Thời điểm bắt đầu yêu anh, tôi không suy nghĩ quá nhiều, bởi tôi tin rằng tình yêu sẽ giúp tôi vượt qua mọi chuyện, kể cả việc đón nhận những đứa con riêng của anh. Nhưng thực tế không đơn giản như tôi tưởng tượng.
Nhiều lần tôi tự hỏi: ‘Mình có yêu thương tụi trẻ không?’. Trái tim tôi luôn mách bảo rằng tôi muốn trở thành một phần trong gia đình của tụi trẻ, nhưng từ “yêu thương” đối với tôi có lẽ còn quá sớm.
4 năm trước, tôi gặp anh khi có dịp cộng tác trong một chương trình radio. Chúng tôi trở thành bạn bè và dần dần nhận ra tình cảm nghiêm túc với nhau. Sau nhiều cân nhắc, anh quyết định ly hôn để có thể tự do đến với tôi.
Lần đầu tiên nhìn thấy các con của anh – một đứa 9 tuổi và một đứa 5 tuổi, tôi đã cảm thấy rất thích vai trò mới của mình. Nhưng rồi một đêm, tôi đột nhiên nhận ra mình đã bị loại trừ như thế nào.
Đêm đó, tôi đang nằm trên sofa, ngoái sang bên cạnh, thấy anh và tụi trẻ đang quây quần bên nhau. Tôi cảm thấy không thoải mái khi thấy mình bị cho ra rìa. Anh luôn cảm thấy hạnh phúc khi ở bên tôi và các con. Nhưng tôi chỉ cảm thấy hạnh phúc khi chỉ có 2 người. Sự khác biệt này là nguồn cơn cho những xung đột về sau.
Đôi khi tôi gắng đón nhận vai trò “làm mẹ”, nhưng phần lớn thời gian tôi cảm thấy đó không phải là mình. Kỳ nghỉ hè đầu tiên cùng tụi trẻ khiến tôi nhận ra việc nuôi dạy con cái căng thẳng và mệt mỏi đến mức nào.
Có lúc tôi cảm thấy mình đã bị vắt kiệt sức. Tôi thấy tổn thương nhất là khi tụi trẻ vô tình nhắc đến những khoảnh khắc vui vẻ được chia sẻ với mẹ của chúng. Tụi trẻ kể rằng mẹ chúng nấu ăn ngon ra sao, cho chúng chơi những gì, vui như thế nào... Những lúc như vậy, tôi chỉ ước chúng im lặng để mình được yên.
Tôi nhớ đến lời cảnh báo của người thân. Họ nói rằng nuôi dạy con cái cần rất nhiều thời gian và phải liên tục đối mặt với những khó khăn. Và, thử thách đối với một người mẹ kế như tôi là phải làm những việc này không vì tình yêu thương.
Tôi biết, anh và tụi trẻ đều bị tổn thương mỗi khi tôi cáu giận, nhưng dù sao, họ vẫn còn có nhau để sẻ chia chứ không đơn độc như tôi. Có những lúc tôi rơi vào trạng thái hoàn toàn bị cô lập.
Tôi lên mạng tìm kiếm thông tin, thấy có nhiều nhà tư vấn cho những ông bố đơn thân, bà mẹ đơn thân, con ghẻ, và mọi thành phần của một gia đình tan vỡ, ngoại trừ những người mẹ kế, như tôi.
Một hôm, tôi quyết định tâm sự hết với anh để anh biết cảm giác của mình. Lúc đầu, anh không thể hiểu tại sao tôi không yêu tụi trẻ. Tôi đã phải giải thích rất nhiều để anh hiểu được gốc rễ của vấn đề. Tôi nói: “Em nghĩ chúng là những đứa trẻ tuyệt vời, nhưng em không cảm nhận được điều đó. Dẫu vậy, em vẫn tin rằng, một ngày nào đó, mọi chuyện sẽ thay đổi”.
Tôi vô cùng đồng cảm với một số câu chuyện mà mình đã đọc về những người phụ nữ có hoàn cảnh giống mình. Tôi hiểu rằng mình không phải người xấu, nhưng mình cũng không nên lừa dối cảm xúc thật của mình.
Tôi là một phụ nữ, vì thế, nhu cầu cơ bản của tôi là được ở bên người đàn ông mình yêu. Việc tôi cảm thấy bị đe dọa khi có sự xuất hiện của những đứa trẻ cũng là điều bình thường. Nếu muốn cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn với mọi thành viên trong gia đình, chúng tôi phải đối phó với mọi cảm xúc, tích cực lẫn tiêu cực.