Nghệ An vừa là quê cha đất tổ, vừa là kinh đô của vương triều, thế đất hiểm yếu, có thể khống chế thiên hạ, giữ được lâu dài. Phượng Hoàng Trung Đô vì thế cũng được lưu truyền trong sử Việt. Tiếc rằng, vua Quang Trung đột ngột qua đời nên kinh đô vì thế mà dang dở.
Ba lần chọn đất
Theo các nhà sử học, Nguyễn Huệ vốn tên thật là Hồ Thơm. Tổ bốn đời của Nguyễn Huệ là người làng Hương Cái, tổng Hải Đô (nay thuộc xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Đó là ông Hồ Phi Long vào lập nghiệp ở phủ Quy Nhơn, dinh Quảng Nam thời Thịnh Đức.
“Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô Gia văn phái ghi: Ở ấp Tây Sơn có người họ Nguyễn tên Văn Nhạc tổ tiên nguyên là người Nghệ An. Khoảng năm Thịnh Đức, quân nhà Nguyễn đánh ra Nghệ An, chiếm cứ được 7 huyện phía Nam sông Cả rồi dồn bắt tất cả dân cư đưa vào Nam cho sống ở vùng Tây Sơn. Tổ bốn đời của Nguyễn Nhạc chuyến ấy cũng bị bắt vào trong đó.
Sách “Tư liệu về Tây Sơn – Nguyễn Huệ trên đất Nghĩa Bình” do Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Nghĩa Bình (cũ) ấn hành, có viết: Tổ tiên bốn đời của các thủ lĩnh Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ vốn họ Hồ quê ở Nghệ An, khoảng giữa thế kỷ 17 bị quân Nguyễn bắt vào Đằng Trong.
Theo di huấn của tổ tiên, Nguyễn Huệ dù xa quê vẫn một lòng nhớ về nơi đất tổ. Vì vậy, theo các nhà khoa học việc vua Quang Trung chọn Nghệ An để xây thành Phượng Hoàng Trung Đô mang một lý do sâu xa.
Lần đầu vào tháng 4/1788, khi kéo kỵ binh thần tốc ra Bắc để trừng phạt Vũ Văn Nhậm, Nguyễn Huệ đã dừng quân để nhờ La Sơn phu tử “giúp coi địa lý để lập đô ở đất quê quán mình là xứ Nghệ An”.
Nhưng một tháng sau, khi xong việc, Nguyễn Huệ từ Thăng Long quay về vẫn chưa thấy La Sơn phu tử xem đất cho. Vì thế, Nguyễn Huệ đã tự tay viết một bức thư bằng mực son tàu, trách: “Trước đây, ta đã nhờ Phu tử về Nghệ An để coi đất đóng đô, sao tới nay quay về thấy việc đó vẫn chưa làm? Vì ta phải thẳng về Phú Xuân để binh sĩ dưỡng sức nên viết chiếu này ban xuống để Phu tử hãy cùng với quan trấn thủ Thận bàn bạc, xem xét đất đai để đóng đô tại Phù Thạch (trên bờ sông Lam, dưới chân núi Nghĩa Liệt).
Hành cung hãy dựng dựa lưng vào sát núi. Cuộc đất thì tùy nơi Phu tử dùng con mắt tinh tường mà sớm định. Hãy mau mau chọn gấp, giao cho trấn thủ Thận xây dựng cung điện thật nhanh sao cho trong vòng 3 tháng phải xong”.
Nhận thư, La Sơn phu tử viện dẫn địa thế ở Phù Thạch vừa hẹp, vừa không hợp phong thủy. Nguyễn Huệ lại có chiếu gửi trả lời, đại ý tiếp nhận những ý kiến của La Sơn phu tử, không lấy Phù Thạch làm đất đóng đô nữa, nhưng vẫn giữ ý định dứt khoát chọn đặt kinh đô tại Nghệ An.
Trong thư, Nguyễn Huệ viết: “Nay kinh thành Phú Xuân địa thế cách trở, lại ở xa Bắc Hà nên rất khó xử lý công việc. Chính vì thế, các đình thần có quyết nghị rằng đóng đô ở Nghệ An thì sẽ khống chế được thế lực trong Nam ngoài Bắc, vả lại người trong bốn phương có việc gì cần kíp kêu kiện cũng tiện việc đi lại.
Nhiều lần ta đã nhờ tiên sinh xem đất tìm những chỗ núi non kết phát ở đất Nghệ An, nhưng lâu nay vẫn chưa thấy trả lời… Ta đã từng mở xem địa đồ hình thế vùng Nghệ An thấy ở huyện Chân Lộc, xã Yên Trường, đất đai rộng rãi, thông thoáng, khí sắc tươi nhuần, xem ra có thể chọn làm nơi xây kinh đô mới… tiên sinh gắng suy nghĩ giúp cho việc ấy”.
Địa linh núi Quyết
Đó là chiếu ngày 3/9/1788, tỏ rõ mong muốn được La Sơn phu tử coi đất lập đô, nhưng phu tử vẫn tìm cách trì hoãn. Đó là lần thứ hai La Sơn phu tử ngầm ý từ chối thế đất mà Nguyễn Huệ đề nghị xây kinh đô. Nhưng đến lần thứ ba, thì phu tử đồng ý với địa điểm mới là Phượng Hoàng.
Theo PGS.TS Sử học Nguyễn Quang Hồng, ngoài lý do chọn đất tổ Nghệ An xây thành, vua Quang Trung còn muốn “cân” độ dài đi lại để dễ bề trị nước. Vì ở Nghệ An, ngoài đường núi và đường sông dễ dàng ngược xuôi Nam Bắc, lại còn đường biển và đường núi ở giữa các vùng, nếu có biến sẽ dễ dàng di chuyển quân đội.
