Theo Công an tỉnh Lai Châu, thời gian gần đây, cùng với sự phát triển mạng internet đã xuất hiện nhiều loại tội phạm, với hình thức ngày càng tinh vi, nhiều thủ đoạn mới để thực hiện hoạt động vi phạm pháp luật trong đó có thủ đoạn lừa đảo, rao bán tiền giả trên không gian mạng.
Trong năm 2021, Công an tỉnh Lai Châu đã điều tra, xác minh và đấu tranh với 3 đối tượng trên địa bàn tỉnh có hành vi trao đổi, mua và nhận tiền giả qua các trang mạng xã hội.
Qua đấu tranh khai thác, các đối tượng đều khai nhận đã sử dụng tài khoản cá nhân Facebook, Zalo để truy cập vào hội, nhóm mua bán tiền giả để nhắn tin trao đổi với các đối tượng.
Tại đây, người mua sẽ được các đối tượng giới thiệu về tiền giả giống tiền thật đến 99%, chỉ máy soi mới phát hiện được.
Các đối tượng cũng hướng dẫn cách tiêu thụ tiền giả, đồng thời thống nhất việc giao dịch mua bán tiền giả bằng hình thức đặt mua vòng phong thủy để đối phó với cơ quan chức năng.
Theo cơ quan chức năng, bản chất của hoạt động nêu trên là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng lòng tham, sự kém hiểu biết của một bộ phận quần chúng nhân dân để trục lợi cá nhân.
Quá trình theo dõi, nắm tình hình hoạt động mua bán tiền giả trên mạng xã hội Công an tỉnh Lai Châu nhận thấy phương thức, thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng là lập các tài khoản trên mạng xã hội rao bán tiền giả với những lời quảng cáo như: “Giống tiền thật đến 99%”, “Giá rẻ giật mình”, “Tiêu tiền thoải mái, không sợ bị phát hiện”...
Để trấn an người mua, các đối tượng cũng khẳng định chỉ máy soi hiện đại mới phát hiện được tiền giả. Các đối tượng cũng đăng hình giả mạo một số hoạt động giao dịch mua bán tiền giả thành công để chiếm niềm tin của nạn nhân.
Tuy nhiên, khi đề nghị gặp trực tiếp để bàn về giao dịch, đối tượng không đồng ý mà chủ yếu yêu cầu thanh toán theo các phương thức chúng đưa ra.
Thứ nhất, các đối tượng yêu cầu chuyển một phần tiền thật để “đặt cọc” hoặc chuyển toàn bộ số tiền thật đặt mua tiền giả vào một tài khoản ngân hàng hoặc qua thẻ cào điện thoại, thẻ game, có trường hợp đề nghị chuyển tiền công vận chuyển trước cho đối tượng.
Những đối tượng này sẽ đưa ra lý do “vì bán hàng cấm nên không thể lộ diện” để từ chối giao dịch trực tiếp. Sau đó khi nhận được tiền, các đối tượng sẽ xóa nick, chặn liên lạc đối với nạn nhân để chiếm đoạt số tiền thật nêu trên hoặc có thể gửi bưu phẩm cho nạn nhân xong không phải là tiền giả như cam kết.
Thứ 2, các đối tượng sẽ gửi bưu phẩm đến địa chỉ người đặt mua qua các dịch vụ chuyển phát nhanh. Đối tượng thống nhất với nạn nhân các quy ước nguỵ trang gói bưu phẩm để đối phó với các cơ quan chức năng.
Gói bưu phẩm gửi là loại bưu phẩm không được kiểm tra hàng, yêu cầu phải thanh toán tiền trước cho nhân viên chuyển phát trước khi nhận bưu phẩm. Trong gói bưu phẩm nhận được không phải loại tiền giả như cam kết.
Theo Công an tỉnh Lai Châu, hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 207 Bộ luật Hình sự năm 2015, mức phạt tù có thể từ 3 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người chuẩn bị phạm tội này sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.
Cơ quan chức năng cũng nhấn mạnh, trong những trường hợp nêu trên, cả người đặt mua và người rao bán tiền giả đều vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, không ít nạn nhân khi biết bị mắc lừa những kẻ rao bán tiền giả trên mạng song cũng không dám trình báo cơ quan công an.
Công an tỉnh Lai Châu khuyến cáo quần chúng nhân dân cần cảnh giác, tránh tiếp tay cho tội phạm và tốt nhất tránh xa những mặt hàng quốc cấm nguy hiểm như tiền giả, bởi vì các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ tiền giả đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Khi phát hiện các đối tượng có hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì liên hệ ngay đến cơ quan công an gần nhất để được trợ giúp và hướng dẫn kịp thời.