Bi kịch chưa dừng lại với Novak Djokovic

GD&TĐ - Không chỉ bị loại khỏi Australia Open, Novak Djokovic (Nole) có thể đối mặt với nguy cơ bị cấm tham dự ba Grand Slam còn lại trong năm.

Djokovic ăn mừng chức vô địch
Australia Open 2021.
Djokovic ăn mừng chức vô địch Australia Open 2021.

Và nếu vẫn cương quyết không tiêm phòng vắc-xin Covid-19, tay vợt người Serbia sẽ mất rất nhiều thứ như vị trí số 1 thế giới, tham vọng chinh phục các kỷ lục. 

Không thể đảo ngược

Ngày 16/1, Tòa án Liên bang Australia đã giữ nguyên quyết định hủy visa của Bộ trưởng Di trú Alex Hawke. Trong phiên điều trần ngày 16/1, chánh án James Allsop đã thay mặt hội đồng xét xử để quyết định Djokovic thua kiện. Điều này có nghĩa tay vợt số một thế giới sẽ bị trục xuất khỏi Australia, không thể thi đấu tại Australian Open và có thể nhận lệnh cấm nhập cảnh vào quốc gia này trong 3 năm.

Quyết định của Tòa án Liên bang Australia đã đặt dấu chấm hết cho vụ việc kéo dài trong 10 ngày đầu tháng 1, bắt đầu từ khi Novak Djokovic bị hủy visa lần đầu đêm 5/1.

Trong phiên điều trần sau đó 5 ngày, thẩm phán yêu cầu Chính phủ Australia trả lại visa cho Novak Djokovic vì Lực lượng Biên phòng làm sai quy trình. Tuy nhiên, chiều 14/1, Bộ trưởng Di trú Alex Hawke dùng quyền lực cá nhân huỷ visa của Novak Djokovic lần nữa.

Ngoài ra, Novak Djokovic chính thức nhận án cấm nhập cảnh vào Australia trong 3 năm. Ông Scott Morrison, Thủ tướng Australia cho biết tay vợt người Serbia có thể được rút ngắn hạn cấm nếu tiêm vắc-xin đầy đủ.

“Anh ta làm gì để rút ngắn lệnh cấm ư? Hãy tiêm phòng. Tôi sẽ không đưa ra điều kiện bắt buộc nào hoặc nói bất cứ điều gì với Bộ trưởng Di trú. Thời hạn cấm là 3 năm, nhưng nó có thể được xem xét giảm ở thời điểm cụ thể. Australia có những quy định rất rõ ràng. Và người dân ở đây đã và đang tuân theo những quy tắc này” – Thủ tướng Scott Morrison phát biểu trên News AU.

Các luật sư của tay vợt số 1 thế giới xin có thêm thời gian kháng cáo và cân nhắc các hành động tiếp theo. Tuy nhiên, Chánh án Allsop, thay mặt hai Thẩm phán còn lại, tin rằng bất cứ yêu cầu nào tiếp theo cho vụ việc đều không cần thiết.

Sau phán quyết của Tòa án Liên bang Australia, Novak Djokovic viết trên trang Instagram: “Tôi vô cùng thất vọng với phán quyết vừa được tuyên của Tòa án, bác đơn xin xem xét lại quyết định hủy visa của tôi từ Bộ trưởng Di trú. Điều này đồng nghĩa tôi không thể ở lại Australia để thi đấu. Nhưng, tôi tôn trọng phán quyết của Tòa và sẽ hợp tác với các cơ quan liên quan đến việc tôi rời khỏi đất nước này”.

Ngoài ra, Hiệp hội Quần vợt Nhà nghề (ATP) khuyến cáo các tay vợt tiêm phòng và rút ra bài học từ trường hợp của Novak Djokovic. “Quyết định hủy visa của Novak Djokovic đánh dấu sự kết thúc của chuỗi sự kiện vô cùng đáng tiếc. Cuối cùng, các quyết định của cơ quan pháp luật về vấn đề sức khỏe cộng đồng phải được tôn trọng. Bất kể như thế nào, Novak là một trong những nhà vô địch vĩ đại nhất của môn thể thao này, và việc anh ấy vắng mặt ở Australian Open là mất mát cho giải đấu”, ATP tuyên bố.

Sau khi bị trục xuất, Novak Djokovic đã đến Dubai (UAE) để nghỉ ngơi và cũng chuẩn bị cho giải quần vợt Dubai Duty Free, tay vợt người Serbia từng vô địch hồi năm 2020. Theo quy định, thành phố Dubai không yêu cầu du khách đến đây phải tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, họ sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính để được lên chuyến bay.

