Thảm kịch không hồi kết
Nhiều năm xung đột đồng nghĩa với việc những đứa trẻ lên 10 tại Yemen chưa bao giờ được đến trường. Tại Yemen, trẻ em gọi những khu vực không có mái che, không có ghế ngồi hay bàn là “lớp học”.
Trong một bức ảnh do nhiếp ảnh gia Ziad đăng tải, hầu hết 50 đứa trẻ nhỏ tại Yemen đang ngồi trên nền nhà không có bút hay giấy. Tuy nhiên, những học sinh trong ngôi trường tạm bợ này ở Hays - một ngôi làng thuộc tỉnh Hodeidah (Yemen), vẫn là những trẻ em may mắn nhất cả nước. Bởi, chúng còn có giáo viên và nơi để học.
Hơn bảy năm sau cuộc chiến tranh thảm khốc châm ngòi cho cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, xung đột ở Yemen vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Trong khi đó, tương lai của cả một thế hệ tại Yemen đang đứng trước nguy cơ bị hủy diệt.
Theo Hội Chữ thập đỏ, khoảng 3 triệu trẻ em nước này không thể đến trường. Có 8,1 triệu trẻ em cần được hỗ trợ giáo dục khẩn cấp.
“Có một áp lực rất lớn khi trẻ phải nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình. Một số trẻ em ở Yemen hiện đã 10 tuổi nhưng chưa bao giờ có cơ hội được đăng ký vào bất kỳ trường học nào. Nếu các gia đình không có tiền mua thức ăn, thuốc men và viện phí, làm sao họ có thể trang trải chi phí học tập cho trẻ?”, nhiếp ảnh gia người Yemen - Khaled Ziad chia sẻ. Vào tháng 9, ông Ziad đã ghi lại những bức ảnh trẻ em trong “lớp học đặc biệt”.
Tới nay, Liên Hợp Quốc vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức về nạn đói ở Yemen vì không có đủ dữ liệu đáng tin cậy. Tuy nhiên, 16,2 triệu người - khoảng một nửa dân số tại đây, đang rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực.
Nạn đói đáng báo động đã khiến gần 2,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tại Yemen bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Hệ thống miễn dịch suy yếu cũng khiến trẻ sơ sinh tại đây trở thành “mắt xích yếu” trước dịch tả và sốt xuất huyết. Trong khi đó, hầu hết người dân tại quốc gia này cho rằng, Covid-19 là căn bệnh ít được quan tâm nhất.
Trẻ không có tuổi thơ
Tuổi thơ của trẻ em Yemen ngày càng kết thúc sớm hơn. Ngay cả trước khi xung đột nổ ra, độ tuổi kết hôn trung bình của trẻ em gái ở một số vùng nông thôn tại nước này là 14. Con số này tiếp tục thấp hơn kể từ khi chiến tranh nổ ra. Trong khi đó, trẻ em trai từ 11 tuổi được tuyển để chiến đấu ở tất cả các bên của cuộc xung đột.
Nhiếp ảnh gia Ziad cho biết, hầu hết trẻ em tại Hays được học đọc - viết và làm toán cơ bản. Tuy nhiên, những trẻ này đều chuyển đến từ các khu vực khác, khi hàng loạt gia đình cố gắng chạy trốn khỏi cuộc giao tranh giữa phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), các bên tham chiến đã tấn công trường học ít nhất 231 lần kể từ tháng 3/2015. Vào năm 2018, cuộc không kích của liên quân đã thả một tên lửa do Mỹ sản xuất vào một chiếc xe buýt chở học sinh ở trung tâm Saada, khiến 44 người thiệt mạng.
“Học sinh không cảm thấy an toàn trong khi học. Trường học bị phá hủy, nhà cửa bị phá hủy... Nhiều năm trôi qua, song, trẻ em Yemen vẫn không có cơ hội để nhận được một nền giáo dục đúng đắn”, ông Ziad bày tỏ.
Tại một số khu vực ở Yemen, nhiều công chức không được trả lương trong vài năm. Điều đó có nghĩa là hàng loạt giáo viên và bác sĩ vẫn tiếp tục làm việc không công. Yemen có khoảng 170.000 giáo viên ở các trường tiểu học và trung học. Song, có khoảng 2/3 số đó không được nhận lương hằng tháng.
“Các giáo viên nói rằng, mặc dù không có lương và điều kiện lao động khắc nghiệt, nhưng họ cảm thấy có trách nhiệm tiếp tục làm việc. Nếu rời bỏ ngành giáo dục, họ biết rằng, thảm họa sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Họ tiếp tục thực hiện một nhiệm vụ quan trọng”, nhiếp ảnh Ziad chia sẻ.
