Luôn cập nhật nếu không muốn bị đào thải
Là một giáo viên nữ, dù đã về hưu 5 năm nhưng tình yêu nghề đã tạo ra động lực giúp cô Trịnh Thu Tuyết không ngừng nghiên cứu, tìm tòi và cập nhật trong việc giảng dạy của mình.
Ở tuổi 60, là “người có tuổi” nhưng khả năng cập nhật, sử dụng công nghệ, mạng xã hội vào trong công việc giảng dạy trực tuyến cũng như sự quan tâm, nhiệt huyết được bày tỏ, chia sẻ các quan điểm về các lĩnh vực phong phú của kiến thức chuyên môn, các vấn đề xã hội của cô hầu như không thua kém bất kỳ người trẻ tuổi nào. Hiện nay, cô vẫn tiếp tục truyền tải kiến thức Văn học trong cương vị một giáo viên trực tuyến tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI.
Nói về những khó khăn, thách thức của người làm nghề giáo, đặc biệt là giáo viên nữ trong thời đại công nghệ, cô Tuyết bày tỏ, cô hoàn toàn hiểu được những khó khăn của các đồng nghiệp nữ.
Sự hạn chế về sức khỏe, tuổi tác và thời gian, nhất là với những người đã có gia đình ít nhiều ảnh hưởng tới khả năng nhanh nhạy trong nắm bắt, cập nhật phương pháp, công nghệ hiện đại vào việc giảng dạy. Điều này đặt ra những thách thức lớn cho các giáo viên nữ nếu muốn toàn tâm toàn ý với nghề.
“Giáo dục bây giờ thường xuyên đổi mới từ nội dung tới phương pháp, đòi hỏi người giáo viên phải thường xuyên cập nhật, trau dồi kiến thức bản thân để có thể bắt kịp yêu cầu. Thêm vào đó, cùng với sự phát triển của công nghệ hiện đại, việc ứng dụng thành tựu công nghệ vào quá trình giảng dạy và tương tác với học sinh là điều rất cần thiết. Không cập nhật, không nắm bắt để đáp ứng yêu cầu đổi mới thì việc bị đào thải chỉ là vấn đề thời gian.” - cô Trịnh Thu Tuyết bày tỏ.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, có một vấn đề lớn mà người làm nghề cần phải lưu ý trong quá trình cập nhật, nắm bắt khi đứng trước xa lộ thông tin khổng lồ, phức tạp đa chiều hiện nay, đó là sự tỉnh táo, trí tuệ và bản lĩnh...
“Trong thế giới phẳng, với lượng thông tin khổng lồ, con người nói chung và giáo viên nói riêng không còn bị bó hẹp trong khuôn khổ tri thức nhất định. Thay vào đó, giáo viên thường xuyên được cập nhật, mở mang và tiếp cận với nguồn tri thức mới. Chúng ta có thể biết tất cả thông tin, tri thức trên hầu hết các lĩnh vực chỉ sau một cú nhấp chuột. Đó thật sự là thuận lợi lớn” – nhà giáo Trịnh Thu Tuyết cho biết.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Tuyết, nếu giáo viên không có khả năng làm chủ, chọn lọc và đạo đức nghề nghiệp rất dễ dẫn tới sa chân vào “khoảng đen” tiêu cực. Lý giải về điều này, cô Tuyết bày tỏ, hiện nay, khối lượng rất khổng lồ, xuất phát từ nhiều nguồn chưa được kiểm chứng, thường xuyên cập nhật, trôi chảy, dễ gây ra tình trạng nhiễu loạn thông tin. Nhân cách của người làm nghề giáo là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin.
“Giống như nhiều nghề nghiệp khác, nghề giáo cũng đòi hỏi phải trực tiếp bỏ sức lao động ra, đầu tiên là chuẩn bị bài giảng. Với những người làm nghề có ý thức và tâm huyết, việc nhất định tìm ra chân lý, tri thức tốt nhất sẽ không tránh khỏi những khó khăn, thách thức. Trong khi đó, chỉ với một cú nhấp chuột dễ dàng đã rất nhiều bài giảng, giáo án trên mạng internet; mà con người thì vốn dễ chiều chuộng bản thân. Lúc này, đòi hỏi người giáo viên phải có đủ bản lĩnh, phông kiến thức, phông văn hóa dày dặn, một nhân cách trung thực để không bị chao đảo, nhiễu loạn thông tin” – cô Trịnh Thu Tuyết chia sẻ thêm.
Nghề chọn người, người chọn nghề: giới hạn của chuẩn mực
Vẫn xoay quanh câu chuyện thông tin và tâm thế, bản lĩnh của người giáo viên trước nguồn thông tin khổng lồ, cô Trịnh Thu Tuyết cũng đặt ra vấn đề giáo viên trên cương vị người phát ngôn thông tin và chuẩn mực nghề giáo.
Theo cô Tuyết, phát ngôn là nhân quyền của con người. Tuy nhiên, trong thời buổi thông tin nhiễu, mỗi lời nói, phát ngôn, mỗi dòng trạng thái của một giáo viên có sự ảnh hưởng, sức định hướng dư luận tích cực hoặc tiêu cực rất lớn, nhất là với những giáo viên dạy trực tuyến có lượng học sinh đông đảo.
Một trong những phương tiện giáo dục của giáo viên là sự nêu gương. Nghề nào nghiệp ấy, khi lựa chọn nghề giáo đồng nghĩa với việc phải lựa chọn cho mình cách sống để đạt được sự chuẩn mực. Sự đúng mực, nghiêm túc, thân thiện trong lời nói, trang phục, cử chỉ và lớn nhất là nhân cách của người giáo viên chính là những phương tiện giáo dục cực kỳ quan trọng.
