Ảnh minh họa. |
Bài viết của bác sĩ Lê Ngọc Dũng – Nguyên bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp đã chia sẻ câu chuyện về một đám cưới không cô dâu và đám cưới đó vẫn ám ảnh với bác sĩ Dũng đến giờ.
Năm đó tôi được giao cho chức vụ bác sĩ trưởng khoa cấp cứu hồi sức. Khoa hồi sức cấp cứu luôn là tuyến lửa cho tất cả nhân viên bệnh viện.
Bệnh nặng, theo dõi liên tục, số lượng nhiều luôn luôn làm cho nhân viên bơ phờ mệt mỏi vì quá tải. Các nhân viên trong khoa tôi phụ trách thường là những người trẻ, khỏe, nhiệt tình, kinh nghiệm và nhất là có lòng thương người.
Có điều khá kỳ lạ là quá hai phần ba nhân viên lại… ăn chay trường. Có lẽ tiếp xúc gần kề giữa cái sống và chết, họ phần nào thiên về tâm linh. Tôi cũng không hỏi vì tôn trọng quan niệm riêng của mỗi người.
Hôm đó là một buổi sáng cuối trung tuần tháng chạp âm lịch. Những ngày cuối năm mọi người hối hả dọn dẹp, sửa sang nhà cửa để đón năm mới, quên đi những vất vả lo toan của một năm sắp hết. Bệnh nhân giảm đi thấy rõ ở các khoa nội trú, chỉ trừ phòng hồi sức cấp cứu. Các nhân viên ngồi tán gẫu với nhau bàn chuyện mua sắm đồ tết.
Đột nhiên người ta đưa đến một cô gái rất trẻ, chỉ độ mười chín, hai mươi với gương mặt tái nhợt, nồng nặc mùi thuốc sâu, nghe qua là biết loại phospho hữu cơ.
Lập tức tôi cho rửa dạ dày ngay. Nhìn màu nước trắng như sữa bò trào ra khi cô gái nôn thốc, tôi lắc đầu. Xin nói ngay là tôi đang đại diện bệnh viện làm một đề tài nghiên cứu khoa học về ngộ độc thuốc sâu trong 5 năm 1976-1980 với trên 300 ca.
Do đó chỉ nhìn lượng nước rửa, màu sắc, mùi có thể ước đoán số lượng thuốc uống và qua đó dự hậu của bệnh nhân. Kẻ nào uống hơn 100cc thì tỉ lệ tử vong có thể hơn 90%.
Với khối lượng lớn, thuốc vượt qua hàng rào máu não gây tử vong dễ dàng vì ngày xưa ta chỉ dùng chống độc bằng Atropin, chất này chỉ hòa tan trong nước, không vào não được. Thời này đã có Pralidoxim nhưng ở Việt Nam chưa bệnh viện nào đưa vào sử dụng.
Tôi cho rửa dạ dày thật sạch cho đến khi nước trong, hết mùi hôi đồng thời tiêm 2mg chống độc mỗi 5-10 phút cho đến khi không còn nghe khò khè do sự tăng tiết đàm dãi, và đồng tử phải dãn > 3mm.
Sau đó cứ mỗi 15-20 phút lại tiêm 2mg chống độc liên tục trong suốt ngày.
Đến chiều hôm đó cô gái khỏe khoắn trở lại, ngồi dậy được. Đó là một cô gái trẻ, vóc dáng thon thả với khuôn mặt xinh xắn nhưng đượm nét buồn khôn tả.
Và lúc đó tôi mới biết nguyên nhân của việc làm dại dột kia. Cô gái chuẩn bị lên xe hoa, nhưng gia đình cô chê anh chồng sắp cưới không môn đăng hộ đối. Hai người quen nhau trong những sinh hoạt văn nghệ xóm phường, nhưng gia đình anh thanh niên thì nghèo.
Lời ra tiếng vào, nhất là bà chị cô gái rất khinh bỉ gia đình em rể tương lai. Chịu không nỗi sự nhục mạ đó, một đêm về sáng cô uống cạn chai thuốc sâu có sẵn trong nhà…
Ngày hôm sau cô gái đã ngồi dậy đi từng bước khó khăn, nhưng có thể đi tiêu tiểu được với sự hỗ trợ của người nhà. Gặp tôi cô cúi đầu, nói từng tiếng tuy yếu ớt nhưng rõ ràng:
- Em cảm ơn bác sĩ đã cứu em. Bây giờ em sợ chết lắm vì sẽ bỏ chồng em, bỏ mẹ cha. Ngày mai là ngày đám cưới, hai bên họ đã mời rồi. Chắc phải tiến hành đám cưới không cô dâu thôi.
- Cô cứ nghĩ ngơi.Tình trạng của cô vẫn chưa an toàn đâu. Chúng tôi còn phải theo dõi cho đến một tuần…
Theo đề tài nghiên cứu của tôi thì tình trạng ngộ độc tái diễn của thuốc sâu khi dùng atropin đối kháng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong vòng 3-6 ngày sau khi uống. Do đó tôi hết sức theo dõi cô gái ngộ độc trở lại. Tôi cứ cho tiêm atropin liên tục với liều cao mỗi 30 phút, duy trì một tình trạng ngộ độc nhẹ atropin cho cô gái.
