Những kỷ lục ‘vô tiền khoáng hậu’ của tay vợt Novak Djokovic

GD&TĐ - Djokovic đã đoạt 7 danh hiệu trong năm 2023, và tay vợt sẽ bước sang tuổi 37 vào năm tới chưa có dấu hiệu dừng lại.

Djokovic vô địch ATP Finals 2023.
Djokovic vô địch ATP Finals 2023.

Sau vị trí số 1 thế giới - kỷ lục lần thứ 8 là chức vô địch ATP Finals thứ 7, cũng là kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” khác, Novak Djokovic đã khép lại năm 2023 theo cách rực rỡ và vĩ đại nhất.

Những kỷ lục khó xô đổ

Người Italy từng mơ về cơn địa chấn ở Turin. Bởi Jannik Sinner thể hiện phong độ ấn tượng từ vòng bảng, như đánh bại Djokovic, rồi sau đó hạ Medvedev ở bán kết để trở thành tay vợt đầu tiên của xứ sở mỳ ống góp mặt trong trận chung kết ATP Finals.

Thế nhưng, trước ngưỡng cửa lịch sử, tay vợt 22 tuổi của nước chủ nhà không thể vượt qua Djokovic (36 tuổi) khôn ngoan và mạnh mẽ. Như vậy, trong 9 lần vào chung kết, Djokovic thắng tới 7, qua đó vượt qua Roger Federer (6 lần vô địch) để độc chiếm kỷ lục về số lần lên ngôi tại giải đấu cho 8 người hay nhất năm.

Trước đó, tay vợt người Serbia gia tăng kỷ lục lên 8 lần, kết thúc năm ở vị trí số 1 thế giới. Ở tuổi 36, tay vợt đáng tuổi cha, chú so với nhiều đối thủ ở Turin tiếp tục trở thành vận động viên già nhất kết thúc năm trên đỉnh của quần vợt thế giới. 8 lần cán đích với ngôi số 1 năm của Nole gồm: 2011, 2012, 2014, 2015, 2018, 2020, 2021 và 2023.

Ở nhóm sau, huyền thoại Pete Sampras 6 lần kết thúc năm ở vị trí dẫn đầu; Roger Federer, Jimmy Connors và Rafael Nadal cùng có 5 lần. Đáng chú ý, Roger Federer đã giải nghệ, Rafael Nadal vật lộn với chấn thương và chờ ngày tuyên bố giã từ quần vợt. Còn ai và bao giờ có đối thủ xô đổ kỷ lục của Djokovic?

Djokovic khởi đầu năm 2023 suôn sẻ với chức vô địch Australian Open, qua đó cân bằng thành tích 22 Grand Slam của Rafael Nadal. Trên hành trình của những kỷ lục vĩ đại, Nole đã đăng quang ở Roland Garros để chính thức trở thành tay vợt nam giành nhiều danh hiệu Grand Slam nhất, rồi tiếp tục nới rộng khoảng cách sau chức vô địch US Open.

Anh còn lọt vào trận chung kết Wimbledon nhưng để thua đối thủ mới nổi Carlos Alcaraz với tỉ số 2-3. Cũng trong tháng 11 này, với chức vô địch Paris Masters, Djokovic đã có danh hiệu ATP 1000 thứ 40 trong sự nghiệp, bỏ xa người đứng thứ 2 là Nadal với khoảng cách 4 danh hiệu.

Tay vợt 36 tuổi còn thiết lập cột mốc 400 tuần ở vị trí số một ATP, tính đến ngày 20/11. Để thấy được sự vĩ đại của Nole thì cũng nên nhắc lại, vị trí số 1 ATP 2023 đã 7 lần đổi chủ, đó là cuộc chiến tay đôi giữa Djokovic và Carlos Alcaraz. Mặc dù vậy, tay vợt trẻ người Tây Ban Nha đã hụt hơi vào giai đoạn cuối năm. Trong ngày trao danh hiệu số 1 của năm cho Nole, ông Andrea

Gaudenzi – Chủ tịch Liên đoàn Quần vợt thế giới phát biểu: “Djokovic vẫn tiếp tục thiết lập chuẩn mực mới của quần vợt nam. 8 lần kết thúc năm ở vị trí số 1 là điều khó tin. Nhưng nó cho thấy sự đam mê và đẳng cấp của nhà vô địch vĩ đại. Tôi tin cậu ấy sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều kỷ lục nữa”.

