Ngày thứ 10 xét xử vụ chạy thận khiến 9 người chết: Hai diễn biến bất ngờ

GD&TĐ -Sáng nay (25/5) phiên tòa xét xử vụ án chạy thận làm chết 9 người tại BV Đa khoa Hòa Bình tiếp tục diễn ra. Phiên tòa căng thẳng xoay quan việc lời khai “sinh đôi” giữa ông Khiếu và BS Hoàng Công Lương; việc nguyên GĐ BV Hòa Bình Trương Quý Dương xuất cảnh cũng như ai sẽ chịu trách nhiệm trong vụ việc này.

Ngày thứ 10 xét xử vụ chạy thận khiến 9 người chết: Hai diễn biến bất ngờ

Đề nghị khởi tố ông Dương, người liên quan đến công tác điều tra

Tại phiên tòa, phản bác về việc đề nghị luận tội cho bị cáo Hoàng Công Lương của VKS, về việc truy tố bị cáo Lương về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, luật sư Lê Văn Thiệp (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) cho rằng, trách nhiệm đó phải thuộc về những người có chức vụ quản lý cao hơn.

Theo luật sư Thiệp, trách nhiệm này phải thuộc về Trần Văn Thắng, nguyên Trưởng phòng Vật tư – thiết bị, BVĐK Hòa Bình, ông Hoàng Đình Khiếu, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa HSTC BVĐK Hoà Bình và cao nhất là thuộc về nguyên Giám đốc của Bệnh viện là ông Trương Quý Dương, chứ bị cáo Hoàng Công Lương khi đó chỉ có chuyên môn là bác sĩ điều trị chứ không phải là người có trách nhiệm quản lý.

Luật sư Nguyễn Chiến, bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương cũng đề nghị HĐXX xem xét về những lời luận tội của vị đại diện VKS. Theo luật sư Chiến: "Có một điều chúng tôi cho rằng hết sức phi lý, VKS cáo buộc bị cáo Lương rằng gây thiệt hại cho nhà nước, tổn thất thiết bị, khi phải đầu tư lại hệ thống máy móc của BV ĐK Hòa Bình. Với cáo buộc này là cáo buộc phát sinh không có căn cứ, cáo trạng không đề cập, không biết phần luận tội của VKS là căn cứ vào phần thẩm vấn nào cho rằng thay toàn bộ hệ thống, máy móc là do lỗi của bị cáo Lương"?

Về việc đại diện VKS lập luận nguyên GĐ BV Hòa Bình Trương Quý Dương xuất cảnh là không sai, luật sư Chiến cho rằng, văn bản bị đại diện VKS dẫn ra để loại bỏ trách nhiệm của mình đã hết hiệu lực từ ngày Nghị định số 07 BCA ngày 31/12/2015 có hiệu lực.

Theo luật sư Chiến, Nghị định số 07 này có quy định rõ việc quy định chưa được xuất cảnh, chưa được cấp giấy tờ xuất cảnh trong Điều 21 (Công dân Việt Nam chưa được xuất cảnh nếu thuộc 1 trong những trường hợp sau đây: Đang bị truy tố hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm). Cụ thể là đối với GĐ Trương Quý Dương đang là người liên quan để thực thi trách nhiệm trong vụ án. Việc ông Dương không tham gia phiên tòa gây cản trở rất khó khăn trong quá trình xét xử vụ án.

Luật sư Chiến cũng đề nghị khởi tố ngay tại phiên tòa những người có liên quan, để làm rõ trách nhiệm và các vấn đề.

Căng thẳng khi tiếp tục xét hỏi xung quanh việc lời khai “sinh đôi”

Cũng tại phiên tòa sáng nay, nói về lời khai “sinh đôi” được luật sư Nguyễn Văn Chiến đưa ra trong phần xét hỏi (lời khai giống hệt nhau của Hoàng Công Lương và ông Hoàng Đình Khiếu - nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình), luật sư tiếp tục quan điểm cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng đã vi phạm nguyên tắc tố tụng. LS Chiến cho rằng “Việc đưa lời khai của người khác cho bị can xem về nguyên tắc là không được phép”.

Theo LS Chiến, lời khai tại cơ quan điều tra về việc giao nhiệm vụ cho bác sỹ Lương của ông Khiếu có 8 dòng, 80 chữ tại bút lục 1117 giống hệt lời khai của bác sỹ Lương, cũng 8 dòng, 84 chữ tại bút lục 961. Hai lời khai chỉ lệch nhau có 4 chữ, còn tất cả câu từ, cách sắp xếp giống hệt nhau. Khác nhau 4 từ ở chỗ, lời khai ông Khiếu có 2 chữ “điều trị”, lời khai của Lương có thêm 2 chữ “chẩn đoán”. Đây chính là nội dung cáo buộc bác sỹ Lương nhận nhiệm vụ quản lý để đẩy trách nhiệm của ông Khiếu sang cho Lương.

“Cái này rõ ràng không phải tự bác sỹ Lương khai mà do cán bộ điều tra chuyển đến để thông lời khai của ông Khiếu cho Lương khai nhận, vi phạm nghiêm trọng tố tụng”, luật sư Chiến nói.

Về việc này, VKS xác định ngay từ khi chưa thu được sổ giao ban, bác sỹ Lương đã có lời khai nhận về trách nhiệm của mình là quản lý. Nhưng luật sư Chiến cho rằng lời khai trước đó đại diện VKS viện dẫn, bác sỹ Lương chỉ khai về trách nhiệm là quản lý về bác sỹ phục vụ nhiệm vụ khám chữa bệnh, không hề có trách nhiệm quản lý chung như ông Khiếu nói. Chính vì vậy, lời khai của bác sỹ Lương ở những bản khai trước đó có 10 chữ đã được xóa, do không đúng với bản chất.

Trong lời khai này, nội dung thứ nhất là nhiệm vụ của bác sỹ ở khoa là nhiệm vụ chuyên môn khám chữa bệnh. Nhưng còn vế thứ hai, đại diện VKS cho rằng phù hợp với lời khai “sinh đôi” đã được xóa 10 chữ ở lời khai của Lương. Hoàng Công Lương không thừa nhận việc điều tra viên viết thêm 10 chữ là "nhận nhiệm vụ quản lý phòng vật tư". Chính vì thấy phù hợp nên bác sỹ Lương đã yêu cầu xóa 10 chữ và điều tra viên đã phải xóa. Bên cạnh lời khai đó có chữ viết của Hoàng Công Lương với nội dung: “Xóa 10 chữ”.

Trong lời khai này, Hoàng Công Lương nhận trách nhiệm của mình là chịu trách nhiệm điều trị và quản lý phân công điều trị cho các bác sỹ, chứ không liên quan gì đến hệ thống lọc nước RO.

“Việc đại diện VKS phản bác chứng minh lời khai sinh đôi của luật sư, cho rằng không có sự giống nhau từng dấu chấm dấu phẩy. Nhưng xin thưa, không thể giống nhau như bản photo copy, nhưng 80 chữ là trùng lặp đấy. Hai người khai khác nhau không thể có chuyện giống nhau cả 80 chữ như vậy”, luật sư Nguyễn Chiến bào chữa.

Trong khi đó, tại bản luận tội, đại diện VKS thừa nhận có nội dung giống nhau ấy và chỉ phản bác rằng không giống đến từng dấu chấm dấu phẩy, nhưng bản chất nội dung của lời khai là giống nhau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