Theo Liên Hợp Quốc, lượng khí methan thoát ra từ vụ vỡ đường ống Nord Stream có thể là một trong những thảm họa rò rỉ khí tự nhiên tồi tệ nhất từ trước đến nay.
Những con số đáng báo động
Bốn vụ rò rỉ trên hai đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 đã được phát hiện vào tuần đầu tháng 10 tại Đan Mạch và Thụy Điển. Trong khi giới chức châu Âu vẫn đang tích cực điều tra về nguyên nhân vụ việc, thì giới khoa học đã lên tiếng cảnh báo về những hệ lụy nghiêm trọng tới môi trường có thể xảy ra.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đài quan sát phát thải khí methan quốc tế (IMEO), thuộc Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cho biết, một lượng lớn khí methan đậm đặc đã được phát hiện qua phân tích ảnh vệ tinh của khu vực nơi xảy ra các vụ nổ đường ống Nord Stream trên biển Baltic.
Manfredi Caltagirone, người đứng đầu IMEO, chia sẻ với Reuters: “Điều này thực sự tồi tệ, rất có thể đây là sự kiện phát thải (khí methan) lớn nhất từng được phát hiện”.
Các báo cáo của giới khoa học châu Âu cũng cho thấy, sự đồng tình đối với nhận xét trên. Cơ quan Môi trường Đức (UBA) ước tính, tác động khí hậu của các vụ rò rỉ tương đương với 7,5 triệu tấn carbon, với khoảng 300.000 tấn khí methan sẽ được giải phóng vào bầu khí quyển.
Trong khi đó, lượng khí methan phát thải toàn cầu hàng năm là vào khoảng 570 triệu tấn, theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế. UBA cũng cho biết thêm, khí methan có hại cho môi trường nhiều hơn đáng kể so với khí carbon, nhấn mạnh rằng trong khoảng thời gian 100 năm, một tấn khí methan sẽ gây ra sự nóng lên của bầu khí quyển tương đương với tác động của 25 tấn carbon.
Trong khi đó, theo Cơ quan Năng lượng Đan Mạch, có tới 778 triệu mét khối khí methan tiêu chuẩn có thể được giải phóng từ các đường ống Nord Stream 1 và 2 trong trường hợp xấu nhất. Con số này tương đương với gần một phần ba lượng phát thải khí nhà kính của Đan Mạch trong cả năm 2020. Còn theo Grant Allen, Giáo sư Vật lý khí quyển tại Đại học
Manchester, có tới 177 triệu mét khối khí vẫn còn sót lại chỉ riêng trong đường ống Nord Stream 2. Con số này tương đương với lượng khí đốt mà 124.000 gia đình ở Vương quốc Anh sử dụng trong một năm.
Mặc cho những ước tính ban đầu, việc đo lường chính xác lượng khí methan đã được phát tán từ các vụ rò rỉ sẽ mất nhiều thời gian. Itziar Irakulis-Loitxate, từ Đại học Bách khoa Valencia, Tây Ban Nha, cho biết các quan sát môi trường qua phân tích dữ liệu vệ tinh chưa đem lại kết quả do các vệ tinh được sử dụng đã không quay đúng hướng vào thời điểm đo lường.
Cùng với đó, mật độ mây dày đặc thường thấy ở các vĩ độ phía Bắc đồng nghĩa với việc thu nhập các kết quả vệ tinh là gần như không thể. Đây là một thách thức cố hữu trong việc giám sát khí methan trên mặt nước: Nước hấp thụ hầu hết ánh sáng Mặt trời và che khuất bất kỳ tín hiệu nào từ khí methan trong máy quang phổ.
Andrew Baxter, từng là kỹ sư trong ngành dầu khí, nay là Giám đốc khâu chuyển đổi năng lượng tại Quỹ Phòng vệ Môi trường, đã “quay trở lại chế độ kỹ thuật” để cố gắng xác định lượng khí methan được giải phóng sau khi nhận được thông tin về sự cố rò rỉ ở đường ống Nord Stream 2.
“Tôi chỉ có thể đưa ra một con số mang tính ước lượng. Sự kiện này vẫn còn rất nhiều số, vì vậy thật khó để khẳng định rằng bao nhiêu tấn khí methan đã được giải phóng vào bầu khí quyển”.
Theo ước tính của Baxter, khoảng 115.000 tấn khí methan có thể đã được giải phóng trong quá trình giảm áp suất đột ngột ban đầu ở Nord Stream 2, dựa trên kích thước của đường ống và nhiệt độ nước. Baxter cũng cho biết, tác động tổng thể của vụ rò rỉ này tương đương với lượng khí thải carbon hàng năm từ hai triệu chiếc ô tô.
