Novak Djokovic hé lộ mối quan hệ với Roger Federer và Rafael Nadal

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - 2023 là năm tay vợt người Serbia bước sang tuổi 36, đồng thời cũng là thời điểm anh xác lập nhiều kỷ lục mà chưa biết bao giờ mới bị xô đổ.

Djokovic vô địch Australia 2023. Ảnh: ATP.
Djokovic vô địch Australia 2023. Ảnh: ATP.

Trước thềm năm mới cũng như chuẩn bị bước vào Australia Open 2024, Novak Djokovic đã có những chia sẻ về động lực giúp anh thành công ở tuổi 36 và cả vấn đề tế nhị liên quan đến mối quan hệ ngoài sân cỏ với Roger Federer và Rafael Nadal.

Động lực từ những đối thủ tuổi 20

2023 là năm tay vợt người Serbia bước sang tuổi 36, đồng thời cũng là thời điểm anh xác lập nhiều kỷ lục mà chưa biết bao giờ mới bị xô đổ.

Năm nay, Djokovic đoạt 3 Grand Slam, nâng tổng số lên 24 danh hiệu trong hệ thống này, nhiều hơn các đối thủ Rafael Nadal (2), Roger Federer (4). Anh không theo đuổi các kỷ lục nữa, mà là người đang tạo ra chúng và một nửa trong số 24 danh hiệu lớn của Djokovic đến khi anh bước sang tuổi 30.

Tháng 1/2024, Djokovic sẽ tham dự Australia Open, giải đấu mà anh đã thiết lập cột mốc 10 lần vô địch. Trong cuộc phỏng vấn với CBS News (Mỹ) vào trung tuần tháng 12 này, Djokovic bày tỏ tham vọng trong năm tới cũng như chia sẻ chân tình về cách duy trì phong độ đỉnh cao ở tuổi…

U40, bí quyết giúp anh chống lại quy luật của thời gian. Tay vợt 36 tuổi thừa nhận, anh ấy có thể không nhanh như trước nhưng khôn ngoan và chính xác hơn.

Ký giả Jon Wertheim của CBS News đã đặt ra vấn đề khá thú vị, đó là việc Djokovic đánh bại rất nhiều đối thủ giỏi, trong đó có người chỉ cỡ tuổi con của tay vợt người Serbia.

Theo Djokovic, những tay vợt trẻ rất khát khao, tràn đầy năng lượng và lối chơi giàu cảm xúc giúp anh chơi thăng hoa hơn. “Carlos Alcaraz, Holger Rune, Jannik Sinner… luôn thi đấu với phong độ cao nhất khi đối đầu với tôi. Họ đã đánh thức con thú trong tôi”, Djokovic chia sẻ.

Bên cạnh nhóm dày dạn kinh nghiệm, gồm: Daniil Medvedev, Alexander Zverev, Stefanos Tsitsipas, thì 2 năm gần đây, Djokovic còn phải đương đầu với thách thức rất lớn từ những đối thủ ở tuổi 20.

Anh chia sẻ bí quyết khắc chế “làn sóng trẻ” để từng bước thiết lập quyền uy gần như tuyệt đối trong năm qua: “Tất nhiên, chúng tôi không giao tiếp khi thi đấu. Nhưng bằng nhiều cách, tôi và ê-kíp của mình tìm ra khoảnh khắc khiến họ không thể chơi tốt. Đôi khi dữ liệu đến từ ngôn ngữ cơ thể. Chẳng hạn cậu ấy đang đổ mồ hôi nhiều hơn. Màn hình chiếu cảnh cậu ấy uống nước, cử chỉ khuôn mặt như thế nào. Tôi chú ý đến cả hơi thở của đối thủ, cách họ giao tiếp với đội ngũ huấn luyện để từ đó đánh giá chúng ảnh hưởng đến hiệu suất chơi hay không”.

CBS News cũng đặt ra vấn đề, với sự nổi tiếng và tầm ảnh hưởng của Djokovic tại Serbia, tay vợt 36 tuổi có thể dễ dàng thành công nếu tham gia các hoạt động chính trị tại đây hơn việc đoạt danh hiệu Australia Open.

