Nữ giảng viên Việt giành giải thưởng danh giá của Mỹ

GD&TĐ - Trần Bảo Ngọc Hà (30 tuổi, quê ở Hải Phòng) là cô gái duy nhất tại phòng thí nghiệm nghiên cứu thuộc chương trình Tiến sĩ ngành kỹ thuật cơ khí tại Đại học Auckland (New Zealand).

Trần Ngọc Bảo Hà cùng ông xã tại Lễ nhận bằng tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Kỹ thuật cơ khí tại Trường Đại học Auckland, New Zealand. Ảnh: NVCC
Trần Ngọc Bảo Hà cùng ông xã tại Lễ nhận bằng tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Kỹ thuật cơ khí tại Trường Đại học Auckland, New Zealand. Ảnh: NVCC

Cô cũng là người Việt Nam thứ hai ghi tên tại giải thưởng thường niên danh giá của Mỹ.

Ngọc Hà nằm trong tốp những nhà nghiên cứu nữ triển vọng trong lĩnh vực hàng không vũ trụ được giải thưởng Zonta International Amelia Earhart Fellowship 2021. Đây là giải thưởng của Mỹ dành cho 30 phụ nữ xuất sắc trong lĩnh vực Cơ khí Hàng không mỗi năm với số tiền là 10 nghìn USD. Hà đi du học New Zealand chương trình Thạc sĩ năm 2016 và hoàn thành sau hơn 1 năm với học bổng toàn phần của chính phủ New Zealand.

- Học bổng du học đã mang lại cho Hà những gì khi theo đuổi ngành kỹ thuật?

- Tôi đã theo khóa học Thạc sĩ ngành Kỹ thuật cơ khí ở khoa Kỹ thuật Trường Đại học Auckland bởi một học bổng toàn phần trị giá 90 nghìn USD của chính phủ New Zealand. Để qua được khóa học này, bạn cần làm đề tài nghiên cứu với kết quả có tính chính xác, mới và chưa được phát hiện ra trước đó. Tôi đã chọn nghiên cứu về “tuabin dòng chảy thủy triều”. Tại đây, tôi được tự lên ý tưởng và tự thiết kế mô hình tuabin đó. Sau đó, khi đã qua sự phê duyệt của Giáo sư hướng dẫn, tôi được tự tay chế tạo mô hình đó dưới sự hỗ trợ, tư vấn từ 3 kĩ thuật viên của khoa mình học.

Tất cả máy móc, đồ dùng, dụng cụ kĩ thuật để chế tạo, rồi đến cả những thiết bị đo đạc được đặt hàng về để lắp ráp, lập trình. Đó cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi được chạm, tự tay làm và tự chịu trách nhiệm về thiết kế đó. Sau đó, tôi được tự tay kiểm định, hiệu chỉnh lại quá trình chế tạo để bảo đảm mọi thông số cuối cùng thu được là chính xác. Cuối cùng, được thử nghiệm và mô phỏng lại hoạt động của mô hình tuabin đó.

Mọi quá trình trải qua đó đều có sự giám sát và phê duyệt từ Giáo sư hướng dẫn cũng như sự giúp sức từ các bạn nghiên cứu khác trong bộ môn. Tất cả những điều đó đã giúp tôi có một cái nhìn toàn diện về ngành kĩ thuật cơ khí mình theo đuổi và cảm thấy tự tin hơn.

Trần Bảo Ngọc Hà tại Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam nhân ngày thành lập trường.
Trần Bảo Ngọc Hà tại Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam nhân ngày thành lập trường.

- Dòng chảy thủy triều - loại năng lượng tái tạo mới - có thể được ứng dụng tại Việt Nam không?

- Nghiên cứu tập trung vào việc phân tích và đánh giá hiệu suất làm việc của tuabin dòng chảy thủy triều nhẹ tải, dưới các điều kiện dòng chảy không ổn định và phức tạp. Trước sự cạn kiệt của các nguồn nhiên liệu hóa thạch và gia tăng khí thải CO2 trên toàn cầu, nhiều nhà khoa học đã chuyển hướng nghiên cứu sang các nguồn năng lượng tái tạo như Mặt trời, gió và thủy triều.

Các nguồn năng lượng từ gió và Mặt trời đã đạt được những bước phát triển công nghệ đáng kể. Tuy nhiên, nó vẫn bộc lộ nhiều hạn chế bởi sự không liên tục trong mật độ năng lượng và đặc tính khó có thể dự đoán chính xác. Ở khía cạnh này, năng lượng thủy triều được chứng minh là một nguồn năng lượng dồi dào, có thể dự đoán dễ dàng, khá ổn định. Điều này đem lại hiệu suất kinh tế cao trong khai thác.

