Mọi việc bắt đầu xáo trộn khi càng lớn, con trai chị ngày càng có những nét khác cha và gia đình nội ngoại. Hai họ vốn đã có tiếng xì xào từ lâu nhưng vì nể anh, không ai dám lên tiếng.
Đến ngày anh mất đột ngột vì tai nạn giao thông, sau khi lo liệu hậu sự cho anh xong, chị như chết lặng khi nhà chồng họp bàn yêu cầu chị đưa con đi xét nghiệm ADN vì nghĩ rằng chị không chung thủy.
Cảm thấy bị xúc phạm nặng nề nhưng tin rằng mình không làm điều gì có lỗi với chồng, chị đưa con đi xét nghiệm thật. Chẳng ngờ, kết quả cho thấy đứa trẻ không phải là con chồng chị.
Gia đình chồng nổi giận, tước quyền thừa kế và đuổi mẹ con chị ra khỏi nhà. Chị dắt con đi mà thấy như mình đang vác cả bầu trời vạn tấn trên vai.
Chị không sợ cảnh phải trắng tay, phải nuôi con một mình vì dù gia đình chồng khá giả, song 10 năm làm vợ chị chưa từng một lần dựa dẫm. Chị có công việc và tài sản riêng. Khối tài sản và số tiền thừa kế tuy rất nhiều nhưng không lớn bằng nỗi đau mất chồng, mất danh dự và niềm tin vào cuộc sống của chị.
Nhiều người trong họ hàng nhà chồng mắng chị mặt dày khi chị dám ngang nhiên nói không biết tại sao con lại không phải máu mủ của chồng. Ngay cả mẹ chị cũng hoài nghi chị:
“Nếu trót dại thì cứ nói để mẹ còn tính cho, đừng lừa gạt người lớn mà mang tội”. Chị cười khan, chị không còn nước mắt và cả hơi sức hay lý do để khóc. Sống với chồng 10 năm, chị chưa từng phụ bạc anh, cũng chưa từng tơ tưởng ai ngoài anh, vì sao chị lại phải mang trọng tội phụ bạc chồng đau đớn như thế này?
Mỗi lần nghĩ đến nỗi oan khuất của mình, chị chỉ biết nhìn về di ảnh chồng mà khóc thầm. Giờ anh đã rời khỏi cuộc sống của mẹ con chị theo đúng nghĩa đen, vậy thì còn ai có thể giúp chị giải tỏa những khúc mắc kỳ quặc trong lòng?
Nhiều người trong họ hàng nhà chồng mắng chị mặt dày khi chị dám ngang nhiên nói không biết tại sao con lại không phải máu mủ của chồng. (Ảnh minh họa)
Chị cứ ngỡ sẽ phải cay đắng mang theo câu chuyện đắng cay ấy đến cuối đời nếu không có ngày gặp lại Quân, người bạn thân thưở thiếu thời của chồng. Gần 10 năm nay, Quân sang Mỹ định cư.
Lần này trở về thì hay chồng chị mất và biết chuyện của chị nên đến thăm. Điều lạ lùng là sau lần đó, Quân thường liên lạc với chị, anh chia sẻ, thậm chí chịu đựng tâm trạng u uất của chị. Đặc biệt, càng gần đến ngày phải quay về Mỹ, anh càng có biểu hiện thái quá, nhiều lần đòi gặp mặt nhưng chị đều từ chối.
Mãi đến khi “ăn vạ” trước cửa nhà và bảo có chuyện quan trọng muốn nói với chị, chị mới đủ kiên nhẫn nghe hết câu chuyện quá khứ cay đắng của 10 năm về trước.
Gia đình chồng nổi giận, tước quyền thừa kế và đuổi mẹ con chị ra khỏi nhà. (Ảnh minh họa)
Ngày ấy, chồng chị phát hiện anh bị vô sinh. Âm thầm điều trị hơn 3 năm mà không có kết quả, lại thấy chị héo hon vì mong con và bị gia đình chồng gây sức ép, nhân dịp tổ chức tiệc chia tay riêng với Quân trước khi cậu ấy sang Mỹ, chồng chị đã nài nỉ Quân cho chị một đứa con để giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Nể bạn, thương chồng chị phải chịu đựng nỗi bất lực của một thằng đàn ông, Quân đã đồng ý. Đêm đó, chị bị chồng chuốc say và hơn 9 tháng sau thì có được một đứa con trai kháu khỉnh như mong ước.
Giờ đây, mọi sự đã rõ ràng. Quân đề nghị chị cho anh nhận con và nếu được, anh muốn cưới chị để đủ điều kiện đưa con sang Mỹ, cho thằng bé cuộc sống đầy đủ hơn. Quân bảo sẵn sàng xét nghiệm xác minh cha con với con chị và minh oan cho chị trước toàn thể gia đình chồng.
Thế nhưng, chị lại sợ hãi, không muốn đem con mình ra làm đề tài để thiên hạ chỉ trích một lần nữa. Chị cay đắng bảo, thà là bị hiểu lầm suốt đời, chứ nếu nghe theo lời Quân chẳng khác nào chị thừa nhận mình phản bội chồng…
Thế nhưng, làm vậy phải chăng là không công bằng với con trai bởi chị không có quyền tước đi quyền nhận lại cha ruột của con mình. Rốt cuộc chị vẫn không hiểu tại sao chị lại rơi vào hoàn cảnh trái ngang này…