Phần nổi của tảng băng chìm
“Thảm họa Nord Stream là một sự kiện đặc biệt” - Andrew Baxter cho biết - “Nhưng nó cũng chỉ là đại diện tiêu biểu của tình trạng phát thải khí methan vào bầu khí quyển Trái đất của ngành công nghiệp dầu khí”.
Dù là một sự kiện ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng, lượng khí methan thoát ra từ các đường ống Nord Stream vẫn chỉ là một con số nhỏ so với lượng khí thải ra thường xuyên từ các mỏ dầu và khí đốt, đường ống dẫn và các cơ sở hạ tầng khác.
Việc các thiết bị vận hành xảy ra lỗi có thể khiến tình trạng rò rỉ diễn ra trong nhiều tuần. Không những vậy, các công ty thường xuyên phải “thông hơi” - giải phóng khí - để bảo trì giếng và đường ống, hoặc để giữ cho áp suất không tăng lên mức nguy hiểm bên trong các thiết bị.
Theo đo đạc của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, ngành công nghiệp dầu khí thải ra môi trường 82,5 triệu tấn khí thải methan mỗi năm. Con số này tương đương với việc thảm họa Nord Stream, ở kịch bản nghiêm trọng nhất, diễn ra hai ngày một lần.
Còn theo cây viết kiêm nhà phân tích môi trường Ketan Joshi, chỉ riêng ngành công nghiệp dầu khí của Mỹ đã thải ra lượng khí methan với tốc độ tương đương một thảm họa Nord Stream diễn ra mỗi hai tuần rưỡi.
Mark Davis, Giám đốc Điều hành của Capterio, một công ty ở London chuyên theo dõi các vụ nổ khí đốt từ ngành công nghiệp dầu khí, cho biết lượng khí methan được giải phóng từ Nord Stream, dù là một con số đặc biệt lớn, sẽ chỉ chiếm khoảng 0,14% lượng khí methan phát thải hàng năm trên toàn cầu từ ngành công nghiệp năng lượng này. Nhiều nhà khoa học cũng đồng tình với quan điểm, rằng về cơ bản, thảm họa rò rỉ vừa qua sẽ không làm thay đổi mức độ phát thải toàn cầu.
Cả hai đường ống đều không bơm khí vào thời điểm rò rỉ. Nord Stream 1 đã ngừng bơm khí sang châu Âu “vô thời hạn” vào đầu tháng này, khi nhà điều hành của Moscow cho biết các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga đã ngăn cản nước này thực hiện công việc bảo dưỡng quan trọng.
Trong khi đó, đường ống Nord Stream 2 chưa bao giờ được chính thức khai trương do Đức từ chối chứng nhận đường ống này cho các hoạt động thương mại, sau phát động chiến tranh của Nga nhắm vào Ukraine.
Silvia Pastorelli, nhà vận động khí hậu và năng lượng của EU tại tổ chức môi trường Greenpeace, chia sẻ với CNBC qua email: “Rủi ro phá hoại hoặc các tai nạn khiến cơ sở hạ tầng ngành khai thác nhiên liệu hóa thạch trở thành quả bom hẹn giờ, nhưng ngay cả vào một ngày đẹp trời, các đường ống dẫn dầu và khí đốt hay kho chứa vẫn xảy ra tình trạng rò rỉ khí methan”.
Pastorelli nói thêm: “Đằng sau tất cả những con số này đo đạc là những mối nguy hiểm thực sự đối với con người, khi loại khí nhà kính mạnh này đang đẩy nhanh hơn nữa cuộc khủng hoảng khí hậu dẫn đến những đợt nắng nóng tồi tệ như ở châu Âu mùa hè vừa qua hoặc tàn phá hơn như những cơn bão đang đổ bộ Florida hiện nay”.
Nhà vận động khí hậu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi dạng năng lượng và kiểm soát mức tiêu thụ năng lượng như là giải pháp duy nhất trong vấn đề giải quyết biến đổi khí hậu.
“Các đường ống dẫn khí đốt từ Na Uy hoặc Algeria sẽ không giúp chúng tôi thoát khỏi mớ hỗn độn này, thay vào đó, châu Âu phải chuyển hướng hoàn toàn sang năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng thực sự hiệu quả để bảo vệ bộ phận dân số sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp”.