Ngày thứ ba, đám cưới vẫn tiếp diễn, họ hàng ai cũng nghĩ rằng cô sẽ trở về, dù muộn và ai cũng cầu nguyện cho cô sớm hồi phục… Một đám cưới không cô dâu có lẽ đó là đám cưới kỳ lạ nhất trên đời.
Ngày thứ tư sau khi nhập viện, vì dùng atropin liên tục, mặt cô lúc nào cũng đỏ hồng, tim nhanh, môi miệng khô khan, nứt nẻ, khát nước. Cô vẫn còn yếu, phải ngồi tựa vào thành giường, tuy vậy khi gặp tôi đến cô nhoẻn miệng cười yếu ớt, nụ cười buồn rầu:
Em không muốn chết, em dại dột vì quá bức xúc. Bác sĩ làm ơn cứu em, mấy đêm nay em không ngủ được, dường như có ai đó muốn rủ em đi khỏi thế gian này…
Tôi rùng mình nhẹ. Phòng cấp cứu hồi sức này, gần như ngày nào cũng có người chết, có khi trong vòng một ngày đêm tới ba bốn người tử vong, khi giao ban sáng, mất cả giờ báo cáo với lãnh đạo. Nếu ta có cặp mắt thần có thể thấy cả ngàn bóng ma lởn vởn khắp nơi….
Ngày nào cũng vậy kể cả ngày ra trực, sáng, chiều tôi luôn đến thăm bệnh, khuyên nhủ, theo dõi ăn uống và nhất là tiếp tục tiêm atropine liều cao dù chưa thấy tình trạng ngộ độc tái phát.
Theo kinh nghiệm riêng của tôi và theo y văn, thà để bệnh nhân ở tình trạng ngộ dộc nhẹ atropin còn hơn bị tái ngộ độc thuốc sâu. Tôi dặn nhân viên cho cô gái nằm ở một góc riêng, theo dõi sát các diễn biến.
Ngày thứ năm, tình hình sức khỏe cô gái xấu đi dù không có triệu chứng tái ngộ độc thuốc sâu. Hơi thở vẫn thông, không có dấu hiệu tăng tiết, ngạt. Tuy nhiên cô đi không nỗi phải dìu. Huyết áp dao động nhẹ nhưng vẫn trong mức an toàn.
Ngày đó là ngày cuối tuần. Hôm sau tôi phải về quê đi đám giỗ cha mình vào đúng ngày chủ nhật.
Thứ Hai, khi đến Bệnh viện việc đầu tiên là tôi đến thăm ngay cô gái. Chiếc giường trống trơn. Tôi bàng hoàng khi nghe nhân viên báo cáo: Cô đã mất vào trưa ngày chủ nhật.
Bao nhiêu cố gắng đã trôi theo dòng nước, tôi bàng hoàng một lúc lâu mới trấn tĩnh. Cầm lấy bệnh án tôi xem lại thì thấy bác sĩ trực ngày Chủ nhật đã cắt bỏ, không tiếp tục tiêm atropine vì thấy sức khỏe cô kém quá và cũng do thấy đã khá lâu không còn dấu hiệu ngộ độc lại.
Cô chết đi trong tình trạng suy tim, suy kiệt. Cô vẫn còn tỉnh táo cho đến phút giây cuối cùng khi thần chết đến đón mình đi.
Một tuần sau, tôi đón tiếp hai con người buồn rầu đau thương đến nhà riêng của mình, trong lúc pháo nổ lác đác ngoài ngõ. Đó là chú rể mồ côi vợ và mẹ cô gái. Hai người đến cảm ơn tôi và cho biết sau đám tang, đồ cưới cô gái đặt cả lên bàn thờ.
Ngày cô ra đi cô vẫn lúc nào cũng dõi mắt đau đáu nhìn ra cửa bệnh viện, có lẽ cô mong chờ tôi, vị cứu tinh mà cô tin tưởng sẽ đem lại cho cô một cuộc đời làm vợ, làm mẹ như bao cô gái khác. Tôi đã không hoàn thành được kỳ vọng của cô.
Ngay cả đến bây giờ sau ba mươi năm tôi vẫn còn hoài nghi, nếu mình không về quê thì có cứu được cô gái đáng thương đó hay không.
Tôi đành thì thầm nhủ gửi không gian cô tịch những lời khấn vái: “Em ơi hãy tha lỗi cho tôi, tôi đã không làm tròn lời hứa với em, đã không giành giựt được em khỏi tay thần chết, đành để em ra đi với một tình yêu không trọn vẹn. Kiếp sau nếu có, em hãy trở lại cuộc đời với một số kiếp tươi đẹp hơn…
Đối với những người tự tử, thái độ thông thường của nhân viên y tế là không thích, ghét bỏ ra mặt. Trong khi mệt nhọc vì những bệnh nhân muốn sống khác thì những kẻ tìm cái chết này tạo một gánh nặng thêm cho những thầy thuốc.
Nhưng trong câu chuyện trên chúng ta thấy thật đáng thương cho con bệnh, chỉ vì một phút kém suy nghĩ mà đánh mất tất cả. Vì thế đối với tất cả bệnh nhân dù là tự tử, ta phải có lòng bao dung như mẹ hiền.