Nhận định trong một nghiên cứu do mình chủ trì, PGS.TS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – thể hiện trăn trở khi hệ thống trường ĐH của Việt Nam sau một thời gian phát triển nóng đã trở nên khó quản lý về chất lượng, do sự đa dạng về mô hình, từ ĐH quốc gia, ĐH vùng đến các trường ĐH đơn ngành theo mô hình của Liên Xô cũ, các trường đa ngành theo mô hình Âu - Mỹ, tồn tại tình trạng trường ĐH nằm trong trường ĐH.
Theo xu hướng chung và để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, quy định về kiểm định chất lượng giáo dục lần đầu được đưa vào Luật Giáo dục 2005. Nhưng 10 năm sau, các quy định này mới chính thức được triển khai qua thành lập các trung tâm kiểm định chất lượng năm 2016.
Việc triển khai mô hình quản lý chất lượng trong giáo dục ĐH đã đạt được những thành tựu đáng kể, dần đưa văn hóa chất lượng vào hệ thống các trường ĐH. Tuy nhiên, kiểm định trường chủ yếu đánh giá các quá trình nội bộ, đánh giá mức độ cơ sở giáo dục ĐH đạt được các mục tiêu, sứ mạng mà nhà trường đặt ra dựa trên bộ tiêu chí chuẩn, mà không so sánh được chất lượng giữa các trường với nhau, thiếu động lực cho các trường cạnh tranh một cách rốt ráo.
Bên cạnh công tác đảm bảo chất lượng, các trường ĐH của Việt Nam đang dần để ý đến công tác xếp hạng và gần đây cũng đạt được một số bước tiến đáng kể, ghi dấu ấn trong bản đồ các trường ĐH thế giới thông qua các bảng xếp hạng ĐH danh tiếng của Quacquarelli Symonds (QS), Times Higher Education (THE), Shanghai
Academic Ranking of World Universities (ARWU). Năm 2019, mục tiêu có 4 cơ sở giáo dục ĐH lọt vào top 1.000 thế giới theo Đề án nâng cao chất lượng giáo dục ĐH giai đoạn 2019 - 2025 đã đạt được sớm so với kế hoạch 6 năm.
Việc tham gia các bảng xếp hạng giúp trường định hình rõ hơn mình nằm ở vị trí nào khi so sánh với các trường ĐH trong khu vực và trên thế giới; từ đó xem xét lại chất lượng của mình, tìm các giải pháp cải thiện.
Tuy nhiên, hầu hết các bảng xếp hạng đều coi trọng các chỉ số đánh giá thành tích (chủ yếu về nghiên cứu) mà ít đánh giá sát thực chất lượng đào tạo, các quá trình nội bộ, tác động xã hội; trong khi chiến lược phát triển của các trường ĐH cần phải quan tâm tới cả ba nhiệm vụ cốt lõi trong sứ mạng là đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng.
Trong bối cảnh hệ thống giáo dục Việt Nam đứng trước thách thức cần phải được sắp xếp lại, đổi mới căn bản, toàn diện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29/NQ-TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, PGS Hoàng Minh Sơn cho rằng, hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam cần có một bộ tiêu chí riêng. Bởi khi đó mới có thể đáp ứng được cả nhu cầu đánh giá các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và đóng góp cộng đồng của một trường ĐH, mà vẫn đối sánh được các trường với nhau.
Việc này sẽ cung cấp một bức tranh tổng thể cho không chỉ các trường ĐH, mà còn cho các cơ quan quản lý Nhà nước, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, định hướng đầu tư và quản lý hiệu quả hệ thống giáo dục ĐH trên cơ sở năng lực của các trường.