NSƯT Nguyễn Văn Khuê với nỗi niềm duyên nợ ca trù

GD&TĐ - NSƯT Nguyễn Văn Khuê là truyền nhân đời thứ 6 của giáo phường Thái Hà - một địa chỉ ca trù với hàng trăm năm tuổi còn hoạt động đến ngày hôm nay.

NSƯT Nguyễn Văn Khuê trong canh hát ca trù. Ảnh: NVCC.
NSƯT Nguyễn Văn Khuê trong canh hát ca trù. Ảnh: NVCC.

Nửa thế kỷ gắn bó với tiếng đàn, nhịp phách, lời ca, NSƯT Nguyễn Văn Khuê luôn thực hiện theo lời dặn dò của cha: Giữ gìn và lan tỏa nghệ thuật truyền thống. Để làm được điều ấy, ngoài tài năng phải có một lòng kiên định, niềm xác tín vào con đường mình đã chọn.

Giữ gìn, lan tỏa

Là con trai trưởng của nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Mùi - tay trống chầu đệ nhất Hà Thành, NSƯT Nguyễn Văn Khuê cũng là truyền nhân đời thứ 6 của giáo phường Thái Hà - một địa chỉ ca trù với hàng trăm năm tuổi còn hoạt động đến ngày hôm nay, mang trách nhiệm tự thân giữ gìn và lan tỏa nghệ thuật truyền thống.

Trách nhiệm ấy, niềm tâm huyết ấy được nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi trao truyền cho các con, không chỉ bằng những lời dặn dò mà còn bằng sự rèn giũa hằng ngày kỹ càng cụ thể.

Lớn lên trong âm sắc ca trù, 12 tuổi Nguyễn Văn Khuê bắt đầu theo học đàn đáy từ người bác họ - nghệ nhân Phó Đình Kỳ. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông theo học Khoa Âm nhạc Truyền thống - Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) để được tiếp cận và thực hành nghệ thuật theo hướng bài bản, kinh viện, có thêm một nghề “lấy tay phải nuôi tay trái” như lời cha dặn, đồng thời tiếp tục hoàn thiện tiếng đàn đáy và các kỹ năng khác của nghệ thuật ca trù.

Ông không chỉ là một kép đàn bền bỉ trên canh hát mà còn có thể hát, gõ phách, cầm chầu, sáng tác thơ theo các thể thức ca trù. Nhiều năm trời ông nghiên cứu, sưu tầm các làn điệu cổ, làn điệu khuôn, giữ gìn các khúc thức, các nguyên tắc, để ca trù không mất đi cái gốc gác đầy tinh tế trước những biến động dữ dội của thời gian và lòng người.

Những năm 70 - 80 của thế kỷ trước là thời kỳ bao cấp thiếu thốn. Những dư chấn để lại từ nghề hát cô đầu phố Khâm Thiên khiến ca trù không được đánh giá đúng, nhiều ca nương, kép đàn bỏ nghề, nhưng ca trù Thái Hà vẫn kiên nhẫn duy trì các buổi sinh hoạt, là nơi để các nghệ nhân đến đàn hát vào các dịp cuối tuần, ngày giỗ, ngày Tết. Ngôi nhà nhỏ của gia đình trong con ngõ phố Thụy Khê đã trở nên thân thuộc gắn bó với các nghệ nhân nổi tiếng như Quách Thị Hồ, Phó Thị Kim Đức.

“Trò nào giáo ấy”. Từ xa xưa, các giáo phường ca trù vốn giữ riêng ngón nghề trong dòng tộc, trong giáo phường mà không truyền thụ cho người bên ngoài. Huống chi Thái Hà được mệnh danh là “giáo phường đệ nhất bộ” (ca nương đệ nhất bộ, phách đệ nhất bộ, trống chầu đệ nhất bộ), nổi tiếng với sự chuẩn chỉ về các khúc thức trong ca trù, từ lời ca, điệu hát đến tiếng phách, tiếng trống chầu được giữ gìn nghiêm cẩn qua hàng trăm năm.

nsut-nguyen-van-khue-voi-noi-niem-duyen-no-ca-tru-3-7094.jpg
NSƯT Nguyễn Văn Khuê.

Nhưng khi Nhà nước có chủ trương phục hồi ca trù cùng các loại hình nghệ thuật truyền thống, NSƯT Nguyễn Văn Khuê lại cùng cha - nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Mùi tiếp tục cống hiến sức lực của mình, truyền dạy cho các địa phương, không hề giữ riêng các ngón nghề.

Ở đây, những nguyên tắc của giáo phường đã nhường chỗ cho lợi ích lâu dài của nghệ thuật. Mục đích cuối cùng cũng là để ca trù không bị thất truyền, mai một. Ca trù phải được gìn giữ với cốt cách sang trọng, tinh tế vốn có.

