Xu hướng này đang đi ngược lại với truyền thống “tôn sư trọng đạo” ở Hàn Quốc cũng như nhiều quốc gia Đông Á khác.
Quyền của giáo viên bị “xâm phạm”
Hồi cuối tháng 7, hơn 30.000 giáo viên và những người ủng hộ đã tập trung tại trung tâm thủ đô Seoul, Hàn Quốc và kêu gọi sửa đổi Đạo luật về các trường hợp đặc biệt liên quan đến việc trừng phạt tội phạm lạm dụng trẻ em.
Những người biểu tình cho biết luật về lạm dụng trẻ em cho phép phụ huynh buộc tội giáo viên một cách vô cớ mà không cần điều tra kỹ lưỡng tình hình hoặc cho giáo viên cơ hội tự bảo vệ mình.
Nếu bị buộc tội lạm dụng học sinh, giáo viên Hàn Quốc sẽ bị đình chỉ công tác. Nhà trường sẽ cử giáo viên dạy thay còn giáo viên phạm lỗi không được phép quay lại làm việc cho đến khi cáo buộc lạm dụng được xoá bỏ.
Vấn đề về quyền của giáo viên Hàn Quốc đang được đưa ra tranh luận trong thời gian gần đây sau khi một giáo viên tiểu học kết thúc cuộc đời mình, nghi do phụ huynh và học sinh bắt nạt.
Hôm 19/7, Văn phòng Giáo dục Seoul xác nhận một giáo viên trẻ ở Trường Tiểu học Seoi, quận Seocho, tự tử ngay trong trường. Nữ giáo 23 tuổi lấy chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm vào năm 2022 và làm việc tại trường từ tháng 3 năm ngoái.
Truyền thông địa phương đưa tin, trong nhiều tháng trước khi tự sát, giáo viên này đã phải chịu áp lực công việc và bị phụ huynh của một học sinh trong lớp bắt nạt. Tuy nhiên, nhà trường đã phủ nhận thông tin giáo viên này bị bạo lực và tiếp tục phối hợp điều tra cùng cảnh sát.
Trước đó một ngày, một giáo viên khác tại Seoul cũng bị học sinh lớp 6 tấn công và phải nhập viện điều trị. Cô giáo này được chẩn đoán mắc chứng rối loạn căng thẳng sau vụ việc và yêu cầu gia đình phụ huynh phải chịu trách nhiệm cho vấn đề trên.
Dữ liệu của chính phủ chỉ ra 100 giáo viên tiểu học và THCS Hàn Quốc đã chết vì tự tử từ năm 2018 đến nửa đầu năm 2023. Trong đó, 57 người là giáo viên tiểu học.
Giáo viên là nghề rất được kính trọng ở Hàn Quốc. Năm 2013, theo nghiên cứu về mức độ tôn trọng giáo viên trong các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc đứng vị trí thứ 4, sau Trung Quốc, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và đứng trước New Zealand, Singapore, Mỹ... Dù người Hàn Quốc đánh giá cao nghề giáo nhưng chỉ 1/10 người được hỏi tin rằng học sinh sẽ thể hiện sự tôn trọng với giáo viên của họ.
Giáo viên từng là nghề nghiệp được nhiều người trẻ khát vọng. Địa vị giáo viên cao cũng thu hút nhiều cá nhân có năng lực dấn thân vào nghề, ở lại và tạo dựng nên một hệ thống giáo dục chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nhưng hiện nay, vị thế của giáo viên tại Hàn Quốc đã có nhiều phần thay đổi. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự sụt giảm trên là giáo viên cảm thấy mất an toàn ngay trong lớp học của mình.
Kết quả mức độ hài lòng với công việc của giáo viên đã giảm mạnh. Một cuộc khảo sát hồi tháng 5 vừa qua với gần 6.800 giáo viên Hàn Quốc cho thấy, chỉ 24% giáo viên hài lòng với công việc, giảm mạnh so với mức 67,8% vào năm 2006. Khoảng 88% cho biết tinh thần bị sa sút, 70% cảm thấy quyền của giáo viên không được bảo vệ.
Trước đây, giáo viên được phép sử dụng các hình phạt về thể xác với học sinh. Một số giáo viên thậm chí đã sử dụng chổi, gậy bóng chày để trừng phạt học sinh. Trong nhiều thập kỷ qua, Hàn Quốc đã nỗ lực thúc đẩy môi trường lớp học tôn trọng quyền con người.
