Vào thời điểm này, họ đang tất bật chuẩn bị công việc kết thúc năm học 2021 - 2022.
Vì tương lai của học trò
Từ thị trấn Khâm Đức của huyện Phước Sơn, để đến được trung tâm xã Phước Lộc cũng gần 60 km đường đèo dốc với những khúc cua tay áo. Các thầy giáo dặn: “Mùa này sương mù nhiều sẽ che khuất tầm nhìn, mặt đường trơn trượt, nên đi đường anh phải hết sức chú ý, khi vào cua phải bấm còi báo hiệu...”.
Phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ nghiêng ngả cùng những con dốc, đoạn đường đá với ổ trâu, ổ gà cùng những khúc cua tay áo phủ đầy sương mù kèm theo mưa phùn, tôi mới đến được trung tâm xã. Bên ấm chè Thái Nguyên với hương thơm đặc trưng, tôi có dịp trò chuyện với thầy giáo Nguyễn Văn Mẫu - Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS xã Phước Thành. Thầy Mẫu đã có hơn 25 năm xa gia đình để “gieo con chữ” cho học trò ở vùng cao.
Thầy Mẫu kể: Đa phần các thầy, cô giáo ở các xã vùng cao đều phải xa gia đình. Thậm chí, có nhiều trường hợp, chồng dạy ở một xã, vợ dạy ở một xã gần cả chục năm liên tục. Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh, giáo viên Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS xã Phước Thành cũng có gần 25 năm liên tục công tác tại xã vùng đặc biệt khó khăn này. Cô Hạnh cho biết: Phước Thành là 1 trong 5 xã khó khăn của huyện Phước Sơn. Mấy năm đầu cô phải nhờ chồng hoặc đồng nghiệp làm “xe ôm”. Giờ cô đã tự đi được xe máy, nhưng thời gian đi lại vẫn dài hơn các thầy giáo.
Cô Bùi Thị Thanh Thúy - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non liên xã Phước Thành - Phước Lộc - chia sẻ: Nhà trường có 100% giáo viên là nữ, việc đi lại của các cô giáo rất vất vả. Nhất là tại điểm thôn bản như: Thôn 3 (Tà Va), Phước Thành; thôn 8 (Đăk Ka Tủ) của xã Phước Lộc vẫn chỉ có những con đường mòn xuyên rừng. Nhà trường phải căn cứ vào hoàn cảnh gia đình, tinh thần xung phong để phân công giáo viên vào đó cắm bản. “Cô Bạch Thị Thu Hà ở trong bản đã ba tuần mà chưa ra ngoài trung tâm được vì mưa. Nhiều lúc cũng muốn gọi điện thoại động viên cô giáo nhưng trong đó lại không có sóng”, cô Thúy nói.
Tình cờ trong chuyến công tác này, tôi gặp lại thầy Trà Văn Nhiều tại điểm trường bản thôn 3, xã Phước Thành sau 10 năm. Thầy Nhiều là người đã có hơn 25 năm công tác xa nhà và thường xuyên dạy học ở các điểm bản khó khăn. Trong đó, thầy đã 5 lần cắm bản tại thôn bản Trà Va B, xã Phước Thành vào những thời điểm khó khăn nhất. Lúc đó, ai muốn đến thôn bản Trà Va B, chỉ có thể bằng đôi chân bách bộ.
Thầy Trà Văn Nhiều chia sẻ: "Ngày đầu nhận nhiệm vụ, khoác ba lô bám gót Trưởng bản đi bộ gần 1 ngày đường, tối mịt mới đến được bản Trà Va B. Đấy là mình đi còn nhanh, chứ bình thường phải 1,5 ngày mới đến nơi. Cảm giác đi mãi, đi mãi, chùn hết cả chân mà vẫn đang ở giữa rừng của ngày đầu lên nhận nhiệm vụ đến giờ vẫn không thể quên.
Chúng tôi cứ 2 năm thay phiên nhau lên cắm bản ở Trà Va B. Vào mùa khô, mỗi tuần giáo viên có thể về thăm gia đình được một lần. Còn mùa mưa có khi cả tháng trời cũng không về được. Quả thực, nhiều lúc mình cũng thấy sờn lòng bởi những khó khăn, vất vả khi lên dạy học trên này. Nhưng nghĩ lại, nếu ai cũng ngại khó, khổ rồi từ bỏ thì tương lai của trẻ em trên này sẽ ra sao”.
Quên ngày trở về
Cùng với những khó khăn không thể kể hết bằng lời về chặng đường “gieo con chữ” của các thầy, cô giáo vùng cao, tôi lại được gặp những thầy, cô giáo được coi là quá “thời hạn”. Nếu theo quy định, chỉ 3 năm với nữ và 5 năm đối với nam công tác tại vùng khó khăn sẽ được đề nghị điều chuyển đến vùng thuận tiện. Song, vì nhiều lý do khác nhau, có những thầy, cô giáo đã mười mấy năm liên tục, thậm chí là trên 25 năm vẫn bám trụ với vùng cao. Đồng nghĩa với việc, các thầy, cô luôn phải sống xa gia đình và sự hy sinh đó thật là lớn lao.
Thầy Trần Đình Ngộ - Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS xã Phước Lộc sinh ra và lớn lên ở huyện đồng bằng Thăng Bình (Quảng Nam). Sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm tỉnh, thầy được phân công về công tác tại xã Phước Thành, rồi Phước Lộc từ năm 1999. Thời điểm đó, để lên được xã phải đi bộ 3 ngày đường.