Năm 2002, với tài trợ của quỹ Ford và sự hỗ trợ của Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia, trong hai tháng trời ông trực tiếp đứng lớp ở Nhạc viện Hà Nội, dốc lòng dạy cho các nghệ sĩ trẻ những kiến thức cơ bản của ca trù, về phách khuôn, đàn khuôn. Những lớp học vẫn được ông tiếp nối đến tận bây giờ bằng nhiều hình thức khác nhau.

Thời điểm Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia lập hồ sơ trình UNESCO công nhận ca trù là Di sản văn hóa phi vật thể và truyền miệng của nhân loại, gia đình NSƯT Nguyễn Văn Khuê đã đóng góp rất nhiều tư liệu cùng hiện vật cổ. Trong các thước phim trình hội đồng

UNESCO đều có sự hiện diện của nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi. Bản thân NSƯT Nguyễn Văn Khuê từng có nhiều bài viết, tiểu luận nghiên cứu, đi nói chuyện ở nhiều nơi, cố vấn hoặc đạo diễn nghệ thuật cho các đoàn làm phim về ca trù.

Đóng góp là vậy, nhưng ngay cả khi không có sự ghi nhận tương xứng thì ông và những thành viên của giáo phường vẫn lặng lẽ, khiêm cung với nếp nhà, bởi hạnh phúc lớn nhất của họ là giữ được nghiệp tổ cho đến nay là đời thứ 7.

Sự xuất hiện của các thành viên ca trù Thái Hà ở các không gian trình diễn với tiếng đàn, nhịp phách, lời ca chính là lý lẽ có tính thuyết phục nhất về giá trị, sức sống của loại hình diễn xướng dân gian bác học này trong bối cảnh đương đại hôm nay.

Bền bỉ truyền nghề

Đàn đáy vốn tên gốc là “Đàn Không Đáy” tức “Vô Đề Cầm” - một nhạc cụ độc đáo từ hình dáng đến thanh âm, không thể thiếu được trong canh hát ca trù. Gắn bó với cây đàn từ thời thơ bé, sau này khi đã tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia, NSƯT Nguyễn Văn Khuê vẫn tiếp tục khổ luyện.

Thời điểm ấy, khi ca trù gần như vắng bóng, có không ít lần ông chán nản, hoang mang về con đường đi của mình. Học đàn đáy, học hát để làm gì? Liệu ca trù có hồi sinh? Liệu có giữ được nghiệp tổ? Những lời động viên của cha đã giúp ông có thêm quyết tâm độc hành: “Ngày xưa ông nội nuôi cha bằng những mảnh đàn. Cha chỉ ước mong các con giữ được môn nghệ thuật chân truyền này. Dù cho không có ai nghe, thì chúng ta vẫn giữ gìn cho dòng họ”.

Thời gian khiến ông thêm thấm thía lời căn dặn của cha: Nếu để mất ca trù thì dẫu có nghìn vàng cũng không mua được.

Qua năm tháng, qua những thăng trầm đời người, tiếng đàn của NSƯT Nguyễn Văn Khuê kết đọng vị ngọt của quả, hương thơm của hoa, phù sa của đất. Người trong nghề gọi đó là tiếng đàn nục nạc.

Đàn đáy chỉ có 3 dây, hộp đàn không có đáy. Thân đàn cao, người chơi luôn phải lựa thế ngồi nghiêm cẩn, tập trung hơi thở và tâm trí, dồn nội lực lên đôi bàn tay. Tiếng đàn hay khiến người ca nương “ngứa họng” mà cất lời ca nhịp phách. Tiếng đàn hay cũng sẽ được quan viên cầm chầu đánh trống thưởng.

Tiếng đàn như thế nào được gọi là hay? NSƯT Nguyễn Văn Khuê tâm niệm: Bởi đàn không có đáy, nên cái hay là vô tận và mỗi người tự tìm, tự tạo cho mình một cái đáy qua những nỗ lực tập luyện.

Ví như tiếng chùn vốn rất khó đánh vì âm thấp. Đánh được tiếng chùn hay, quan viên sẽ đánh trống thưởng. Tiếng đàn vốn không được đánh vào lời hát ca nương. Nhưng nếu đưa được tiếng chùn vào lời ca nương cũng được thưởng.

Trong một chầu hát phải được 5 - 7 thẻ thưởng thì người kép đàn mới đánh dấu được thứ hạng của mình ở giáo phường. Nếu không có thẻ nào thì phải tự rèn luyện, tập ngày tập đêm để làm sao ra được tiếng đàn hay.

nsut-nguyen-van-khue-voi-noi-niem-duyen-no-ca-tru-2-834.jpg
NSƯT Nguyễn Văn Khuê hướng dẫn các học viên theo học ca trù tại nhà riêng. Ảnh: NVCC.

