Khoa học và Giáo dục thuộc Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam. Năm 2012, bà là một trong những nghệ sĩ hát thơ hiếm hoi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian.
Theo CAND

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