PGS.TS Nguyễn Quang Hồng cũng cho rằng, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp biết không thể chối từ ý định dời đô từ Phú Xuân về Nghệ An của hoàng đế Quang Trung nên ông đã xuống núi. Ông vận dụng hết khả năng và chọn được vùng đất ở núi Dũng Quyết (nay thuộc phường Trung Đô – TP Vinh) để xây dựng kinh đô.
Núi Dũng Quyết còn có tên gọi khác là núi Phượng Hoàng, do thế núi trông giống con chim Phượng đang vỗ cánh bay ra biển lớn. Phía Tây Nam của núi lại có đền Hoàng Mười mà người xưa gọi là “Mỏ Hạc linh từ”. Đứng trên đỉnh Dũng Quyết nhìn ra phía Nam là dãy Thiên Nhẫn trùng điệp chạy dài tạo thế vững chãi cho dải đất thiêng dọc đôi bờ tả – hữu ngạn sông Lam.
Vùng đất xây dựng thành Phượng Hoàng để thực hiện ý định dời đô của hoàng đế Quang Trung từ Phú Xuân về Nghệ An được xác định nằm ở phía Nam núi Dũng Quyết. Tại vị trí này, theo tính toán của La Sơn phu tử thì trong khoảng giữa núi Quyết và “Miêu Nhi Phong” mà người địa phương gọi là “Rú Con Mèo” hội đủ khí trời tạo thành thế “vinh sơn thủy tụ”.
Trong cuốn “La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp” của GS Hoàng Xuân Hãn với lời tóm lược về ba lần chọn chỗ đóng đô có đoạn: “Ngày nay, khoảng giữa núi Quyết và núi Mèo, còn thấy dấu tích một thành cũ hình gần tam giác.
Dấu thành và hào đương còn rõ, nhất là trong bức ảnh chụp từ cao. Cửa tiền ở phía Nam. Núi Mèo (núi Kỳ Lân) làm nền cho đồn gác, thành phía Nam chắp vào núi ấy. Mặt Đông Bắc lấy núi Quyết (Phượng Hoàng) làm thành.
Ở giữa thành, còn dấu thành trong và nền nhà. Nhất là có nền cao ba bậc ở phần Bắc, mà ngày sau đời Nguyễn dùng làm nền xã tắc. Chắc đó là chỗ Quang Trung, ngự triều trong khi tạm nghỉ ở Nghệ An.
Tuy gọi là Trung Đô, nhưng thành Phượng Hoàng nhỏ, thành Nam chỉ dài chừng 300m, bức thành Tây dài 450m, và cái nền cao thì ngang dọc cũng chỉ có chừng 20m mà thôi”.
Dang dở thành Trung Đô
Theo sách “Hoàng Lê nhất thống chí”, triều đình Tây Sơn đã xây dựng tại Nghệ An được một số công trình như đắp hoàn chỉnh thành đất xung quanh, xây dựng xong lầu Rồng ba tầng, điện Thái Hòa và hai dãy hành lang rộng lớn:
“Quang Trung liền sai trưng dụng rất nhiều thợ thuyền, chuyên chở gỗ đá, gạch ngói để xây dựng cung phủ, lâu đài. Đắp thành đất xung quanh và sai các quân lính đào đá ong ở địa phương để xây thành trong. Dựng tòa lầu ba tầng cùng hai dãy hành lang, để phòng dùng đến khi có lễ triều hạ”.
Lịch sử cũng đã ghi nhận công cuộc xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô đang tiến hành thì vua Quang Trung đột ngột qua đời vào năm 1792.
Trước khi nhắm mắt, vua Quang Trung còn cho triệu viên trấn thủ Nghệ An là Trần Quang Diệu về kinh dặn rằng: “Sau khi ta mất, nên trong một tháng táng cho xong. Việc táng làm qua loa mà thôi. Chúng ngươi nên giúp lập Thái tử sớm dời đô ra Nghệ An để khống chế thiên hạ. Nếu không thế thì quân Gia Định sẽ tới, chúng ngươi không có chỗ chôn thân”.
Tuy nhiên, sau khi vua Quang Trung mất, việc xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô đã bị gác lại. Vua con kế nhiệm Nguyễn Quang Toản không hề nhắc đến việc dời đô ra Nghệ An như ý nguyện của vua cha.
Năm 1801 sau khi Phú Xuân thất thủ, triều đình Quang Toản đã kéo nhau ra Bắc Hà và đóng đô ở Thăng Long. Chuyện lạ xảy ra, lầu Rồng ba tầng tự nhiên sụp đổ như điềm báo trước về triều đại Tây Sơn.
Việc Quang Toản không nhắc gì đến thành Phượng Hoàng, theo các sử gia cũng như các nhà khoa học trong cuộc hội thảo tại TP Vinh ngày 31/5/2011 cũng được nhắc đến bởi lý do chính đáng khi việc xây thành tốn rất nhiều thời gian.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, khu lăng mộ bí mật của vua Quang Trung chính là ở khu vực thành Phượng Hoàng Trung Đô chứ không phải ở lăng Ba Vành. Lăng mộ được xây dựng dưới sự giám sát của tướng Trần Quang Diệu, và ngừng xây thành là cách đánh lạc hướng tai mắt triều đình nhà Nguyễn.
Nhiều nhà sử học trong hội thảo tại TP Vinh cũng cho rằng: Sau 2 - 3 tháng Quang Trung băng hà mới phát tang. Thành Phú Xuân “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, đường sông, đường biển đều bị kiểm soát. Đây là thời gian để tâm phúc vua Quang Trung đưa thi hài vua ra Nghệ An mai táng.