Novak Djokovic tại sân bay ở Dubai (UAE).

Novak Djokovic tại sân bay ở Dubai (UAE).

Hệ lụy khôn lường

Gần một nửa trong số 20 danh hiệu Grand Slam Novak Djokovic giành được trong sự nghiệp nằm ở Australian Open. Anh có 9 lần vô địch Australian Open, một kỷ lục của giải đấu ở nội dung đơn nam. Việc tay vợt sinh năm 1987 bị cấm nhập cảnh Australia tới năm 2025 có thể khiến tham vọng bỏ xa Roger Federer và Rafael Nadal về số Grand Slam của anh bị ảnh hưởng. Nhưng đó có thể chưa phải bi kịch cuối của tay vợt Serbia ở mùa này. Cánh cửa dự các giải Masters 1000 và Grand Slam khác của tay vợt số 1 thế giới đang hẹp dần.

Theo Washington Post, Novak Djokovic nhiều khả năng sẽ vắng mặt ở hai Masters 1000 tại Mỹ vào tháng Ba là Indian Wells và Miami.

Theo quy định hiện tại, người nhập cảnh vào Mỹ buộc phải tiêm phòng đầy đủ nếu họ không phải công dân Mỹ, có quốc tịch Mỹ, thường trú nhân hợp pháp hoặc đến Mỹ bằng thị thực nhập cư. Có một vài ngoại lệ với quy định này nhưng hầu hết không áp dụng với tay vợt 34 tuổi. Nếu quy định nhập cảnh của Chính phủ Mỹ không thay đổi, Novak Djokovic ít khả năng góp mặt ở US Open vào tháng 8.

Novak Djokovic 3 lần vô địch Grand Slam ở New York và vừa thua trận chung kết năm 2021 dưới tay Daniil Medvedev. Bên cạnh US Open, mùa sân cứng Bắc Mỹ còn loạt giải quan trọng, gồm các Masters 1000 ở Cincinnati và Toronto. Vậy nên, nếu tiếp tục không tiêm phòng vắc-xin Covid-19 thì tay vợt sinh năm 1987 sẽ sớm mất ngôi vị số 1 thế giới.

Bộ trưởng Thể thao Pháp Roxane Maracineanu cho biết, chủ nhân 20 Grand Slam sẽ được thi đấu Roland Garros ngay cả khi không tiêm phòng. Pháp hiện vẫn cho phép du khách chưa tiêm nhập cảnh, với những hạn chế như cung cấp bằng chứng xét nghiệm âm tính trước 48 tiếng, bị cách ly ít nhất một tuần và tiến hành xét nghiệm thường xuyên. Tuy nhiên, Novak Djokovic vẫn chịu rủi ro vì Chính phủ Pháp có thể thay đổi quy định nhập cảnh bất cứ lúc nào.

Vương quốc Anh, nơi tổ chức Wimbledon, cũng yêu cầu tương tự Pháp. Du khách nhập cảnh cần có giấy xét nghiệm âm tính, sau đó cách ly 10 ngày và thực hiện xét nghiệm vào ngày thứ hai và thứ tám của thời gian cách ly. Theo Washington Post, đây là quy định của Chính phủ Anh, còn đơn vị tổ chức Wimbledon có thể đưa ra quy định riêng. Novak Djokovic 6 lần vô địch Wimbledon, gồm 3 lần gần nhất.

Patrick McEnroe, huyền thoại của làng quần vợt Mỹ bình luận rằng trong vài năm trở lại đây, Djokovic trở nên dễ tổn thương hơn. “Sự thống trị của Nole ở làng quần vợt thế giới trở nên mong manh hơn trong hai năm qua.

Trong năm 2021, Daniil Medvedev và Zverev đều đánh bại Novak Djokovic trong các trận đấu quan trọng. Vậy nên, nếu rơi vào trạng thái căng thẳng như sau sự kiện Australia, và phong độ không ổn định do không được thi đấu thường xuyên, rất có thể tay vợt người Serbia sẽ rơi tự do về thành tích.

Stefanos Tsitsipas, tay vợt hạng 4 thế giới, cho rằng không nhiều vận động viên sẽ hành động gây ảnh hưởng đến người khác như Novak Djokovic. Tay vợt người Hy Lạp thậm chí ám chỉ Nole hành xử ích kỷ và không đẹp: “Thật đáng buồn khi không phải ai cũng tuân thủ quy định. Một số người thích hành động theo ý muốn cá nhân. Điều đó rất xấu xí”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.