Nỗi niềm nghề shipper

GD&TĐ - Mạng lưới viễn thông cùng với công nghệ ngày càng phát triển, tạo điều kiện cho các sàn thương mại điện tử dần gắn liền với đời sống sinh hoạt.

Shipper trở thành cầu nối giữa đơn vị kinh doanh với khách hàng trong thời buổi bùng nổ công nghệ số và thương mại trực tuyến.
Shipper trở thành cầu nối giữa đơn vị kinh doanh với khách hàng trong thời buổi bùng nổ công nghệ số và thương mại trực tuyến.

Điều này cũng thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt. Từ đó, những người làm nghề giao hàng, hay còn gọi là shipper đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình giao dịch hàng hóa bằng phương thức online.

“Cần câu cơm” của nhiều người

7 giờ sáng, tại trạm vận chuyển Đắk Lắk - Buôn Hồ, anh Trần Văn Tiến (20 tuổi, xã Ea Drơng, Đắk Lắk) đang cặm cụi kiểm tra các món hàng và địa chỉ cần giao trong ngày. Cẩn thận chất hàng lên thùng vận chuyển buộc sau chiếc xe máy cũ, anh Tiến bắt đầu công việc giao hàng quen thuộc đến từng nhà trong các thôn.

Gia đình khó khăn, Tiến phải nghỉ học năm lớp 9. Từ khi nghỉ học, Tiến theo ba mẹ đi làm vườn thuê cho các gia đình trong xã. Sức khoẻ không tốt, thanh niên này chỉ làm được các công việc nhẹ như: Tưới cây, phun thuốc trừ sâu, diệt cỏ… nên thu nhập không cao.

Những năm trở lại đây, người dân tại thị xã Buôn Hồ tiếp cận với sự phát triển của công nghệ hiện đại và mạng lưới kinh doanh. Đây là yếu tố “khai sinh” ra nghề giao hàng tại vùng quê này. Anh Tiến là một trong những thanh niên đầu tiên tiên phong gia nhập đội ngũ shipper, nhận trách nhiệm vận chuyển hàng hóa đến người tiêu dùng trong xã.

“Khoảng 7 giờ sáng thì em có mặt ở kho để nhận đem đi giao. Số lượng đơn không cố định, có ngày nhiều thì cả vài trăm đơn. Em không có lương cứng. Mỗi đơn hàng giao thành công em nhận được 6.000 đồng. Thế nhưng, không phải đơn nào khách cũng nhận. Nghề này với em thì không khó, chỉ cần 1 chiếc điện thoại, xe máy và quen đường là làm được. Mức thu nhập như vậy là khá so với những người không có chuyên môn và trình độ như em”, Tiến tâm sự.

Từng là thợ xây lành nghề, nhưng trong một lần tai nạn ông Bùi Văn Bích (48 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) đã mất đi khả năng làm những công việc nặng nhọc. Hiện nay, ông Bích đang là shipper theo ca cho một tiệm bán đồ cơm văn phòng trực tuyến với mức lương 4.000.000 đồng/tháng. Mỗi ngày ông Bích sẽ tới tiệm lấy đồ ăn từ lúc 10 giờ 30 phút và đem cơm đi giao, kết thúc ca lúc 1 giờ 30 chiều. Ngoài thời gian đó, ông Bích cũng nhận giao hàng độc lập, không thuộc quản lý của công ty vận chuyển nào.

“Thường tôi hay xem các hội nhóm giao hàng trên Facebook, họ có nhu cầu giao hàng nhanh rất nhiều. Đặc biệt, vào các khung giờ cao điểm hoặc những khi thời tiết xấu, phí ship trên các ứng dụng giao hàng bị đẩy lên rất cao.

Shipper ngoài như chúng tôi thì giá cả thoả thuận, thường chấp nhận lấy phí thấp hơn một chút nên hay được nhận. Ngoài ra, cũng có một số cửa hàng quen gần nhà biết hoàn cảnh tôi khó khăn, khi có đơn cần giao họ sẽ gọi cho tôi. Cũng có những khách khi nhận hàng, họ lịch sự thưởng thêm tôi vài nghìn đồng. Vì vậy tôi cũng đủ sống nhờ thu nhập từ nghề này”, ông Bích chia sẻ.

noi niem nghe shipper2.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Nhọc nhằn nghề giao hàng

Nói về những pha “dở khóc dở cười” trong những ngày tháng làm shipper, Trần Văn Tiến kể lại: “Có lần em đi giao hàng cho một nhà nuôi rất nhiều chó dữ, cổng không khoá nên chủ nhà nhờ em để hàng vào sân. Chắc lũ chó tưởng trộm nên phi từ vườn lên cắn em. Sau chuyện đó, chủ nhà phải đưa em đi tiêm phòng. Em cũng phải nghỉ làm 1 tuần”.

