Tận tâm cống hiến, giữ gìn và phát triển dòng nhạc chính thống, trong vai trò người thầy, ông đã đào tạo nên những ngôi sao nhạc đỏ.
Danh ca đất mỏ
NSND Quang Thọ sinh năm 1948 trong một gia đình có đông anh em ở Hạ Long, Quảng Ninh. Cuộc sống nhiều khó khăn thiếu thốn, cậu thiếu niên Quang Thọ ngày ấy luôn có ý thức trách nhiệm của người con trai cả với gia đình. Học hết lớp 8, ông bỏ dở việc học, khai tăng tuổi để xin đi làm ở Mỏ than Cọc Sáu.
6 năm làm thợ lò tại các mỏ than ở Quảng Ninh đã chắp cánh cho giọng hát của Quang Thọ bay xa. Hạt giống của phong trào văn nghệ vùng mỏ cất cao tiếng hát trong những căn hầm tối, dưới làn mưa bom bão đạn, dù có khi dưới hầm lò, khán giả chỉ là một vài công nhân. “Tình ca” của nhạc sĩ Hoàng Việt là một trong những ca khúc làm nên tên tuổi Quang Thọ khắp khu mỏ Quảng Ninh.
Rời đất mỏ, Quang Thọ khoác ba lô, gia nhập đoàn văn nghệ xung kích “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Những trải nghiệm hừng hực hơi thở cuộc sống giúp ông thể hiện thành công nhiều ca khúc về đề tài người thợ mỏ, trong đó nổi bật là “Tôi là người thợ lò” (Hoàng Vân), “Những ngôi sao ca đêm” (Phạm Tuyên).
Sau này, khi về công tác tại Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, rồi giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội, những tác phẩm thanh nhạc kinh điển từng được Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ trình diễn thành công và để lại dấu ấn khó quên. Ông thăng hoa với những ca khúc không chỉ đòi hỏi kỹ thuật thanh nhạc hoàn hảo, trường cảm xúc cao độ mà cả bề dày trong tư duy nghệ thuật. Ông khiến người nghe ngây ngất với “Trường ca Sông Lô” (Văn Cao), “Lá đỏ” (Hoàng Hiệp), “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam” (Chu Minh), “Hà Nội niềm tin và hy vọng” (Phan Nhân), “Sơn nữ ca” (Trần Hoàn), “Biệt ly” (Dzoãn Mẫn), “Hướng về Hà Nội” (Hoàng Dương)…
Tên ông đã được nhiều thế hệ người nghe nhạc yêu mến. Nửa thế kỷ, tiếng hát của Quang Thọ đã vang lên khắp mọi miền đất nước. Sân khấu của ông là công trường lao động, dưới chiến hào, hay trên sân khấu nhà hát sang trọng, thánh đường âm nhạc của nhiều quốc gia. Khán giả của ông là những người nông dân, người công nhân, người lính... tiếng hát bay cao vẫn là sự cống hiến không ngừng nghỉ và không mệt mỏi.
Chia sẻ quan điểm làm nghề, NSND Quang Thọ cho rằng: “Người nghệ sĩ là người cống hiến cái đẹp cho đời. Khi đã hát bằng cả trái tim thì dù giọng hát cất lên ở đâu cũng truyền được cái đẹp, cái thiện đến người nghe...”.
Khẳng định tài năng trong nền tân nhạc hiện đại trong nước, giành được các giải thưởng opera quốc tế ở Đức, Mông Cổ... Nghệ sĩ Quang Thọ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm ông 53 tuổi.
Giờ đây, ở tuổi 70 qua nửa thế kỷ gắn bó với âm nhạc, ông vẫn giữ được vẻ ngoài trẻ trung, tinh thần dẻo dai, giọng nam trung của ông vẫn vang, dày, khỏe khoắn.
