Nông dân trồng hành lá ở Thừa Thiên - Huế chật vật khôi phục sau lũ

GD&TĐ - Lũ dữ đi qua khiến nhiều diện tích hành lá - cây kinh tế chủ lực của người dân phường Hương An (TX Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bị ngập úng, hư hại hoàn toàn.

Nông dân trồng hành lá ở Thừa Thiên - Huế chật vật khôi phục sau lũ

Trận lũ lịch sử đầu tháng 10 đổ về làm cho hàng chục hecta hành lá ở phường Hương An (TX Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế), chìm trong biển nước. Hành bị thối và hư hỏng gần hết khiến việc tìm kiếm, khôi phục giống trồng cho vụ mới càng gian nan.

Phường Hương An là vùng trồng hành lá lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Toàn Hương An có 560 hộ dân thuộc 7 tổ dân phố tham gia trồng hành lá với diện tích khoảng 100ha, mỗi năm thu về hàng tỷ đồng.

Mỗi ngày, Hương An xuất ra thị trường từ 12 – 15 tấn hành đi các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi…

Những cây mới bắt đầu cho thu hoạch.
Những cây mới bắt đầu cho thu hoạch.

Nhờ nguồn nước và chất đất phù hợp nên hành Hương An có mùi thơm hơn những nơi khác nên được thị trường ưa chuộng, sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Thời điểm thu hoạch, thương lái khắp nơi đến tận ruộng để thu mua rồi vận chuyển đi tiêu thụ. Đây chính là loại cây giúp xóa đói giảm nghèo của người dân Hương An.

Tuy nhiên, khi đang ở thời kỳ thu hoạch, các đợt mưa lũ liên tiếp đã khiến số diện tích trồng hành bị ngâm trong nước. Gần như toàn bộ hành hư hỏng khiến người nông dân điêu đứng, lâm vào cảnh trắng tay.

Nhiều hộ dân mất trắng hành sau những đợt lũ liên tiếp.
Nhiều hộ dân mất trắng hành sau những đợt lũ liên tiếp.

Khi PV GD&TĐ hỏi thăm đường để tìm đến những khu vườn trồng hành lá vừa bị thiệt hại, người dân địa đương buồn bã đáp lời: “Chú là thương lái phải không, hành lá nhà mô cũng ngập úng chết hết cả rồi, còn mô mà bán nữa…”.

Có mặt tại những vườn hành lá tiêu điều xơ xác sau đợt mưa lũ vừa qua, chúng tôi cảm nhận rõ sự xót xa, buồn bã trên khuôn mặt của từng người nông dân.

Trước tình trạng khan hiếm giống hành, nhiều người dân phường Hương An (TX Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) không để đất không mà chuyển đổi sang trồng các loại hoa màu ngắn ngày khác để phục hồi kinh tế. Theo người dân phường Hương An, sau khi nước rút, chỉ còn sót lại rất ít hành trồng ở những vùng cao nước không ngập tới có thể sử dụng.

Tranh thủ trời nắng, người dân tấp nập ra đồng ruộng cày cuốc, xới đất tiến hành trồng, chăm sóc lại hành lá để lấy giống cho vụ sau.

“Chúng tôi xới đất tìm từ cọc nhỏ còn sót để trồng lại và chăm sóc, đặc biệt để tạo giống cho vụ sau”, ông Cao Mãi (77 tuổi, trú thôn Bồn Phổ, phường Hương An, TX Hương Trà) chia sẻ với PV khi đang cuốc xới đất.

“Tôi trồng được 2 sào nhưng bị hư hỏng gần hết, chỉ còn lại khoảng 10kg làm giống và giờ không thể để đất trống nên tranh thủ đến xới đất trồng rau cải, rau ngò, xà lách để bán vào vụ tết…

Hiện giống hành lá đặc trưng được thị trường ưa thích bấy lâu ở phường Hương An đang rất hiếm giống nên người dân đang tích cực chăm sóc để tạo, khôi phục giống trồng lại đại trà không để mất đi loại hành lá đặc sản ở Hương An”, ông Cao Mãi cho biết thêm.

Bà Hoàng Thị Ánh, tranh thủ nắng rao trồng lại hạnh đã hư.
Bà Hoàng Thị Ánh, tranh thủ nắng rao trồng lại hạnh đã hư.

Đang ngồi trồng những cây hành giống còn sót lại, bà Hoàng Thị Ánh (trú phường Hương An, TX Hương Trà) buồn rầu chia sẻ: “Tôi trồng 6 sào cho vụ cuối trong năm nhưng đã bị ngập hư hỏng hết nên phải mua cùng hàng xóm được 50kg mà vẫn còn thiếu, tìm không có nữa. Ngoài thiệt hại về kinh tế thì hiện tại bà con chúng tôi còn gặp khó khăn khan hiếm giống hành lá cho vụ sau, bởi cả xóm còn vài hộ có giống nên thiếu rất nhiều”.

"Giá hành lá trong năm 2020 bình thường bán 12.000 đồng/kg nhưng nay hiếm nên hành lá bán giống tăng giá lên 40.000 đồng/kg mà vẫn tìm không ra giống”, bà Ánh chia sẻ thêm.

Trước tình trạng khan hiếm giống cây, ông Hồ Phước Toàn – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương An thông tin, sau mưa bão rồi ngập lụt kéo dài, hơn 70/100ha hành lá vụ cuối trong năm của bà con bị thiệt hại, giống hành cho vụ sau hiện nay khan hiếm do bị ngâm nước lâu ngày thối, hư hỏng gần hết hiện tại còn rất ít.

“Bên cạnh việc huy động các nguồn giống đang còn sót lại ở các hội viên tăng gia gây giống thì Hợp tác xã Nông nghiệp Hương An còn vận động người dân trồng các loại hoa màu ngắn ngày phục vụ dịp Tết sắp đến. Đồng thời, chúng tôi cũng đã đề nghị các Sở, ban, ngành quan tâm hỗ trợ về hạt giống cho bà con”, ông Toàn cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.