Phong trào đòi quyền lợi cho học sinh tại Hàn Quốc khởi nguồn từ nửa cuối thập niên 1990. Đến năm 2002, chính quyền cựu Tổng thống Kim Dae-jung đã công bố hiến chương của học sinh, trong đó có các biện pháp chống lại hành vi bạo lực thể chất, tâm lý học sinh. Điều lệ cũng duy trì quyền riêng tư và tự do ngôn luận của học sinh. Theo luật, một giáo viên phạm tội nhục hình phải đối mặt với án tù 5 năm và bồi thường 50 triệu won (895 triệu đồng).
Những nỗ lực tạo ra một môi trường hoà nhập có sự tham gia của cả học sinh và giáo viên đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phụ huynh. Đông đảo giáo viên Hàn Quốc cảm thấy hiện nay họ không còn được coi trọng, chịu áp lực rất lớn từ phụ huynh và bị giới hạn quyền làm chủ lớp học. Mọi hành động của họ đối với học sinh đều có thể bị phụ huynh quy kết là “lạm dụng”.
Vì lý do này, Hàn Quốc cũng không thể dứt điểm ngăn chặn nạn bạo lực học đường. Nếu giáo viên can thiệp vào việc học sinh đánh nhau, họ có thể bị phụ huynh tố cáo. Do đó, nhiều giáo viên không có biện pháp nào để kiểm soát học sinh, chỉ có thể gọi điện cho phụ huynh và nhờ cậy.
Nhiều người tập trung kêu gọi đảm bảo quyền và lợi ích cho giáo viên Hàn Quốc. |
Dạy học như “đi trên băng mỏng”
Công tác trong nghề hơn 20 năm, một giáo viên giấu tên đã chia sẻ trải nghiệm bị phụ huynh buộc tội lạm dụng trẻ em trên tờ Korea Herald, làm minh chứng cho những khó khăn mà giáo viên hiện nay đang mắc phải. Theo đó, cô giáo này đã lật đổ một chiếc bàn (không có học sinh ngồi) để dời sự chú ý của một học sinh đang đánh bạn. Sau đó, cô cũng không công nhận lá thư xin lỗi của em học sinh vì cho rằng lá thư chưa thể hiện được sự hối lỗi.
Tuy nhiên, phụ huynh của em này đã kiện cô giáo tội hành hung học sinh. Nếu một giáo viên cố gắng ngăn chặn một vụ đánh nhau giữa học sinh trong lớp có thể đối mặt với cáo buộc lạm dụng thể chất. Còn nếu giáo viên la mắng đứa trẻ đó sẽ bị cáo buộc lạm dụng tình cảm.
Hồi đầu tháng 7, cô giáo được tha bổng sau một năm kiện tụng. Nữ giáo viên nghẹn ngào nói: “Việc giáo viên phải thu hết can đảm để giáo dục học sinh có phải là chuyện bình thường hay không? Tôi cảm thấy mình như đang đi trên một lớp băng mỏng mỗi ngày. Luật phòng chống xâm hại trẻ em không nên bị lạm dụng để phụ huynh đe dọa giáo viên”.
Một giáo viên 50 tuổi đã có 20 năm kinh nghiệm nhìn nhận: “Học sinh ngày nay không nghe lời giáo viên, không giống trong quá khứ. Tôi có thể cảm thấy rất nhiều học sinh coi thường giáo viên”.
Chị Park, 41 tuổi, một giáo viên trung học cho hay: “Trẻ em ngày nay khiến tôi sợ hãi. Tôi cố gắng tiếp xúc với trẻ em càng ít càng tốt trừ khi ở trong lớp hoặc nếu cần tư vấn. Sự tôn trọng và niềm tin vào giáo viên đã bị sụp đổ trong một thời gian dài”.
Ông Lee Tae-kyu, đại diện Đảng Quyền lực Nhân dân Hàn Quốc đã đề xuất sửa đổi Đạo luật Phòng ngừa và Đối phó với Bạo lực trong trường học. Theo đó, giáo viên được trao quyền miễn trừ các cáo buộc dân sự, hình sự trong trường hợp không cố ý hoặc sơ suất nghiêm trọng khi họ thực hiện kỷ luật chính đáng hoặc hướng dẫn học sinh. Hiệp hội giáo viên Hàn Quốc cũng kêu gọi thông qua dự luật cải cách để giáo viên có thể tích cực tham gia ngăn chặn bạo lực học đường.
Tôn trọng giáo viên và coi trọng giáo dục là những giá trị cốt lõi ở Trung Quốc. |
Giáo viên thúc đẩy văn minh nhân loại
Tôn sư trọng đạo là truyền thống lâu đời của nhiều quốc gia châu Á nói chung và Đông Á nói riêng.