Là một phụ huynh sống ở thành phố Hodeidah, ông Ziad bày tỏ hy vọng rằng, công việc nhiếp ảnh gia sẽ giúp thế giới thấu hiểu được thảm kịch tại Yemen. Ông đồng thời bày tỏ lo lắng về tương lai của cậu con trai hai tuổi. “Nếu chiến tranh tiếp tục, tôi không nghĩ rằng con tôi hay những đứa trẻ còn lại ở Hodeidah sẽ có thể có một tương lai tốt đẹp hơn. Thảm kịch phải kết thúc”, ông Ziad nhận định.
6 triệu trẻ có thể bị gián đoạn việc học
Saeed Hamood năm nay 15 tuổi và lẽ ra, cậu sẽ học lớp Chín. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Hiện, Saeed học lớp Năm. Ở Dhubab - một ngôi làng ở phía Tây Nam đất nước, tình trạng trẻ em nghỉ học nhiều năm là chuyện bình thường.
Cha Saeed qua đời khi cậu vẫn còn là một đứa trẻ. Hoàn cảnh đó buộc Saeed phải làm việc để nuôi gia đình. Khi lên chín tuổi, cậu có cơ hội đi học. Tuy nhiên, khi cuộc xung đột ở Yemen leo thang và xảy ra tại làng nơi Saeed sống, cậu phải chạy trốn. Điều đó khiến Saeed phải nghỉ học thêm hai năm nữa.
“Chúng tôi chạy trốn vì cuộc chiến khủng khiếp. Tôi rất sợ, nhưng cảm ơn Chúa, không có chuyện gì xấu xảy ra với bất kỳ ai trong gia đình hay hàng xóm của chúng tôi”, nam sinh 15 tuổi tâm sự. Vào năm 2017, một cuộc không kích đã nhằm vào trường học của Saeed ở Dhubab. Vì vậy, khi trở về làng của mình, không có trường học nào cho Saeed theo học. Điều đó tiếp tục khiến việc học của cậu bị trì hoãn.
Khác với nam sinh, các nữ sinh tại Yemen hiếm khi phải bỏ học để đi làm. Tuy nhiên, việc học của trẻ em gái cũng thường bị trì hoãn do xung đột. Marwa (11 tuổi), cũng phải trốn khỏi nhà do xung đột. “Tôi bỏ trốn khỏi làng cùng với anh trai, vợ anh ấy và con trai của họ vì chúng tôi sợ hãi”, Marwa chia sẻ. Do chuyển chỗ ở, nữ sinh này đã bị trì hoãn hai năm học.
Ngay cả đối với những học sinh có điều kiện đến trường, không phải lúc nào cũng có giáo viên ở đó chào đón các em. Nhiều giáo viên đã chuyển nghề. Điều đó dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên ở những nơi như Dhubab.
Không có giáo viên chuyên nghiệp tại làng của mình, Abdo Salem (27 tuổi) - một người cha hai con, quyết định tình nguyện dạy học miễn phí. Thời điểm đó, anh Abdo vừa tốt nghiệp đại học. Nam phụ huynh này chia sẻ, anh khó lòng đối mặt với tình trạng, những đứa trẻ trong làng không được học trong nhiều năm vì xung đột.
Song, ngôi trường nơi anh giảng dạy bị bao vây bởi bom mìn. Một ngày, khi đang đi bộ đến trường với đồng nghiệp, Abdo Salem đã giẫm phải mìn.
“Tôi bị mất chân vì vụ nổ”, nam giáo viên tình nguyện chia sẻ. Đó là câu chuyện của bốn năm trước. Hiện, anh Abdo đứng lớp với một chiếc chân giả. Anh là giáo viên dạy Toán cho gần như tất cả học sinh trong trường. Abdo Salem được tất cả học sinh của mình yêu quý. Bởi, anh đối xử với trẻ như thể con mình.
Với sự hỗ trợ của Văn phòng Điều phối Các vấn đề Nhân đạo của Liên Hợp Quốc, Hội đồng Người tị nạn Na Uy (NRC) hiện cung cấp các biện pháp khuyến khích cho những giáo viên can đảm như Abdo, ở cả hai quận Dhubab và Al-Dhalea.
Các giáo viên tình nguyện đã được kiểm tra, phỏng vấn và đào tạo những kỹ năng cần thiết. Họ cũng đã được cung cấp các tài liệu như sổ tay và túi xách. Tại các ngôi làng này, NRC cũng xây dựng những ngôi trường mới bên cạnh tổ chức giáo dục đã bị phá hủy.
Những ngôi trường mới được trang bị bảng trắng, ghế và nhà vệ sinh. Những học sinh như Saeed và Marwa đang theo học tại các trường do NRC xây dựng. Họ cũng được nhận cặp sách, tham gia các trò chơi cả trong học tập và thể thao.