Giáo sư Lê Thị Thanh Nhàn. |
"Đó là người phụ nữ rất đặc biệt" - GS Trần Văn Nhung (Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước) mở đầu câu chuyện khi nói về giảng viên Lê Thị Nhàn, người vừa được Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước công nhận đủ tiêu chuẩn giáo sư.
Theo ông, toán học thường là lĩnh vực có thế mạnh của đàn ông nên với phụ nữ muốn thành công phải thực sự có nghị lực và đam mê.
"Cô Hoàng Xuân Sính được phong giáo sư năm 1980. Mãi 35 năm sau Việt Nam mới có một nữ giáo sư toán thứ hai, đủ biết đoạn đường ấy dài như thế nào" - GS Nhung nói.
Cô Nhàn sinh năm 1970 trong gia đình nghèo có 5 người con, quê gốc ở Thừa Thiên - Huế. Tốt nghiệp Khoa Toán (Trường ĐH Sư phạm Việt Bắc) khi mới 20 tuổi, Nhàn được giữ lại làm giảng viên của trường.
Trở thành thạc sỹ, cô lại có mơ ước cao hơn, muốn làm nghiên cứu sinh để thỏa mãn lòng say mê học Toán. Chị từng tâm sự: "Với Toán, tôi như con “nghiện” vậy".
Ủng hộ đam mê của vợ, chồng Nhàn đã thuyết phục GS Nguyễn Tự Cường (Viện Toán học) nhận hướng dẫn làm luận án tiến sĩ. Và Nhàn đã bảo vệ thành công luận án với 6/7 phiếu xuất sắc, được thầy Cường khen là học trò giỏi nhất.
Bốn năm sau, năm 2005 với nhiều đóng góp có giá trị về lĩnh vực đại số giao hoán trong làng toán Việt Nam và quốc tế bằng nhiều bài báo khoa học có giá trị, Nhàn trở thành phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam khi mới 35 tuổi.
Khước từ nhiều cơ hội làm việc ở nơi có điều kiện như Viện Toán học Pháp, Viện Vật lý lý thuyết của Italia và Thụy Sĩ, PGS Nhàn về công tác tại Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên), bởi muốn gắn bó và cống hiến cho mảnh đất mình đã lớn lên.
Là Hiệu phó Đại học Khoa học, cô Nhàn đã công bố 16 công trình trên những tạp chí toán quốc tế uy tín được ISI xếp hạng, 5 công trình trên Journal of Algebra - tạp chí quốc tế uy tín thuộc chuyên ngành Đại số, tham gia giảng dạy tại nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới.
Với những thành tích xuất sắc, năm 2007, cô nhận Bằng khen của Thủ tướng và giải thưởng Khoa học của Viện Toán học Việt Nam - một giải thưởng khoa học uy tín được trao 2 năm 1 lần cho hai nhà toán học Việt Nam dưới 40 tuổi.
Năm 2011, cô nhận Giải thưởng Kovalevskaia - phần thưởng cao quý nhằm tôn vinh những nhà khoa học nữ có thành tựu xuất sắc và có nhiều đóng góp cho khoa học thuộc lĩnh vực tự nhiên.
Trong buổi lễ nhận giải, cô Nhàn tâm sự: "Nghiên cứu khoa học đối với phụ nữ, nhất là phụ nữ có gia đình là một thử thách gian lao. Bởi, ngoài công việc xã hội, chúng tôi còn phải đảm đương thiên chức của người phụ nữ. Công việc gia đình, cơ quan, xã hội… thực tế, đã chiếm hầu hết thời gian của chị em".
Cô chia sẻ, nếu thực sự không có lòng say mê khoa học, không có sự cảm thông, chia sẻ giúp đỡ của người thân, đặc biệt là chồng con thì khó lòng có thể yên tâm nghiên cứu khoa học.
"Cho nên, để có được sự đóng góp thật sự, dù là nhỏ cho khoa học thì phụ nữ chúng tôi phải đổi bằng năm, bằng tháng, bằng sự hy sinh của chính mình và của người thân" - Nữ giảng viên trải lòng.
"Đại thi hào người Ấn Độ Tagore từng nói đầu tư vào một người đàn ông ta được một người chồng tốt, đầu tư vào một người phụ nữ ta được một gia đình tốt, đầu tư vào một nhà giáo ta được một thế hệ tốt" - GS Trần Văn Nhung nhận xét.
Một đồng nghiệp của GS Nhàn cho biết, khi làm việc, tiếp xúc với chị, các giáo viên chưa bao giờ có cảm giác đang đứng trước lãnh đạo vì chị gần gũi, quan tâm đến tất cả mọi người.
"Chị luôn tạo cho người đối diện cảm giác thân thiện từ ánh mắt đến nụ cười, cách nói chuyện. Nhìn bóng dáng nhỏ nhắn, lúc nào cũng hối hả, nhìn vào hiệu quả công việc của chị, mọi người càng thêm yêu mến và nhận biết được người phụ nữ ấy quý trọng quỹ thời gian đến từng giây từng phút" - Nữ đồng nghiệp nhận xét.