Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam – nhấn mạnh: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn giữ vai trò, vị trí chiến lược và là cơ sở, lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần giữ vững và ổn định chính trị.
Tuy nhiên, đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta còn nhiều vấn đề cần đặt ra, nhất là trong bối cảnh chung mới của hội nhập toàn cầu, những biến động của kinh tế - chính trị trên thế giới, cách mạng công nghiệp 4.0 và biến đổi khí hậu, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh chiến lược mang tầm vĩ mô để phát triển bền vững.
Nhấn mạnh, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiều chủ trương mới, trong đó đã nêu cần hướng tới phát triển "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh"; GS.TS Nguyễn Thị Lan – cho hay: Thời gian qua, Ban Kinh tế trung ương, Hội đồng lý luận trung ương và các cơ quan chức năng đã tích cực triển khai thực hiện công tác chuẩn bị để Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII sẽ xem xét những quyết sách mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đổi mới và phát triển kinh tế tập thể; đổi mới chính sách về đất đai. Đây sẽ là những quyết sách hết sức quan trọng đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta trong nhiều năm tới.
“Học viện Nông nghiệp Việt Nam, với hơn 1.300 các bộ, viên chức; trong đó có trên 100 GS, PGS, 200 TS về các chuyên ngành nông nghiệp, nông thôn nhận thấy có trách nhiệm tham gia nghiên cứu và đóng góp cho quá trình chuẩn bị này” - GS.TS Nguyễn Thị Lan nói, đồng thời cho hay: Học viện đã xây dựng một số báo cáo chuyên đề gửi các Ban chỉ đạo về Tổng kết Nghị quyết 19 và Nghị quyết 26. Bên cạnh đó, Học viện cũng đã tự tổ chức và tham gia nghiên cứu một số chuyên đề khác.
Tham luận tại Hội thảo, PGS.TS Trần Quang Trung – Giảng viên Khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam – nhìn nhận: Hợp tác xã (HTX) chưa đem lại lợi ích thiết thực. Thực tế, một bộ phận nông dân không còn “mặn mà” với HTX, không thấy “tự hào” khi là thành viên của HTX. Ngoài ra, có hiện tượng HTX tuy được thành lập theo quy định của Luật HTX 2012 nhưng hoạt động chưa đúng với tinh thần “hợp tác” và mục tiêu “tương trợ lẫn nhau”.
Đề cập về chính sách phát triển kinh tế tập thể, PGS.TS Trần Quang Trung – khuyến nghị: cần nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể; Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật; Rà soát, đổi mới chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể…
PGS.TS Trần Quang Trung phân tích, trước mắt cần khẳng định HTX là tổ chức kinh tế tập thể, lấy lợi ích kinh tế làm trọng trên cơ sở đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thành viên và góp phần phát triển kinh tế, xã hội.
Bởi vì, kinh tế tập thể cũng tạo ra giá trị gia tăng, đóng góp vào GDP của nền kinh tế và lợi ích kinh tế đảm bảo tồn tại và phát triển của tổ chức kinh tế, có điều kiện thực hiện các mục tiêu khác.
Mặt khác, cần để kinh tế tập thể phát triển bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, phù hợp với quy luật khách quan nhằm tránh các chủ trương, chính sách khiên cưỡng đối với kinh tế tập thể.
Ngoài ra, cần khẳng định HTX có quyền cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho thị trường sau khi đã đáp ứng nhu cầu của thành viên, vì: Hộ nông dân nhỏ, không đủ quy mô để sản xuất hàng hóa; Tạo dư địa thị trường cho HTX phát triển do HTX được coi là tổ chức kinh tế gắn bó lâu dài với nông dân, đồng thời, tăng thu nhập cho thành viên, hỗ trợ thêm cho nông dân chưa là thành viên của HTX và lâu dài hơn là nhân rộng mô hình HTX.
Về hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, PGS.TS Trần Quang Trung nhấn mạnh: cần đảm bảo sự nhất quán, đồng bộ trong hệ thống văn bản pháp luật như: Thống nhất một cách nhất quán rằng HTX là tổ chức kinh tế tập thể như định nghĩa của Liên minh Hợp tác xã Quốc tế (International Cooperative Alliance); Tránh các quy định dẫn đến hiểu nhầm giữa HTX với doanh nghiệp; Đảm bảo công khai, minh bạch hoạt động của HTX thông qua kiểm tra, kiểm toán.
Nhà nước cần dừng việc làm thay, quyết định hộ HTX, trả HTX về cho thành viên. Cụ thể: Việc cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho thị trường để HTX quyết định, miễn là đảm bảo thỏa mãn hết nhu cầu của thành viên; Không coi HTX như một công cụ phục vụ cho công tác quản lý nhà nước dưới bất kỳ hình thức nào, nếu có chỉ nên dừng lại ở mức độ khuyến khích; Cán bộ quản lý nhà nước không tham gia quản lý HTX.
Liên quan đến khuyến nghị rà soát, đổi mới chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, PGS.TS Trần Quang Trung – cho rằng, cần nhìn nhận HTX đóng vai trò quy tụ nông dân để trở thành đối tác của doanh nghiệp và gắn với chuỗi giá trị hàng hóa.
Hỗ trợ phát triển HTX cần phải dựa trên hiệu quả hoạt động hoặc đóng vai trò “bà đỡ” ở giai đoạn đầu để tạo đà cho HTX tự phát triển và thực hiện nguyên tắc hỗ trợ theo hoạt động chứ không theo đầu HTX.
Về cách thức thực hiện hỗ trợ: Cần gắn bó lâu dài cán bộ trẻ “tài năng” thuộc diện thu hút với HTX thông qua “tư cách thành viên” và hơn nữa là các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho thanh niên, sinh viên; Phân kỳ và phân loại đối tượng hỗ trợ để tăng tính hiệu quả, nhất là đối với hoạt động xúc tiến thương mại, đào tạo, tập huấn…; Hình thành quỹ tài trợ ứng dụng/chuyển giao KHCN cho HTX theo cơ chế hoàn vốn ưu đãi; Kết hợp tín dụng ưu đãi với việc sử dụng tài sản hình thành từ dự án để thế chấp trong huy động vốn tín dụng.
Sứ mạng của Học viện Nông nghiệp Việt Nam là đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ, tri thức mới trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; đóng góp vào sự phát triển nền nông nghiệp và hội nhập quốc tế của đất nước.
Học viện luôn được các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá và xếp hạng ở thứ bậc cao: đứng thứ 3 trong số các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam (bảng xếp hạng UniRank năm 2017), đứng thứ 7 trong các trường đại học tại Việt Nam (bảng xếp hạng Webometrics lần thứ nhất năm 2019), top 20 tổ chức có công bố quốc tế nhiều nhất tại Việt Nam (Bộ KH&CN công bố năm 2015)...
Học viện là một trong hai trường đạt chất lượng kiểm định giáo dục đại học cao nhất. Đặc biệt, 6 chương trình đào tạo của Học viện đã đạt chuẩn chất lượng khu vực Đông Nam Á (AUN-QA).