Không chạnh lòng sao được khi nhà văn Trầm Hương cho rằng, những người làm biên kịch cảm thấy "bị đối xử tệ bạc". Chẳng phải sao khi chuẩn bị một dự án nghệ thuật mới, từ dàn dựng vở diễn sân khấu cho đến sản xuất phim hay một chương trình nghệ thuật... điều đầu tiên các đơn vị nghệ thuật đều phải nghĩ đến là: Kịch bản. Không có kịch bản hay hoặc chỉ cần một ý tưởng mới, đặc sắc từ kịch bản thì chắc chắn vở diễn, bộ phim, chương trình nghệ thuật ấy khó lòng thành công và để lại dấu ấn.
Thế là sẽ có những cuộc kiếm tìm thậm chí là "săn lùng" kịch bản, sẽ có những cuộc điện thoại "nóng máy" đặt hàng biên kịch cùng những lời mong đợi ngày đêm... Bởi sức nóng ấy mà nhiều biên kịch tâm huyết đã viết như lên đồng suốt đêm ngày, viết bằng cảm xúc thăng hoa của người nghệ sĩ và cũng lại "rút ruột nhả tơ"... Khi trao đứa con tinh thần gần như rút hết tâm sức của mình cho đơn vị nghệ thuật, trong lòng biên kịch không chỉ là niềm vui hân hoan mà còn là nỗi niềm mong ngóng được biết, được thấy "con" mình "lớn khôn" ra sao.
Ấy vậy nhưng dường như tất cả chỉ nằm trong mong đợi, còn "đứa con" kia gần như bặt vô âm tín. Chỉ đến khi được công diễn, công chiếu thì lúc ấy cũng như bao khán giả, biên kịch cứ thế mà hồi hộp ngóng chờ xem "con" mình thay hình, đổi dạng ra sao để rồi có khi ngơ ngác trước chúng. Sẽ là mừng vui nếu như chúng thực sự trưởng thành, khôn lớn. Nhưng sẽ là nỗi buồn tê tái khi nó bị méo mó, dị dạng, khuyết tật... Thậm chí có người còn tròn mắt vì ý tưởng kịch bản của mình bị đánh cắp giữa ban ngày khi bị ghi thành tên người khác!
Vì sao ra nỗi ấy? Nhiều biên kịch tặc lưỡi bảo rằng, coi như họ mua sản phẩm của mình rồi thì sau đó họ muốn chỉnh sửa, thay đổi thế nào là quyền của họ, chẳng nên thắc mắc làm gì. Nhưng đấy chỉ là cách "ngậm bồ hòn làm ngọt" mà thôi chứ còn nếu khơi đúng mạch thì sẽ có biết bao nỗi niềm chất chứa được giãi bày để rồi gói gọn trong từ: Lạc lõng. Lạc lõng khi gần như không trao đổi, không được tham gia vào quá trình dàn dựng, sáng tạo tác phẩm. Lạc lõng khi phải cô đơn ngay trước tác phẩm của mình...
Cũng có đạo diễn, nhà sản xuất nêu lý do nếu trao đổi việc chỉnh sửa kịch bản sẽ khiến biên kịch bất đồng ý kiến, làm chậm tiến độ sản xuất, thậm chí có người sẽ rút lại kịch bản khiến cho dự án bị đổ bể, vậy nên tốt nhất là cứ lẳng lặng mà làm. Vậy đấy, vì trăm bề cái tiện mà đạo diễn, nhà sản xuất có cách ứng xử sẵn sàng "hẩy" "cha đẻ" của kịch bản văn học ra ngoài. Nhưng tiếc thay họ không thấy được giá trị sáng tạo từ nhiều cái đầu sẽ luôn hơn một cái đầu! Vả lại, biên kịch nào mà chẳng mong kịch bản của mình hay hơn, mà phải chăng chính những người động bút sửa chưa đưa ra được dẫn chứng thực sự thuyết phục, đắt giá mà thôi.