Cũng trong canh hát, ngoài kép đàn và ca nương thì quan viên cầm chầu có vị trí đặc biệt, vừa như một khán giả tương tác trực tiếp, vừa như một nhạc công am hiểu sâu sắc về thi ca và âm nhạc, có tiếng trống chầu thưởng đúng phạt đúng.

Chính vì vậy, khi nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Mùi mất, NSƯT Nguyễn Văn Khuê càng thêm xa xót, bởi từ đây mấy anh em ông mất đi một người cha, một người tri kỷ, một chỗ dựa về tinh thần. Sẽ chẳng còn ai hiểu tiếng đàn của ông, đánh tiếng trống thưởng cho ông trong canh hát.

Trong nỗi niềm thương nhớ ấy, NSƯT Nguyễn Văn Khuê cảm thấy bất an với sự phát triển của ca trù hiện nay đang ở bề rộng mà thiếu hẳn bề sâu. Hình thức diễn xướng dân gian này vốn tinh tế, vô cùng trau chuốt tỉ mỉ. Những làn điệu ca trù tưởng đơn giản nhưng rất phức tạp, càng đi sâu tìm hiểu càng thấy phức tạp, uyên bác, nếu không đủ kiến thức nền sẽ dễ lạc lối trong khu rừng ấy.

Ca trù kén khán giả, kén người chơi, thế nên chẳng thể vội vàng, càng không thể ôm đồm, đốt cháy giai đoạn. Ngày hôm nay, có quá nhiều câu lạc bộ được thành lập nhưng hoạt động không đến nơi đến chốn. Người trẻ học ca trù như học ca khúc, không phải học như tiếp nhận một di sản, một vốn liếng tinh thần cha ông để lại. Biết rằng sự mất mát là điều không tránh khỏi, song vẫn tiếc nuối và đau đớn.

Ca trù vốn có khoảng 70 làn điệu, nhưng đến bây giờ chỉ còn khoảng 40 làn điệu. Lời hát ca trù không phải ai cũng có thể viết, bởi phụ thuộc vào niêm luật phức tạp. Người thấu hiểu ca trù, thực sự nhập lòng mình hồn mình với ca trù không nhiều. Vẻ đẹp nguyên thủy của nó đang dần bị nhuốm màu hiện đại.

Kể từ khi nghỉ hưu ở Đoàn Văn công Bộ Quốc phòng với quân hàm thượng tá, NSƯT Nguyễn Văn Khuê có thêm thời gian dành cho ca trù. Ông vẫn tiếp tục nghiên cứu, hệ thống lại các làn điệu cổ, viết các bài tìm hiểu về ca trù, đi nói chuyện và truyền dạy ở nhiều nơi. Ở đâu ca trù cần là NSƯT Nguyễn Văn Khuê có mặt, không nề hà, không tính toán. Những nỗ lực của ông như muốn níu lại, làm chậm lại những bước đổi thay.

Trước vô thường ở cõi nhân thế càng cần hơn sự kiên định của lòng người. Mấy năm nay, tại căn nhà trong con ngõ nhỏ đường Võ Chí Công (Tây Hồ, Hà Nội), NSƯT Nguyễn Văn Khuê vẫn dạy cho những học trò chân truyền. Ông mong họ tiếp nối được tình yêu, niềm đam mê thực sự với ca trù.

Ông chơi đàn, gửi hồn mình vào dòng suối thanh âm, để những thanh âm không ngừng vang lên trong căn nhà yên tĩnh. Các con các cháu của ông dù đang say ngủ, hay đang xem phim, đang vào mạng Internet thì vẫn nghe thấy tiếng đàn, lời ca, nhịp phách. Âm sắc ấy sẽ dẫn dụ chúng, nhen lên niềm tự hào, khao khát giữ gìn nghiệp tổ. Giống như ngày xưa ông đã được nhận từ cha.

NSƯT Nguyễn Văn Khuê sinh ra và lớn lên ở Hà Nội trong gia đình có truyền thống hàng trăm năm giữ nghiệp ca trù. Tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia năm 1987, ông về công tác tại Đoàn văn công Bộ đội Biên phòng, vừa hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, vừa nỗ lực góp phần hồi sinh và phát triển ca trù. Không chỉ là một nghệ nhân đàn đáy nổi tiếng, ông còn có nhiều đóng góp, giữ gìn và quảng bá nghệ thuật ca trù nói riêng và nghệ thuật dân tộc nói chung ở trong nước và quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