“Tôi thích giọng hát và phong cách biểu diễn của Quang Thọ bởi chất học thức thấm nhuần trong đó. Vẻ đẹp của nghệ thuật được thể hiện một cách nghiêm túc và trau chuốt như vậy qua chất giọng baritone (nam trầm) hào sảng và giàu nội lực như vậy, thế hệ sau này chưa ai kế tiếp được…” - nhà văn Phan Chi chia sẻ.
Thực hiện liveshow “Hãy đến với anh” kỷ niệm 50 năm ca hát trước thềm kỷ niệm ngày 20/11, với khách mời là những học trò, nghệ sĩ muốn gửi gắm thông điệp về sự tiếp bước của những thế hệ sau với dòng nhạc chính thống đầy giá trị của Việt Nam.
Nghệ sỹ Nhân dân Quang Thọ |
Con mắt xanh tinh tường
Thành danh trong sự nghiệp âm nhạc, nghệ sĩ Quang Thọ cũng là người thầy thành công trong sự nghiệp trồng người. Ông có con mắt tinh tường của người thợ mỏ nhưng cũng có con mắt xanh của một kỹ sư tâm hồn nên nhìn thấy tố chất ẩn sâu trong mỗi người học trò của mình. Giảng dạy hàng trăm học sinh, ông nhìn thấy ở mỗi người như vỉa quặng thô, ẩn chứa viên ngọc quý cần được dụng công mài giũa để một ngày tỏa sáng hào quang.
Tôn trọng tư chất, màu sắc riêng của từng học trò, ông khuyến khích, định hướng và có những sự khích lệ động viên cá tính sáng tạo. Có những ca sĩ xuất phát điểm không thuận lợi, tưởng như không hề phù hợp với dòng nhạc chính thống nhưng sau này, dưới sự định hướng và dìu dắt tận tình tâm huyết của ông đã trở thành những ngôi sao của dòng nhạc đỏ.
Những ca sĩ gạo cội của dòng nhạc đỏ trước và nay dù được ông rèn dạy trực tiếp hay gián tiếp như Đức Long, Hoàng Tùng, Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn, Khánh Linh, Anh Thơ, Tân Nhàn... đều nhắc đến ông với một thái độ tự hào và yêu kính nhất mực. Dù bước ra sân khấu, qua những lần biểu diễn chung hay tiếp nối sự nghiệp giảng dạy của thầy Quang Thọ, họ đều học được từ ông tinh thần làm việc nghiêm túc, hết mình vì nghệ thuật, cống hiến cho đời sống âm nhạc những giá trị thẩm mỹ tốt đẹp.
Nghệ sĩ Nhân dân Quang Thọ chính là người gợi ý ba ca sĩ Đăng Dương, Việt Hoàn, Trọng Tấn hòa giọng trong ca khúc “Đường chúng ta đi” (Huy Du) biểu diễn tại Liên hoan Tiếng hát Sinh viên 1998 và đây là cú huých giúp “tam ca nhạc đỏ” nổi tiếng. Mỗi ca sĩ được tiếp thêm động lực, quyết tâm theo đuổi con đường âm nhạc chính thống và có bước tiến phát triển sự nghiệp của mình.
Chia sẻ niềm ngưỡng mộ về người thầy của mình, ca sỹ Tùng Dương bộc bạch: “Sự nghiệp 50 năm ca hát của thầy là điều chúng tôi ngưỡng mộ mà còn là mơ ước của bất cứ ca sĩ nào. Gắn bó với nghệ thuật trong nửa thế kỷ thậm chí giữ được phong độ không hề sút giảm trong suốt quãng thời gian đó là điều mà không phải ai cũng làm được”.
Còn ca sĩ Đăng Dương thì tự hào cho biết: “Tôi được lãnh nhận từ thầy mình nhiệm vụ theo đuổi dòng nghệ thuật chuẩn mực và sáng tạo. Thầy Quang Thọ không chỉ dạy chúng tôi nghề mà cả dạy chúng tôi cả nhân cách và lối sống. Ông giúp mỗi người học trò của mình hiểu được làm sao để trở thành một người nghệ sĩ chân chính”.