Nóng trong tuần: Gấp rút hoàn thành công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ -Tuần qua, nhiều thông tin về giáo dục, đào tạo được bạn đọc và dư luận quan tâm.

Ảnh minh hoạ/internet
Ảnh minh hoạ/internet

Tích cực chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022

Theo đó, một trong những thông tin quan trọng là Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT diễn ra tại TP Nha Trang (Khánh Hòa). Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Ngô Thị Minh; cùng lãnh đạo các Cục, Vụ và giám đốc Sở GD&ĐT 63 tỉnh, thành phố.

Tại hội nghị, các đại biểu đã có những trao đổi, thống nhất chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ năm học và các chiến lược của ngành; trong đó có việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và trước mắt là tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 thành công tốt đẹp.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ký ban hành công văn số 2563/BGDĐT-QLCL gửi Chủ tịch UBND cấp tỉnh về việc phối hợp chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, giáo dục nghề nghiệp năm 2022.

Tại công văn này, Bộ GD&ĐT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 27/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2022 để chỉ đạo, tổ chức Kỳ thi và công tác tuyển sinh năm 2022 ở địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, tăng cường phối hợp chỉ đạo để Kỳ thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh năm 2022 tại địa phương được tổ chức an toàn, trung thực, khách quan, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh.

Tuần qua, nhiều địa phương đã và đang tích cực chuẩn bị công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Tỉnh Vĩnh Phúc đã huy động hơn 2.000 cán bộ, giáo viên làm công tác coi thi và chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho kỳ thi tại 26 điểm thi. Hội đồng coi thi có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đơn vị, cơ quan liên quan gồm 26 Trưởng điểm thi, 73 Phó trưởng điểm thi, 73 thư ký, hơn 1.300 cán bộ coi thi, 228 cán bộ giám sát, 324 công an, bảo vệ và phục vụ. Tỉnh này đề ra phương châm “Không để bất ngờ, bị động”.

Sở GD&ĐT Phú Thọ tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho 260 cán bộ là thủ trưởng các đơn vị có học sinh dự thi và các giáo viên được chọn tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Tại tỉnh Điện Biên, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có 23 điểm thi, với 290 phòng thi chính thức, 37 phòng chờ, 46 phòng dự phòng. Số thí sinh đăng ký dự thi là hơn 6.400. Năm nay, mùa mưa đến sớm và thời tiết khó lường.

Do vậy, tỉnh này đã xây dựng phương án để phòng tình huống xấu nhất xảy ra như: sự cố sạt lở, mữa lũ gây tắc đường cục bộ. Trên cơ sở đó, Sở GD&ĐT chủ động xây dựng phương án dự phòng vận chuyển đề thi, bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Từ ngày 22/7 đến 17h00 ngày 20/8, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển

Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp 2022.
Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp 2022.

Trong tuần, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 2598/BGDĐT-GDĐH về việc hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Theo nội dung Công văn này, từ ngày 22/7 đến 17h ngày 20/8, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển (NVXT) không giới hạn số lần.

Cụ thể: Việc đăng ký NVXT đối với các phương thức xét tuyển phải thực hiện theo hình thức trực tuyến trên Hệ thống hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia (xem hướng dẫn tại Hệ thống hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia); Thí sinh sử dụng tài khoản đã được cấp để xử lý thông tin (nhập, sửa, xem) thông tin của thí sinh trên Hệ thống;

Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, các phương thức tuyển sinh ở tất cả các cơ sở đào tạo được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).

Tất cả các NVXT của thí sinh theo các phương thức xét tuyển của cơ sở đào tạo được xử lý nguyện vọng trên Hệ thống và mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký khi đảm bảo điều kiện trúng tuyển.

Thí sinh đã hoàn thành việc dự tuyển vào cơ sở đào tạo theo kế hoạch xét tuyển sớm của cơ sở đào tạo, nếu đủ điều kiện trúng tuyển phải tiếp tục đăng ký NVXT trên Hệ thống để được xét tuyển theo quy định.

Bộ đề nghị Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường THPT mở phòng máy tính có nối mạng internet để thí sinh sử dụng thực hiện đăng ký NVXT. Tổ chức hỗ trợ việc đăng ký nguyện vọng cho những thí sinh không có điều kiện đăng ký trực tuyến (lưu ý chỉ hướng dẫn, hỗ trợ thí sinh đăng ký xét tuyển, tuyệt đối không giữ tài khoản, mật khẩu và không làm thay thí sinh).

Đồng thời hỗ trợ thí sinh nộp lệ phí đăng ký xét tuyển trực tuyến theo quy định. Hướng dẫn các thí sinh phúc khảo các bài thi/môn thi, điều chỉnh NVXT (nếu có nhu cầu) ngay sau khi có kết quả phúc khảo thi tốt nghiệp THPT. Từ ngày 10/7 đến ngày 28/9 cử cán bộ có kinh nghiệm về công tác tuyển sinh để trực, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ thí sinh trong công tác tuyển sinh.

Chính sách cho giáo viên ngoài công lập vẫn còn một số bất cập

Lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Trường Đại học Hoa Sen điều hành hội thảo.
Lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Trường Đại học Hoa Sen điều hành hội thảo.

Ngày 24/6, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên môn về chính sách nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhà giáo người nước ngoài tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, cả nước có khoảng 1,1 triệu thầy cô giáo, trong đó nhà giáo thuộc các cơ sở giáo dục ngoài công lập chiếm khoảng 11%.

Tính đến tháng 6/2022, cả nước có khoảng 160.000 nhà giáo đang làm việc trong cơ sở giáo dục ngoài công lập từ cấp học mầm non đến đại học; trong đó, có hơn 150.000 giáo viên, giảng viên, trên 9.000 cán bộ quản lý giáo dục.

Đối với nhà giáo là người nước ngoài tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có gần 10.000 nhà giáo người tham gia các hoạt động giáo dục tại Việt Nam, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và số lượng này có sự biến động thường xuyên.

Tuy nhiên, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo ngoài công lập và nhà giáo người nước ngoài vẫn còn một số bất cập, chưa đồng bộ trong hệ thống chính sách hiện có.

Tại hội thảo TS Vũ Minh Đức khẳng định, vai trò quan trọng của giáo dục ngoài công lập, nhất là trong điều kiện sức ép về biên chế như hiện nay. Từ thực tế đó bắt buộc chúng ta đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục.

“Chúng tôi mong rằng, thời gian tới đây sẽ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của các thầy, cô, nhà quản lý, nhà đầu tư đối với chính sách của nhà giáo tại các cơ sở ngoài công lập” - TS Vũ Minh Đức nhấn mạnh, đồng thời cho biết: Nhằm hoàn chỉnh chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo cả công lập và ngoài công lập, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ nghiên cứu đề xuất xây dựng dự án luật điều chỉnh về nhà giáo để trình chính phủ xem xét, báo cáo Uỷ ban Thường vụ quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật giai đoạn 2022-2025.

Trong nội dung dự kiến của luật, sẽ có quy định về công tác quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo ngoài công lập, nhà giáo người nước ngoài. Tăng cường liên kết, hợp tác quốc tế trong giáo dục, thu hút nhà giáo nước ngoài có năng lực, trình độ tham gia vào các hoạt động giáo dục của Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

UAV RQ-4B Global Hawk của Mỹ.

Biết gì về UAV RQ-4B Global Hawk của Mỹ?

GD&TĐ -RQ-4B Global Hawk là loại máy bay không người lái tiên tiến của Mỹ, được phát triển cho nhiệm vụ trinh sát, giám sát và thu thập thông tin tình báo.