Năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày cuối năm tôi lại cùng bố tìm đến ngôi nhà số 12 Phó Đức Chính và đó cũng là cửa hàng của ông Vũ Đình Tuyên để mua những gói trà tết. Và đây cũng là lần đầu tiên tôi được “nhập mật thất” giữa khoảnh khắc linh thiêng của Đạo Trà, tôi cảm thấy cả không gian ngào ngạt mùi hoa ngâu.
Chưa bao giờ được biết cái cảm giác kỳ diệu khi mùi hương sang trọng của ngâu tràn ngập mọi giác quan thế này! Than hoa đỏ rực trong lò, không một chút tạp hương lẫn vào mùi ngâu đang dâng nhẹ nhàng tình khiết. Rồi trà được đổ ra chiếc sàng nhỏ bằng cật tre đã lên màu nâu óng. Những tôm trà xoay đều theo tay sàng để những hạt nhỏ màu nâu rơi xuống như mưa trên một cái mẹt cũng bằng tre dùng lót dưới.
Ông Tuyên chia sẻ: “Hoa ngâu dùng ướp trà không hái cả cuống, người ta phải đợi lúc hoa chín đều, trải ni lông ở dưới mà rung nhẹ cây, hoa rơi xuống, phải gói thật nhanh lại mà giữ lấy hương. Hoa ấy chín đúng độ, hương lên hết cỡ, trộn đều vào trà chưa kịp sao đã thấm hương vào trà rồi, sao lên nữa là hòa quyện hoàn toàn. Khi sao, nhất định chỉ dùng tay, vừa đảo trà, vừa lắng nghe mùi hương dâng lên… chỉ là cảm giác thôi, thấy hương đượm, mùi ngậy lên là được”.
Người thưởng trà nhấp một ngụm, lắng nghe hương ngâu, thấy như thể hương ấy từ trà mà ra, ngọt ngào, sâu thẳm chứ không như thứ hương liệu bằng ét xăng.
Ông Vũ Đình Tuyên – chủ cửa hàng Chính Thái danh trà. |
Tôi băn khoăn hỏi ông Tuyên! không biết những hạt hoa nâu nâu này ông chủ Tuyên sẽ làm gì? Vì vẫn còn thơm lắm , bỏ đi thì phí quá. Ông quay sang nhìn tôi cười và bảo: “các hạt này sẽ không bỏ! Hoa đã qua một lửa, cùng với hạt gạo hoa sen, và cúc chi… cũng đều đã ướp trà một lần, đem trộn lẫn, ướp vào trà mới. Thế là có trà Thiết Quan Âm, rất hợp với phụ nữ”.
Vậy là trà Chính Thái có đủ cả mấy vị: Sen, Cúc, Ngâu, Nhài và đặc biệt là Thiết Quan Âm. Các nhà văn như bố tôi thì chỉ thích trà Ngâu, nhưng thỉnh thoảng cũng thưởng thức Thiết Quan Âm. Nhấp một ngụm nhỏ, lắng nghe, thấy thoảng ngâu, lại phảng phất hương sen, lại mơ hồ hương cúc. Lòng lấy làm thán phục, nhưng vẫn ngưỡng mộ nhất cái anh trà Ngâu thuần khiết. Người xưa vẫn nói: kẻ sĩ ưa thưởng trà Ngâu, các cụ đi chùa và các vị cao tăng đại đức ưa trà Sen, trà Cúc thường thấy dùng ở các nhà hưu quan, trà Nhài dùng cho cánh trung lưu ở chốn thị thành. Chỉ có Thiết Quan Âm là của riêng các quý bà.
Nhưng để có một ấm trà ngon thì ngần ấy thứ cầu kỳ vẫn chưa đủ. Trên cái hỏa lò con con đỏ rực than hoa, ông chủ trà Chính Thái đun một cái siêu bé tí, thứ siêu đồng chỉ có từ đầu thế kỷ trước, có dung tích chỉ nhỉnh hơn cái ấm đất ông dùng để pha trà đãi khách chút xíu. Mà nhất định phải ấm đất nung gan gà!
Văn hào họ Nguyễn đã có cả một kiệt tác bình phẩm về sự quan trọng của cái ấm đất trong nghệ thuật thưởng trà rồi, không dám nói nữa. Chỉ biết là bao đời rồi, các tín đồ Đạo Trà vẫn có câu “Nhất nước, nhị tràm tam pha, tứ ấm”. Vì vậy khi nước đã thật sôi già lượng trà trong ấm đã đúng độ chuẩn mực, thì các việc hãm trà đã coi như xong.
Ấm trà đãi khách đã được pha, trong lúc chờ trà ngấm, đưa mắt ngắm lại cả cơ ngơi khiêm tốn của ông chủ dòng trà lừng danh này, chợt nhận ra phảng phất cái phong vị hàn nho. Cũng dễ hiểu, bởi ông bà chủ Chính Thái vốn là nhà giáo về hưu, gốc gác họ Vũ từ mấy đời trước ở làng Cố Bản, Vụ Bản – Nam Định. Đến họ đã là đời thứ 5 làm trà.
Mà cái nghiệp làm trà từ cụ cố để lại, tưởng đã phải bỏ do vật đổi sao rời mấy phen, lúc về hưu nhân lúc trà dư tửu hậu với bạn bè ông mới chợt thấy bỏ thì phí quá, thế là lặn lội tìm cách học lại ở ông chú già nhất họ, rồi lần mò làm thử mãi, mới được ông cụ gật đầu chấp nhận là đã đạt chất lượng ngày xưa.
Mỗi ngày hai vợ chồng già hỳ hục sao tẩm được vài cân, nên những ngày tết là bố con tôi lại phải ghé qua thật sớm thì may tết đó mới có trà Ngâu để đãi khách. Và chuẩn bị trà rồi thì việc sắm tết của bố tôi coi như đã xong một nửa với nhãn hiệu trà Chính Thái đã in dấu trong người Hà Nội từ hàng trăm năm nay.