Nộp hồ sơ xét tuyển đại học: Bảo đảm "chắc chân"

GD&TĐ - Nhiều thí sinh đã trúng tuyển đại học bằng phương thức xét tuyển riêng. Tuy nhiên, các em băn khoăn, có nên xác nhận nhập học ở thời điểm này hay không, hay đợi để xác nhận nhập học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh tham dự tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp của Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh khi chưa có dịch. Ảnh: NVCC
Thí sinh tham dự tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp của Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh khi chưa có dịch. Ảnh: NVCC

Các chuyên gia khuyến cáo, thí sinh nên “liệu cơm gắp mắm” để có suất học đại học như mơ ước.

Không nên vội vàng

Theo TS Lê Xuân Thành – Trưởng phòng Công tác Chính trị - Sinh viên, Trường ĐH Mỏ - Địa chất (Hà Nội), ở một số cơ sở giáo dục đại học, thời hạn xác nhận nhập học bằng phương thức xét tuyển riêng đã gần hết. Cùng với đó, nhiều trường chỉ xét tuyển 1 đợt, như Học viện Tài chính.

Thêm vào đó, nhiều thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT cao, tương đương hoặc nhỉnh hơn so với điểm chuẩn năm trước một chút. Mặt khác, thời điểm xác nhận nhập học giữa phương thức xét tuyển riêng và phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT khá xa... Những yếu tố này khiến nhiều thí sinh đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển riêng, nhưng vẫn còn băn khoăn: Có nên xác nhận nhập học hay không?

“Thí sinh đã xác nhận nhập học bằng phương thức xét tuyển riêng sẽ không có cơ hội để xét tuyển, nhập học bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT”, TS Lê Xuân Thành trao đổi. Tại thời điểm này, hầu hết cơ sở giáo dục đại học đều công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào bằng phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh đã biết kết quả thi tốt nghiệp của mình. Đây là cơ sở để các em quyết định có nên xác nhận nhập học hay không.

“Nếu các em đã trúng tuyển vào ngành học, trường học mà mình yêu thích, phù hợp với hoàn cảnh gia đình không nên chần chừ mà lỡ dở việc học hành. Các em cần xác nhận nhập học để bảo đảm chắc chắn mình đã có một suất học đại học. Tuy nhiên, nếu ngành trúng tuyển chưa phải là ngành yêu thích cộng với điểm thi tốt nghiệp THPT tương đối cao, các em nên cân nhắc, không nên vội vàng xác nhận nhập học ở thời điểm này. Theo đó, các em có thể điều chỉnh nguyện vọng (nếu cần)” - TS Lê Xuân Thành khuyến cáo.

Theo ThS Nguyễn Thị Thu Hường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội, nếu thí sinh đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển riêng, hãy xác nhận nhập học để an tâm và có thời gian chuẩn bị cho năm học mới.

“Tại Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội, dù thí sinh trúng tuyển theo phương thức nào, các em cũng học chung chương trình, tiến độ và các chế độ, chính sách đều áp dụng như nhau. Vì vậy, các em không phải lo lắng về chương trình học tập” - ThS Nguyễn Thị Thu Hường nói.

Đồng quan điểm, TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) khuyên thí sinh nên nhập học bằng các phương thức đã trúng tuyển. Còn nếu thí sinh quyết định đợi xét tuyển bằng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT thì phải nghiên cứu kỹ một số yếu tố như: Tổ hợp xét tuyển, yêu cầu của trường, điểm chuẩn năm trước và ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào năm nay… rồi mới quyết định.

Thí sinh đến nhập học vào Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội năm 2020. Ảnh: NVCC
Thí sinh đến nhập học vào Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội năm 2020. Ảnh: NVCC

Lắng nghe trái tim

Theo TS Võ Thanh Hải, thí sinh vẫn còn thời gian để điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học (từ ngày 29/8 - 5/9). Nếu chưa trúng tuyển vào ngành yêu thích, các em có thể sử dụng quyền lợi này để điều chỉnh nguyện vọng. Thí sinh cần lưu ý: Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã công bố điểm trúng tuyển ở phương thức xét tuyển riêng nên điểm trúng tuyển bằng phương thức kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ có thay đổi so với mức “điểm sàn” các trường đã công bố. Vì vậy, khi thí sinh quyết định sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả thi, điểm thi của các em phải cao hơn so với “điểm sàn”, nếu không sẽ mất cơ hội vào học đại học.

ThS Vũ Đình Lê - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh lưu ý: Thí sinh nên xác nhận nhập học đối với phương thức đã chắc chắn trúng tuyển. Còn nếu vẫn còn băn khoăn vì lý do nào đó và kết quả tốt nghiệp THPT của các em đạt cao thì có thể xét tuyển bằng điểm thi. Theo đó, thí sinh có thể thực hiện điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào các trường trong thời gian quy định. Trúng tuyển theo phương thức nào, thí sinh sẽ xác nhận nhập học theo phương thức đó.

Với kinh nghiệm gần 20 năm là giáo viên chủ nhiệm và tham gia tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh, cô Nguyễn Thị Ly Nga - giáo viên Trường THPT Phúc Thọ (Hà Nội) - đưa ra lời khuyên: “Nếu đã xác định đúng ngành học, trường học như mong muốn, các em không cần phải băn khoăn gì. Hãy mạnh dạn xác nhận nhập học để bảo đảm “chắc chân” là mình đã có suất học đại học như mơ ước”.

Tuy nhiên, nếu các em chưa thực sự yêu thích ngành học đó nên nghĩ tới xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Tất nhiên, điểm thi cũng phải đạt ở mức an toàn. Khi đó, đợi đến ngày được điểu chỉnh nguyện vọng xét tuyển, các em hãy lựa chọn vào ngành học, trường học phù hợp với năng lực, hoàn cảnh gia đình và mức điểm mà mình đang có. Các em đặt nguyện vọng 1 là nguyện vọng yêu thích nhất, mong muốn được học nhất. Từ nguyện vọng 2, các em cần xem xét kĩ nhiều yếu tố, đặc biệt dự đoán điểm chuẩn của các trường từ những nguồn thông tin đáng tin cậy để có sự lựa chọn đúng và trúng.

“Khi chọn ngành, trường, điều đầu tiên các em cần làm là lắng nghe trái tim xem mình muốn làm gì. Chỉ khi các em yêu thích ngành nghề đó, thì sau này mới làm tốt công việc. Ngoài ra, các em cũng nên xét đến các yếu tố khác như: Nhu cầu lao động, cơ hội việc làm sau khi học xong” - cô Nguyễn Thị Ly Nga trao đổi.

Việc đầu tiên, thí sinh phải xác định mức điểm thi tốt nghiệp THPT của mình có khả năng đỗ vào ngành học, trường học mà mình yêu thích hay không? Các em có thể tham khảo công thức: Lấy mức điểm trúng tuyển của năm trước cộng từ 1,5 đến 2 điểm. Nếu điểm thi năm nay của các em đạt ở mức đó thì cơ hội trúng tuyển sẽ cao. Khi đó, các em có thể yên tâm để xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. - TS Lê Xuân Thành

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