Nỗi lòng những bà mẹ có con mắc chứng tự kỷ

Không chấp nhận thực tế việc con mình đang mắc chứng tự kỷ, nhiều ông bố, bà mẹ đã vô tình tước đi cơ hội cho con được can thiệp sớm, hòa nhập cộng đồng.

Một buổi học can thiệp sớm cho trẻ tại Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Hải Phòng. Ảnh: Minh Lý
Một buổi học can thiệp sớm cho trẻ tại Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Hải Phòng. Ảnh: Minh Lý

Theo các chuyên gia, khi phát hiện trẻ mắc chứng tự kỷ, gia đình cần đưa trẻ đi kiểm tra toàn diện, chẩn đoán và có hướng điều trị sớm. Chẩn đoán tự kỷ, tốt nhất nên thực hiện vào thời điểm trẻ trước 3 tuổi.

Tự kỷ theo con

Xa chồng trong suốt quá trình mang thai, chồng lại mâu thuẫn với người nhà bên ngoại, chị Lưu Thị Phương, 36 tuổi (ở quận Bình Thạnh, TPHCM) dường như chưa lúc nào thấy yên vui, thoải mái.

Sau khi sinh con được hơn một năm, chị Phương thấy cậu con trai mặt mũi khôi ngô rất ít cười. Cậu bé không chịu nằm yên, ngủ ngoan.

Khi vào tuổi tập nói, biết đi, chị Phương hoảng hốt khi thấy con trai không lúc nào đứng yên, chân đi nhón, thậm chí cậu còn có sở thích lao đầu đâm sầm vào người khác…

Càng lớn, con trai chị Phương càng hiếu động hơn, chân tay không lúc nào ngừng nghỉ khiến chị Phương thực sự lo lắng. Linh tính của người mẹ mách bảo chị Phương, con trai chị phát triển bất bình thường.

Bạn bè, người thân đều khuyên chị Phương đưa con đi khám vì thấy cậu bé có biểu hiện giống trẻ tự kỷ. Cố gắng thuyết phục chồng, chị Phương đưa con lên Hà Nội khám.

Tại đây, các bác sĩ kết luận, con chị bị tự kỷ. Nhận kết quả, chị Phương sốc không nói lên lời khi nghĩ về cuộc sống sắp tới và tương lai của con.

Sau khi bàn tính, vợ chồng chị Phương thống nhất để mình anh đi làm, còn chị ở nhà chăm con. Mọi cuộc vui với bạn bè chị đều dừng lại để dành thời gian cho con.

Vì thế, những thú vui, sở thích cá nhân bấy lâu của chị Phương cũng bị quên lãng. Bạn bè khi gặp lại, không ai nhận ra chị, có người còn cảnh báo “Cẩn thận không chính bà cũng tự kỷ theo con” khiến chị giật mình.

Khi con gần 4 tuổi, qua thông tin bạn bè, chị được biết đến trường học chuyên dạy cho trẻ tự kỷ. Nhật ký theo dõi sự tiến triển của con được chị Phương ghi cụ thể, không sót chi tiết nào. Sau hơn một tháng theo học tại đây, con trai đã biết ăn cơm và nhai. Nhìn con tự ăn, chị Phương mừng phát khóc.

Ngồi bên ngoài hành lang lớp học chờ con, chị P.M.H lần giở những cuốn sách trên kệ viết về cách nhận biết và phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ một cách chăm chú, chậm rãi.

Thấy tôi lại gần, hỏi về quá trình phát hiện ra con bị tự kỷ, chị H dừng đọc, nét mặt lộ rõ sự buồn rầu chia sẻ: “Mình sinh đôi 2 bé trai nhưng 1 trong 2 bé bị tự kỷ.

Cả nhà ai cũng ngạc nhiên vì sinh ra cùng một lúc, môi trường chăm sóc như nhau nhưng một con phát triển bình thường, còn đứa kia lại có biểu hiện rối loạn hành vi như nói chậm, tăng động…

Cảm nhận có sự bất bình thường của con nên chị H thuyết phục chồng đưa con lên Hà Nội khám. Qua kiểm tra, sàng lọc và phân tích, các bác sĩ đã khẳng định con bị rối loạn phổ tự kỷ.

Đưa con về, gia đình đành phải bố trí thời gian, công việc đưa con lên Hà Nội can thiệp sớm. Suốt 2 năm, các thành viên trong gia đình thay nhau đưa con đi về Hà Nội -Hải Phòng để chữa trị.