Lần khác, khi Tiến giao hàng, người mua họ xé luôn bọc hàng, xem hàng rồi không chịu nhận và thanh toán với lý do “không thích nữa”. Dù đã cố gắng giải thích rằng bưu kiện không được xem trước khi nhận, nhưng người mua không chịu hiểu, cầm chày đuổi doạ đánh Tiến. Họ thậm chí còn gọi lên đơn vị vận chuyển khiếu nại. Với Tiến, việc bị “bom” hàng không còn xa lạ. Có nhiều lần chạy xe cả quãng đường dài tới giao hàng, song người nhận bắt đợi cả giờ đồng hồ giữa trưa nắng. Sau đó, họ tắt máy, chặn cả số điện thoại để “bom” hàng.

“Ngày nào đen đủi bị “bom” hàng liên tục là áp lực lắm. Nếu một ngày không giao thành công được 80% số đơn, shipper sẽ phải chịu phạt theo quy định”, Tiến cho biết.

Ông Trần Văn Bích cho rằng, nghề nào cũng có những khó khăn, vất vả riêng. Nghề shipper cũng không ngoại lệ. Dù trời mưa hay nắng, thậm chí khi ốm đau… chỉ cần có đơn là phải lên đường vận chuyển. Với ông Bích, chỉ cần nghỉ ngơi đồng nghĩa với việc không có tiền. Hơn nữa, nếu thoái thác, shipper sẽ bị đánh giá là lười biếng, sau này chủ hàng sẽ không gọi.

“Có hôm tôi bị ốm nhưng vẫn phải gắng gượng dậy đi giao đồ ăn cho tiệm. Tôi không thể thoái thác vì đã không báo trước, tiệm không sắp xếp được ai thay thế. Đi dọc đường bị tụt đường huyết, tôi bị ngã, thức ăn đổ hết ra đường. Cũng may, cô chủ thương hoàn cảnh tôi vất vả nên không bắt đền tiền cơm tôi làm hỏng. Từ đó, tôi không dám lơ là trong công việc”, ông Bích kể lại một kỷ niệm buồn.

Không may mắn như vậy, chị Phạm Thị H. (37 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã từng phải đền bù giá trị đơn hàng lên tới 1.000.000 đồng vì hàng bị thất lạc. Là shipper toàn thời gian cho đơn vị vận chuyển của một sàn thương mại điện tử, chị H. phụ trách giao hàng khu vực một chung cư trên địa bàn quận Cầu Giấy.

“Thường thì chúng tôi sẽ phải giao tận tay khách hàng. Nhưng cũng có trường hợp, khách quen nhờ tôi gửi đơn hàng ở dưới hòm thư khi họ vắng nhà. Bình thường thì không sao, hôm đó không biết đơn hàng bị ai lấy trộm mất. Khách về không thấy, họ gọi điện lên khiếu nại đòi đền bù. Vậy là tôi phải bỏ tiền túi ra đền. Tôi không đền sẽ bị khoá tài khoản, không được làm cho công ty nữa”, chị H. ngậm ngùi kể lại.

Đó chỉ là một trong nhiều tình huống bi hài, thậm chí là ấm ức, tủi hờn mà gần như shipper nào cũng phải trải qua. Họ như những “chú ong thợ” cần mẫn, mải miết hòa vào dòng người tấp nập với lỉnh kỉnh hàng hóa, đảm đương công việc luân chuyển hàng hóa giữa người mua - bán.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

De Bruyne ‘chốt hạ’ rời Man City

De Bruyne ‘chốt hạ’ rời Man City

GD&TĐ - Nhạc trưởng Kevin De Bruyne đã "đồng ý miệng" về việc rời Man City và chuyển sang thi đấu tại giải Saudi Pro League của Ả Rập Xê-út.