Nguyên lý làm việc của tuabin dòng chảy thủy triều khá đơn giản và tương tự như tuabin gió. Tuabin thủy triều sẽ được lắp đặt ở những nơi có dòng chảy thủy triều và chuyển hóa năng lượng này thành điện năng. Tuy nhiên, do sự khác nhau giữa tỷ trọng và tốc độ trung bình của gió và nước nên các thiết kế của tuabin gió và tuabin thủy triều cũng không giống nhau.

Việt Nam với đặc thù có đường bờ biển dài và ven biển có nhiều vũng, vịnh, cửa sông, đầm phá là tiền đề rất tốt để khai thác nguồn năng lượng này. Tuy nhiên, sự phát triển của nguồn năng lượng này tại Việt Nam hiện rất sơ khai. Chưa có các nghiên cứu và ứng dụng cụ thể dựa trên đặc điểm riêng của địa hình và điều kiện dòng chảy thủy triều của từng vùng miền. Phần lớn điện tại Việt Nam hiện giờ được khai thác từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than, khí tự nhiên hoặc thủy điện.

- Nữ giới đi theo lĩnh vực có vẻ khô khan là kỹ thuật cơ khí, chị thường gặp những khó khăn gì?

- Từ ngày học đại học, lớp tôi chỉ có 2 bạn nữ. Cho đến bây giờ, khi đang theo đuổi chương trình Tiến sĩ ngành Kỹ thuật cơ khí tại Trường Đại học Auckland thì phòng thí nghiệm nghiên cứu chỉ có tôi là nữ duy nhất. Nếu công việc chỉ đơn thuần là tìm hiểu, thiết kế và tiến hành các nghiên cứu mô phỏng, thì với tôi không có gì là khó khăn lớn, đặc biệt về mặt thể chất.

Tuy nhiên, công việc là xuống phòng thí nghiệm, phải lắp đặt và thử nghiệm các mô hình khá nặng với tiếng ồn lớn. Thậm chí là những lúc đi thực nghiệm hiện trường bất kể thời tiết mới cảm nhận rõ đây là thử thách rất lớn cho nữ giới. Nhưng nhờ vậy tôi có thể vượt qua giới hạn của bản thân, vượt qua những suy nghĩ, rằng con gái chỉ có thể làm những việc nhẹ nhàng. Thậm chí, những ngày làm thí nghiệm, tôi thường ngủ ngon và ngủ sâu hơn bình thường.

Tôi đã có một bài báo được đăng trên tạp chí uy tín “Năng lượng tái tạo” với chỉ số tác động khá cao, được viết dựa trên nghiên cứu Thạc sĩ về tuabin dòng chảy thủy triều tại Trường Đại học Auckland. Ở bài báo này, tôi vừa là tác giả chịu trách nhiệm và tác giả thứ nhất. Tháng 8 năm nay, tôi có một bài báo tại hội thảo “2021 AIAA Aviation Forum and Exposition” tại Mỹ, một trong những hội thảo lớn nhất và uy tín trên thế giới trong lĩnh vực hàng không và vũ trụ.

Hiện, tôi đang chế tạo một mô hình tái tạo lại môi trường hoạt động thực tế trên bầu trời của máy bay không người lái trong ống gió tại Trường Đại học Auckland. Tôi hi vọng mô hình này sẽ hoạt động đúng như mình thiết kế. Ngoài ra, tôi có thể lập trình hoạt động của nó để tái tạo lại nhiều môi trường gió tự nhiên trong ống gió nhân tạo, mang lại những kết quả khả thi cho nghiên cứu.

- Cảm ơn Hà về cuộc trò chuyện!

Sau hai năm làm việc tại Đại học Hàng Hải Việt Nam, Ngọc Hà quay lại New Zealand năm 2019 để tiếp tục một hành trình mới là nghiên cứu chuyên sâu bậc Tiến sĩ ngành Kỹ thuật cơ khí với một học bổng toàn phần. Học bổng này bao gồm cả học phí và sinh hoạt phí từ Trường Đại học Auckland, New Zealand. Hà nhận được hai giải thưởng: Giải thưởng Amelia Earhart Fellowship từ tổ chức   Zonta International tại Mỹ. Cùng với đó là Giải thưởng Mercer Memorial Scholarship từ hội đồng Trường Đại học Auckland. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