Cô Tuyết chia sẻ, cá nhân cô không phủ nhận quyền cá nhân của mỗi người ngoài không gian học đường. Tuy nhiên, nghề giáo quy định người giáo viên cần thể hiện tấm gương với học trò, xã hội, phụ huynh ở tất cả mọi bình diện.
Nói như vậy tuyệt đối không có nghĩa là phải sống giả dối, điều bản thân cô luôn hướng tới đó là sống chân thành, trung thực và xác định đúng những giới hạn của nghề nghiệp! Đó là sự chuẩn mực trong từng cách ăn mặc, đầu tóc, từng phát ngôn, từng cách ứng xử...trong bài giảng, trong cuộc sống hàng ngày và cả trong những dòng trạng thái, những comment, reply....trên mạng xã hội.
“Một số giáo viên có những dòng trạng thái với lời lẽ cực đoan, quá khích, mang tính miệt thị, sỉ nhục một đối tượng cụ thể! Điều này tạo ra tác hại vô cùng lớn đối với chính danh dự bản thân người giáo viên; với tập thể, tổ chức nơi người giáo viên công tác và với cả chính học trò. Nhất là những giáo viên dạy trực tuyến, sở hữu lượng học sinh lớn thì điều này càng có tác hại lớn bởi những phát ngôn này mang tính định hướng dư luận và có sức ảnh hưởng theo những hướng khác nhau...” - cô Tuyết bày tỏ.
Đổi mới giáo dục và tâm thế người làm nghề giáo
Chia sẻ về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sắp triển khai vào năm 2020, cô Tuyết bày tỏ hy vọng sự đổi mới lần này sẽ là cơ hội để giáo dục Việt Nam có thể thoát khỏi trì trệ; thay đổi được triết lý giáo dục cũ đã tồn tại nhiều năm nay thành dạy học và phát triển năng lực, phẩm chất cho học trò. Sự đổi mới này vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên nữ.
Tuy nhiên, theo cô Tuyết, chỉ cần có đủ quyết tâm và tình yêu với nghề thì nhất định nhanh chóng nắm bắt, cập nhật và làm chủ được những phương tiện trong thời đại công nghệ cũng như áp dụng vào trong giảng dạy.
“Tôi quan niệm, công nghệ không đơn thuần chỉ là sử dụng vài mẫu trình chiếu trong các tiết học. Nhất là với những môn học đặc thù như môn Văn, đòi hỏi sự tương tác trực tiếp bằng lời nói, cử chỉ, ánh mắt giữa thầy và trò thì lạm dụng công nghệ trình chiếu là không nên. Bản thân tôi không bao giờ sử dụng công nghệ trình chiếu trong môn Văn của mình nhưng trong quá trình hậu trường phục vụ cho bài giảng như: tìm kiếm, thu thập, xử lý dữ liệu thì môn học nào cũng cần. Nói chung, không cập nhật, không biết thông tin, không biết công nghệ đồng nghĩa với việc người giáo viên sẽ sớm bị đào thải trước yêu cầu mới” - cô Tuyết chia sẻ.
Bên cạnh quan điểm về tâm thế của người người giáo viên với việc cập nhật công nghệ hiện đại trong giảng dạy, cô Tuyết cũng bày tỏ quan điểm về việc trau dồi, cập nhật phương pháp giảng dạy đối với giáo viên nói chung và giáo viên nữ nói riêng.
Theo cô, từ nhiều năm về trước, giáo dục vẫn đề cập tới phương pháp thầy chủ đạo, trò chủ động. Tuy nhiên, cũng chừng ấy thời gian giáo dục đi theo lối mòn thầy “rót” kiến thức, trò tiếp nhận kiến thức và cơ chế kiểm tra, đánh giá vẫn trên tinh thần trò nói càng được nhiều, càng giống thầy bao nhiêu càng tốt. Để làm mới được “lối mòn” này, chính thầy, cô giáo phải đổi mới phương pháp truyền tải của mình.
Cô Tuyết cho biết, từ nhiều năm nay, cô thường biến những giờ giảng văn thành giờ trao đổi, tranh luận với học trò, để học trò được đối thoại, thể hiện quan điểm với chính quan điểm của giáo viên và sách giáo khoa. Trên cơ sở tạo cơ hội cho học trò tự đưa ra quan điểm, tri thức riêng của mình, cô Tuyết mong muốn cung cấp cho các em phương pháp thay vì chỉ có nội dung.
Cô quan niệm: nội dung kiến thức là vô hạn, lời giảng của thầy cô và kiến thức trong sách giáo khoa chỉ là hữu hạn, vì vậy, muốn đào tạo thành công con người trong thời đại mới thì việc thầy, cô giáo cần làm là cung cấp cho học trò phương pháp. Tuy nhiên, bản thân phương pháp cũng luôn có sự vận động, thay đổi, nên hãy trao cơ hội để các em có thể trao đổi, lựa chọn và tìm ra được phương pháp tối ưu cho mình!
“Thầy, cô cung cấp cho các em phương pháp, cho các em được đối thoại về phương pháp; đồng thời, dùng chính phương pháp ấy để tìm ra nội dung, vấn đề và đối thoại với nhau về chính nội dung, vấn đề đã tìm ra. Bằng cách này, các em sẽ tự trang bị cho mình được những phương pháp tối ưu để có thể xử lý các vấn đề theo cách riêng, không chỉ trong bài học cụ thể mà ngay cả trong các vấn đề của cuộc sống. Giống như các cụ nói, cho cần câu thay vì cho cá vậy” - cô Tuyết chia sẻ thêm.