Nghệ sĩ Trần Hạnh qua đời ở tuổi 92

GD&TĐ - Lúc 2h50 ngày 4/3, nghệ sĩ Trần Hạnh qua đời tại nhà riêng, hưởng thọ 92 tuổi. Ông qua đời do tuổi cao sức yếu và hiện gia đình đang tổ chức trợ niệm theo ghi thức của Phật giáo.

Nghệ sĩ Trần Hạnh
Nghệ sĩ Trần Hạnh

Ngày 4/3, trao đổi với Vietnamnet, người nhà nghệ sĩ Trần Hạnh cho biết ông rơi vào trạng thái hôn mê sâu lúc 19 giờ ngày 3/3 và mất lúc 2 giờ 50 phút sáng 4/3 tại nhà riêng, hưởng thọ 92 tuổi. Ông qua đời do tuổi cao sức yếu và hiện gia đình đang tổ chức trợ niệm theo ghi thức của Phật giáo.

Trước Tết, nhiều đạo diễn muốn mời ông đi đóng phim hài. Nghệ sĩ háo hức, rất muốn tham gia nhưng vì sức khỏe yếu, ông đành ở nhà. Từ khi nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2019, ông đóng thêm vài quảng cáo. Những năm qua, sức khỏe ông xuống dốc, mắc bệnh tim mạch, bị hỏng một mắt và một số bệnh tuổi già.

Nghệ sĩ Trần Hạnh sinh năm 1929 tại Hà Nội, là nghệ sĩ sân khấu và diễn viên gạo cội của nền điện ảnh Việt Nam. Ông là một trong số những nghệ sĩ đầu tiên nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú do nhà nước trao tặng năm 1994. Sau hơn 20 năm, cho tới ngày 29/8/2019, ông chính thức được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

Ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú ngày 25/1/1994. Năm 1996, ông giành giải Nam diễn viên xuất sắc trong phim truyện Nước mắt đàn bà tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 11. Tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2010, ông nhận giải Cống hiến cho vai ông Thống trong phim Ngõ lỗ thủng của đạo diễn Quốc Trọng.

Những năm 1970, 1980, ông có nhiều vai diễn thành công trên sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội, điển hình là vai Nguyễn Trãi trong vở kịch thơ Lam Sơn tụ nghĩa. Ngoài ra, ông còn đảm nhiệm một vai chính trong các vở Tiền tuyến gọi, Âm mưu và tình yêu... Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ từng dành cho Trần Hạnh lời khen: "Bốn, năm người đóng vai Nguyễn Trãi, riêng Trần Hạnh có phong thái hào hoa của người Hà Nội".

Ông về hưu và rời Nhà hát Kịch Hà Nội năm 1989. Dù khởi nghiệp bằng sân khấu kịch và đoạt giải thưởng trong một số liên hoan sân khấu toàn quốc nhưng NSND Trần Hạnh lại được công chúng biết đến nhiều qua các vai diễn trong phim truyền hình.

Ông được công chúng yêu mến qua nhiều vai diễn gắn với hình ảnh người nông dân chất phác. Ông quen thuộc trong các phim truyền hình khi đóng bí thư đảng ủy của Làng nổi, bố An trong Truyện cổ tích tuổi 17, bố Lài trong Tướng về hưu, ông Khiển trong Người cầu may, ông Lâm trong Chiếc bình tiền kiếp, bố Mai trong Hãy tha thứ cho em...

Nghệ sĩ Trần Hạnh từng tâm sự cuộc đời thực của ông có khi còn buồn và khổ hơn phim. Gần chục năm, ông phải tự tay cơm nước, chợ búa, giặt giũ, chăm sóc cho người vợ bị liệt nửa người sau khi bị tai biến mạch máu não. Ông thân gà trống nuôi con, đi đâu làm gì thì đúng giờ cơm phải trở về nhà để lo cho gia đình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.