“Tôi không có cảm hứng điều đó (tham gia hoạt động chính trị, P.V). Đây không phải là thế giới hay môi trường tôi có thể phát triển. Nhưng với sự nổi tiếng của mình, tôi sử dụng chúng vào một số việc khác, góp phần đóng góp cho cuộc sống và xã hội”, Djokovic nói.

Djokovic nhận danh hiệu số 1 thế giới năm 2023. Ảnh: ATP.

Djokovic nhận danh hiệu số 1 thế giới năm 2023. Ảnh: ATP.

Không phải là bạn với Federer và Nadal

Mới đây, chia sẻ với tạp chí Sports Illustrated (Mỹ), tay vợt số 1 thế giới hé mở sự thật không thể thân thiết với Roger Federer và Rafael Nadal, những người cùng anh hình thành bộ ba quyền lực của thế giới quần vợt gần 2 thập kỷ qua. Huyền thoại người Thụy Sĩ đã giải nghệ năm 2022, trong khi Nadal dự kiến trở lại thi đấu vào năm tới, hứa hẹn sẽ cạnh tranh quyết liệt ngôi vô địch với Djokovic tại Australia Open.

“Tôi luôn dành sự tôn trọng với Federer và Nadal, đồng thời muốn cải thiện mối quan hệ này. Nhưng rõ ràng điều đó không xảy ra, đặc biệt là những vấn đề ngoài sân đấu.

Chúng tôi không phải là bạn bè, thật khó có thể thân thiết khi là đối thủ lớn của nhau. Tuy nhiên, sau này (giải nghệ, P.V), sẽ rất tuyệt vời nếu chúng tôi trút bỏ mọi thứ và nhìn lại những trận chiến vĩ đại đã qua”, Djokovic nói và cũng chia sẻ thêm rằng, có lý do từ truyền thông khi những quan điểm khác nhau trong cuộc sống giữa 3 người bị khai thác quá chi tiết, đẩy lên thành mâu thuẫn.

Hồi tháng 10, Nadal có nhận định gây “tranh cãi” khi cho rằng, Djokovic sẽ thất vọng nhiều hơn anh nếu không đạt được kỷ lục Grand Slam. Tay vợt người Serbia bị ám ảnh với việc giành nhiều Grand Slam nhất lịch sử.

Tất nhiên, Nole không “đổ thêm dầu vào lửa” với tuyên bố, anh không muốn đáp trả vì tôn trọng kình địch. “Ai cũng có quyền đưa ra quan điểm, nhận định về người khác. Tôi không có ý định nói một cách tiêu cực về anh ấy hay Federer. Sự tôn trọng của tôi đối với họ đã lấn át ý định phản ứng tiêu cực có thể có”, Djokovic lên tiếng.

Djokovic cũng cho biết, anh chưa có ý định giải nghệ và muốn đặt mục tiêu cao nhất ở các giải đấu lớn trong năm 2024. “Đoạt cả 4 Grand Slam và Huy chương Vàng Olympic, tại sao không? Tôi luôn có những tham vọng và mục tiêu cao nhất. Điều đó chắc chắn sẽ không khác trong năm tới. Tôi không biết liệu bản thân có trải qua một năm tốt đẹp nữa hay không, nhưng tôi sẽ giữ tinh thần sảng khoái để làm điều đó”, Djokovic nói.

Djokovic và vợ anh, Jelena đang điều hành quỹ từ thiện mang tên Novak Djokovic Foundation. Quỹ này ban đầu được thành lập với mục tiêu tạo điều kiện cho các em nhỏ Serbia được đến trường nhiều hơn. Nhưng những năm gần đây, quỹ này mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực khác. Như năm 2020, Djokovic quyên góp số tiền khoảng một triệu euro để hỗ trợ các cơ sở y tế tại quê nhà Serbia phòng chống Covid-19.

Theo CBS News, Sports Illustrated

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.