Mỗi một ngày chị đều đăng lên trang cá nhân của mình ít nhất một loài hoa màu tím. Khi thì bông hoa sim ở trên rừng, lúc lại là vạt hoa oải hương trải dài miên man vô tận, lúc khác là hoa cẩm tú cầm, hoa tulip, hoa diên vỹ, hoa cẩm chướng, hoa súng, hoa lay ơn…
Có những loài hoa chị tận tay chụp khi có điều kiện thăm thú, đi công tác hoặc du lịch. Còn lại chị đi sưu tầm trên Internet rồi đăng lên. Tôi có cảm tưởng rằng, chị không thể sống nếu ở trên đời này thiếu những bông hoa màu tím.
Như thường lệ, vào một ngày trên trang cá nhân của chị lại cập nhật những hình ảnh mới nhất. Vẫn là một loài hoa màu tím. Lúc loài hoa ấy hiện trước mắt tôi, lòng tôi dội về một cảm xúc thật khó tả. Nao nao. Bâng khuâng.
Màu hoa lục bình! Cái màu hoa mà theo suốt tuổi thơ của tôi từ khi tôi chập chững bước từng bước nơi quê nhà cho đến tận ngày hôm nay, sống ở phố thị, gần ba mươi năm cuộc đời.
Lục bình không cần nói, trong tâm trí của mọi người, đa số nó được mặc định là một loài cây dân dã, quê mùa và vô dụng.
Hoa lục bình nở quanh năm suốt tháng nhưng tôi bắt đầu chú ý tới nó nhiều hơn khi cái nắng hạ chói chang thì dưới ao, hồ, kênh, mương lục bình đồng loạt nở, tím biếc đến nao lòng. Cái màu tim tím ấy gợi lên trong tôi một cảm giác thật yên bình, mộc mạc mà cũng rất thân thương gần gũi.
Không hiểu sao mỗi lần nhìn những cánh hoa lục bình dập dềnh trên nước tôi lại liên tưởng tới những người dân quê tôi. Đặc biệt là những người phụ nữ, họ tần tảo, một nắng hai sương, có người gắn bó với ruộng đồng ngày này qua tháng khác, có người tha phương làm ăn nhưng quanh đời vẫn nghèo khổ. Những phận đời lênh đênh.
Cái nắng miền Trung như chảo lửa khổng lồ, sắc tím lục bình dịu dàng dường như xua dịu cái nắng nóng ấy và gây thương nhớ cho bao lữ khách đến chơi. Khó tìm được một loài hoa nào nở đồng loạt và nương vào nhau như hoa lục bình.
Những cánh hoa màu tím mỏng manh âm thầm tô điểm cho góc quê hương vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm. Trên đài hoa xôm xốp tưởng chừng như yếu đuối nhưng lại là bệ đỡ cho những bông hoa kiêu hãnh.
Trong mỗi bông hoa, có một cánh hoa to nhất, đẹp nhất và cũng đặc biệt nhất. Cánh hoa có màu tím đậm, có chấm vàng ở giữa làm tâm điểm, vươn lên cao nhất tạo nên nét riêng độc đáo.
Người đời đặt cho lục bình là loài hoa mong manh, dễ vỡ chẳng sai chút nào. Bởi lục bình chỉ đẹp khi ở dưới nước, đứng cạnh nhau, còn khi ngắt lên bờ cánh hoa sẽ rũ xuống, tàn héo rất nhanh, màu tím cũng nhạt dần không còn hấp dẫn.
Muốn chơi hoa lục bình, người chơi cũng phải thật nhẹ nhàng, tránh dập nát khi chạm vào cánh hoa. Chính vì thế, dẫu rất muốn ôm trọn những bông lục bình vào lòng nhưng tôi chỉ dám đứng trên bờ nhìn chúng nở.
Nỗi nhớ lục bình rưng rưng tôi nhớ tới mẹ. Mẹ tôi là một người phụ nữ tảo tần, chịu thương, chịu khó, thủy chung sau trước một lòng. Thương đến nao lòng cái bóng dáng mẹ hiền, gầy guộc chân trần lội xuống ao hái lục bình non về chế biến thành món ăn cho cả nhà trong ngày Ba tháng Tám đói kém. Mẹ luộc lục bình non chấm với mắm, có khi nhà có miếng mỡ heo mẹ lại xào lên ăn cùng với cơm.
Trong ký ức của tôi, lục bình chỉ là loài cây người ta chỉ dành cho heo, cho vịt. Ấy vậy mà mẹ lại nấu lục bình hoài cho chị em tôi ăn.
Tuổi thơ chưa hiểu được sự vất vả, nghèo khó, tôi không vui khi ngày nào cũng thấy sự hiện diện lục bình trong mâm cơm. Mẹ là người hiểu rõ tôi nhất. Mẹ không nói gì, đôi mắt chằng chịt vết chân chim kia thoáng buồn, nhìn xa xăm…
Năm tháng khôn lớn, nghĩ về những vụng dại, ngờ nghệch tuổi nhỏ, nghĩ về ánh mắt của mẹ năm xưa, bên trái lồng ngực của tôi lại nhoi nhói một niềm đau khôn tả. Chỉ biết thương mẹ đến khôn cùng.
Lục bình bây giờ chẳng còn là cây dại nữa rồi. Quê tôi cũng đổi đời hơn nhờ lục bình. Từ thân cây lục bình khô, người dân tận dụng làm nguyên liệu cho nghề đan lát thành những chiếc giỏ đẹp có giá trị kinh tế cao.
Ngó lục bình, bông lục bình cũng được thương lái về tận nơi thu mua đưa lên phố chế biến thành những món ăn trong các nhà hàng sang trọng. Dẫu ít dẫu nhiều người dân phấn khởi vô cùng. Lòng tôi nghe tin cũng rộn ràng vui khôn xiết. Thương và tự hào lắm về sắc tím hoa lục bình dân dã…