Sau 12 năm dạy học ở xã Phước Kim, thầy Ngộ tiếp tục được điều chuyển lên xã Phước Thành, 6 năm sau lại điều chuyển lên xã Phước Lộc cho đến nay. Thầy Ngộ tâm sự: Ngày mới lên nhận công tác, tôi nghĩ sẽ phấn đấu dạy 5 năm ở vùng cao rồi xin về cho gần gia đình. Nhưng khi lên với học trò nơi đây, cùng với tập thể giáo viên nhà trường miệt mài “gieo con chữ”, thoắt cái đã hết 5 năm. Tôi cũng muốn về lắm, vì sống cảnh xa gia đình thiếu thốn đủ thứ. Tuy nhiên, nhiều người có hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình, nên lần lựa mãi chưa xin về vùng thuận tiện. Bây giờ đã sang năm thứ 23 bám trụ ở các xã vùng cao khó khăn.
Cũng giống như thầy Trần Đình Ngộ, thầy Đặng Đình Mỹ - Phó Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS xã Phước Kim công tác tại vùng cao hơn 22 năm và đã quá “thời hạn vùng cao” từ rất lâu. Vợ chồng thầy Mỹ đều là giáo viên, nhưng vợ hiện dạy ở thị trấn Khâm Đức, việc chăm sóc hai con đều “nhường” hết cho vợ và người thân. Trước khi được điều chuyển lên Phước Kim, thầy Mỹ đã có hơn 20 năm công tác cũng đều tại các xã vùng cao và khó khăn.
Thầy Mỹ chia sẻ: Gia đình tôi có 4 người đều là giáo viên và từng dạy học ở các xã vùng khó khăn. Có quãng thời gian hai vợ chồng đều là giáo viên cắm bản, nên lúc thì chồng, khi thì vợ phải mang con trai đầu đi hết vùng này đến vùng khác thuộc các xã vùng cao của huyện. Cũng bởi theo bố mẹ ăn, ở và học tập ở vùng cao nhiều năm liên tục, nên con trai của thầy Mỹ biết nói cả tiếng dân tộc Bhnong (một nhánh dân tộc Giẻ Triêng).
Tại các xã vùng cao của Phước Sơn có rất nhiều giáo viên miền xuôi phải đem con đi theo để tiện công tác. Như trường hợp của cô Trương Thị Thanh Tâm, 7 năm qua là giáo viên Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Phước Thành. Cô Tâm quê ở huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), là một trong số nhiều người đã quyết định cho con gái lên ở và học lớp 1 tại Phước Thành để tiện việc chăm sóc.
Cô Trần Thị Hương - giáo viên Trường Mầm non liên xã Phước Thành - Phước Lộc, huyện Phước Sơn cũng có 12 năm “gieo con chữ” tại các bản đặc biệt khó khăn của huyện. Quãng thời gian cô Hương cắm bản, trong đó có bản thôn Trà Va B, cũng là thời điểm phải xa gia đình “nhường” hết phần việc chăm sóc gia đình, con cái cho chồng.
Cô bộc bạch: “Đa phần nhà các cô giáo ở đồng bằng, khi lên vùng cao dạy đã là vất vả rồi, 2 - 3 tháng chỉ về nhà được 1 lần. Còn lên bản vùng sâu, vùng xa, thì khó khăn gấp nhiều lần. 12 năm trong nghề, hầu như em ở lại trường với học sinh. Nhà em có 2 con, cả tháng về nhà được 1 lần, nếu đường sá thuận tiện, chồng cũng bận công việc nên việc chăm sóc các con cũng khó khăn. Nhiều đêm nằm nhớ nhà, nghĩ đến cảnh một mình chồng chăm sóc con cái, mình chỉ biết khóc thầm. Có lần 2 con ốm nằm viện, em phải xin nghỉ dài ngày, lớp học trên bản cũng phải nghỉ theo”.
Gian khổ không sờn lòng
Ông Hồ Văn Phức - Chủ tịch UBND xã Phước Thành - cho biết: Cũng bởi vì lòng yêu nghề, yêu trò, gần gũi với nhân dân và giải quyết được nhiều việc khó nên các thầy, cô giáo công tác lâu năm ở đây luôn được đồng bào tin tưởng. Nhiều khi tại các thôn bản có việc vướng mắc, chỉ cần nhờ tới các thầy cô phối hợp cùng tuyên truyền là giải quyết được ngay.
Trong chuyến công tác lên các xã vùng cao của huyện Phước Sơn lần này, vẫn còn đó nhiều điều chưa thể diễn tả hết về câu chuyện “gieo con chữ” của các thầy, cô giáo. Nhưng có một điểm chung nhất mà tôi cảm nhận là các thầy cô luôn yêu nghề, mến trẻ và trong khó khăn, gian khổ cũng không thể làm họ sờn lòng. Tôi mãi không quên hình ảnh một cô giáo trẻ vùng cao, sáng sớm địu con mấy tháng tuổi trên lưng, vội vàng lên đường cho kịp giờ dạy tại một điểm trường lẻ của bản. Chiều tối trở về phòng công vụ, cô một mình cơm nước, chăm sóc con nhỏ. Khi màn đêm buông xuống, sương bắt đầu rơi nặng hạt, cái lạnh thấu xương, thì cũng là lúc cô giáo lại miệt mài bên trang giáo án chuẩn bị cho buổi học ngày mai...
Khi tôi hỏi, điều gì đã giữ chân cô ở lại, cô cười và nói: “Chỉ có lòng yêu nghề, mến trẻ, yêu thương cuộc sống của đồng bào sẽ níu chân ở lại với vùng cao!”...