Theo Chỉ số Tình trạng Giáo viên Toàn cầu 2018 của Quỹ Varkey, nghiên cứu được đánh giá là toàn diện nhất về mức độ tôn trọng dành cho giáo viên thế giới, Trung Quốc xếp thứ nhất. 81% người Trung Quốc được hỏi tin rằng học sinh tôn trọng giáo viên của mình trong khi mức trung bình toàn cầu là 36%.
Ông Vikas Pota, Chủ tịch Quỹ Varkey, cho biết: “5 năm sau khi Chỉ số Tình trạng Giáo viên Toàn cầu đầu tiên vào năm 2013, Trung Quốc lại một lần nữa đứng đầu, là minh chứng cho mức độ tôn trọng giáo viên của người dân nước này. Điều này là rất quan trọng vì nghiên cứu cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa tâm thế của giáo viên và thành tích học tập của học sinh được đánh giá qua PISA”.
Tôn trọng giáo viên và coi trọng giáo dục là những giá trị cốt lõi ở Trung Quốc. Nước này tin rằng giáo viên đóng vai trò như kỹ sư tâm hồn của con người, là người thúc đẩy nền văn minh nhân loại phát triển bằng cách phổ biến kiến thức, sự thật, định hình cuộc sống và nuôi dưỡng các thế hệ sau này.
So với nhiều quốc gia, mức độ bình đẳng giới trong giáo viên ở Trung Quốc tương đối tốt. Với giáo dục tiểu học, tỷ lệ giáo viên nữ trung bình là 63%. Còn ở giáo dục THCS và THPT, con số này lần lượt là 53% và 51%.
Một trong những vấn đề lớn về đội ngũ giáo viên Trung Quốc là chênh lệch giữa giáo viên nông thôn và thành thị. Theo ước tính năm 2018, khoảng 3 triệu giáo viên mẫu giáo, tiểu học và THCS ở nông thôn có trình độ thấp. Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị dạy học kém nên thầy cô nông thôn cũng vất vả hơn giáo viên thành phố.
Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều biện pháp thu hút, phát triển và giữ chân giáo viên giỏi ở vùng nông thôn như tăng cường tuyển dụng sinh viên sư phạm học lực giỏi cho vùng nông thôn; phối hợp với các tổ chức giáo dục để đào tạo giáo viên nông thôn; khuyến khích di động giáo viên từ thành thị về nông thôn...
Tương tự, giáo viên và quản lý trường học tại Nhật Bản được đánh giá rất cao. Trong một nghiên cứu về 82 ngành nghề tại nước này, hiệu trưởng là nghề được tôn trọng thứ 9, giáo viên đứng thứ 18. Giáo sư đại học đứng thứ 3, cao hơn bác sĩ (xếp hạng thứ 7). Lương của giáo viên cũng nằm ở mức cao so với những ngành nghề yêu cầu bằng cấp tương đương.
Giáo viên là nghề nghiệp được đánh giá rất cao tại Nhật Bản. |
Người dân Nhật Bản thường gọi giáo viên với kính ngữ “sensei”, thường sử dụng khi xưng hô với bác sĩ hoặc thành viên Quốc hội. Giáo viên được đánh giá cao đến mức cảnh sát sẽ liên hệ với giáo viên trước phụ huynh nếu học sinh gặp rắc rối. Hơn nữa, quy trình tuyển chọn giáo viên nghiêm ngặt, mức đãi ngộ cao, thu nhập ổn định cũng góp phần tăng vị thế của giáo viên tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, giáo viên Nhật Bản phải chịu nhiều áp lực quá sức, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần. Dù vẫn là nghề nghiệp được mọi người kính trọng nhưng số lượng giáo viên xin nghỉ việc hoặc về hưu sớm tại quốc gia này đang tăng.
Thời gian làm việc dài, thường xuyên phải tăng ca, khối lượng công việc hành chính lớn, mức lương không theo kịp đà tăng của lạm phát... là những nguyên nhân khiến nhiều người không muốn theo đuổi nghề giáo. Ước tính, Nhật đang thiếu 2.800 vị trí giáo viên ở các trường tiểu học, THCS, THPT, tăng khoảng 30% so với năm ngoái.
Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, năm 2022, ước tính 202 trường hợp vi phạm quyền của giáo viên gây ra bởi phụ huynh hoặc người giám hộ của học sinh. Trong đó, 75 trường hợp chửi mắng và phỉ báng, 45 trường hợp can thiệp nhiều lần vào quá trình giáo dục, 25 trường hợp cản trở thi hành công vụ, 24 trường hợp có hành vi đe dọa và 14 trường hợp bạo lực thể chất đối với giáo viên.