Djokovic khóc sau khi thua ngay từ vòng 1 Olympic Rio 2016.

Djokovic khóc sau khi thua ngay từ vòng 1 Olympic Rio 2016.

Nỗi đau Olympic

Djokovic đã đoạt 7 danh hiệu trong năm 2023, và tay vợt sẽ bước sang tuổi 37 vào năm tới chưa có dấu hiệu dừng lại. “Tôi vẫn khao khát điều tuyệt vời nhất một tay vợt có thể làm được, đó là vô địch cả 4 Grand Slam trong năm và giành Huy chương Vàng đơn nam Olympic 2024.

Những đối thủ trẻ đã mang đến cho tôi động lực thi đấu. Tôi sẽ nỗ lực giữ vững vị trí số 1 chừng nào còn có khả năng đánh bại những gương mặt trẻ, đồng thời giành chức vô địch các giải lớn. Khi nào tôi bị đánh bại liên tục, lúc đó sẽ cân nhắc đến khả năng giải nghệ”, Nole cho biết.

Trong sự nghiệp lừng lẫy của Djokovic, anh đã có gần như tất cả những danh hiệu cao quý như bộ sưu tập 24 Grand Slam, Davis Cup, vị trí số 1 thế giới, 40 chức vô địch ATP 1000... Nhưng, sân chơi Olympic vẫn để lại nhức nhối cho tay vợt người Serbia và đây có lẽ là cứ điểm cuối cùng để Nole dồn tất cả sức lực vào năm tới.

Năm 2008, tại Olympic Bắc Kinh, Djokovic khi đó mới 21 tuổi, chưa 1 lần vô địch giải đấu lớn đã giành Huy chương Đồng đơn nam. 4 năm sau, khi đang trên đỉnh vinh quang, Nole thất bại trước Juan Martin del Potro (Argentina) trong trận tranh Huy chương Đồng Olympic London.

Cũng chính Juan Martin del Potro, tại Olympic Rio 2016 đã khiến Djokovic chia tay Brazil trong nước mắt, thua ngay từ vòng 1 mà truyền thông thế giới lúc bấy giờ gọi là “cú sốc trong năm”.

Nỗi đau đó kéo dài đến Olympic Tokyo 2020, thực ra diễn ra trong năm 2021 do đại dịch Covid-19. Năm đó, Nole đã đoạt 3 danh hiệu lớn, Australia Open, Roland Garros và Wimbledon, được đánh giá là ứng cử viên số 1 cho chức vô địch Thế vận hội. Tuy nhiên, anh đã tay trắng rời Nhật Bản mà không có nổi tấm huy chương nào, kể cả màu đồng.

Thể lực sa sút vì phải cày ải nhiều giải đấu và trạng thái tâm lý căng thẳng trước sức ép về chức vô địch Olympic đã khiến Djokovic trượt dài. Năm 2021, ở tuổi 34, anh không thể gượng dậy sau cú ngã đau đớn ở Tokyo để rồi sau đó 2 tháng là thất bại trong trận chung kết US Open.

Vậy nên, “Golden Slam”, giành cả 4 Grand Slam và vô địch Olympic trong một năm sẽ là thử thách vô cùng khó. Tuổi tác, áp lực và khả năng kiểm soát tâm lý được nhận diện là những khó khăn chủ quan dành cho tay vợt Serbia. Bên cạnh đó, các đối thủ hiện nay đều trẻ trung, khao khát chiến thắng, sẵn sàng bùng nổ để đánh bại Nole, như Carlos Alcaraz trong trận chung kết Wimbledon.

Và nên nhớ, nếu không đoạt Huy chương Vàng Olympic tại Paris thì giấc mơ cuộc đời của Djokovic sẽ không bao giờ thành hiện thực. Ở kỳ Olympic 2028, Nole bước sang tuổi 41.

Với chức vô địch ATP Finals đã giúp Djokovic cán mốc 98 danh hiệu ATP, chỉ còn kém Jimmy Connors (109) và Federer (103). Với những gì đã thể hiện, Nole hoàn toàn có thể san bằng, thậm chí là vượt qua thành tích về số lần giành danh hiệu ATP của hai huyền thoại kể trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.