Rồi may mắn ở Hải Phòng cũng mở một trung tâm chăm sóc giáo dục trẻ khuyết tật, trong đó có lớp dành cho trẻ tự kỷ, tôi đã xin đưa con về cho tiện chăm sóc. Sau hơn 2 năm được can thiệp sớm, con trai chị H cũng đã dần thay đổi được nhận thức, hành vi.

Đưa con đi can thiệp càng sớm, càng tốt

Là người đầu tiên gửi con tới trung tâm chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật, nhờ can thiệp sớm khi con trai 3 tuổi, chị N. T. H ở đường Tôn Đức Thắng (quận Lê Chân, Hải Phòng) cho biết: Làm cha mẹ, ai cũng mong con mình khỏe mạnh, phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác.

Khi con 1 tuổi, tôi nhận thấy con phản ứng rất chậm với các hành động bên ngoài, cháu ít cười, chậm nói, chỉ thích chơi một số đồ chơi quen thuộc một mình.

Tôi quyết định cho con đi khám bác sỹ, tôi bàng hoàng khi nhận kết quả con mắc chứng tự kỷ. Sau một thời gian được học ở trung tâm kết hợp với sự chỉ bảo thêm ở nhà, tình trạng của cháu tiến triển một cách rõ, cháu biết bày tỏ cảm xúc, biết nghe lời mẹ, biết chơi các trò chơi như bóng, xếp hình đơn giản.

Chị P.T.T.T ở Đồng Thái (An Dương) lại cho biết: Con trai mình năm nay 3 tuổi, bé có biểu hiện chậm nói, nói ngọng. Và trong rất nhiều trò chơi thì bé thích nhất là chơi điện thoại, không cho cầm điện thoại nghịch là bé lăn ra gào khóc không cách nào dỗ được, đe dọa cũng không ăn thua.

Tìm hiểu, tôi được biết cho trẻ tiếp xúc với điện thoại quá nhiều cũng dẫn đến sự phát triển không đều, chỉ kích thích một vùng não bộ. Hiện nay, tôi đang áp dụng nhiều biện pháp để cho bé “cai điện thoại”, tôi sợ tình trạng này kéo dài rất có thể cháu sẽ mắc chứng tự kỷ.

Ông Trịnh Ngọc Toàn - Chủ tịch Hội đồng của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hải Phòng - cho biết: Trẻ nhỏ mắc chứng tự kỷ, hay còn gọi là rối loạn tự kỷ thường khởi phát trong giai đoạn 2-3 tuổi, hay gặp nhất ở bé trai.

Trong giai đoạn này, cha mẹ sẽ cảm nhận thấy ở con những dấu hiệu chủ yếu như: Gặp khó khăn trong giao tiếp, lời nói, thiếu tiếp xúc bằng mắt, không quan tâm đến các trò chơi nhóm, lời nói rập khuôn, lặp lại, nhịp điệu, tốc độ hành động thường có vấn đề, nhiều cháu còn lơ đi không nhận ra cha mẹ…

Các trẻ có vấn đề chậm phát triển khi được cha mẹ gửi đến Trung tâm, tùy mức độ nặng, nhẹ sẽ được nhà trường và giáo viên đưa ra phương thức chăm sóc, giáo dục riêng với từng cháu.

Mỗi cô giáo sẽ được giao nhiệm vụ chăm sóc, dạy bảo một cháu. Sự tiến triển của các cháu là niềm vui của không chỉ gia đình mà của cả Trung tâm.

Vừa qua, theo kết quả nghiên cứu dự báo, tỉ lệ trẻ khuyết tật phát triển, đặc biệt là trẻ có rối loạn phổ tự kỉ ngày càng gia tăng. Vì vậy việc xây dựng một hệ thống phát hiện sớm, can thiệp sớm và hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật là vô cùng cần thiết đối với các tỉnh, thành nói chung và Hải Phòng nói riêng.

Tuy nhiên tại Hải Phòng, các trung tâm can thiệp cho trẻ tự kỷ, chậm phát triển rất ít và chủ yếu tự phát mang tính tư nhân. Các trung tâm này thường dừng lại ở mức độ: “Chăm, giữ cháu bị tự kỷ, chậm phát triển” chứ chưa thực sự có phương pháp giáo dục khoa học, những can thiệp kịp thời góp phần làm thay đổi hành vi, nhận thức của các cháu.

Theo các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ, nếu trẻ đã 18 - 24 tháng tuổi mà vẫn không tăng trưởng và có hiện tượng chậm phát triển, phụ huynh nên đưa trẻ đi kiểm tra toàn diện, chẩn đoán và có hướng điều trị sớm. Chẩn đoán tự kỷ, tốt nhất nên thực hiện trước 3 tuổi.

Đó là thời điểm tối ưu để can thiệp điều trị. Ngoài ra, cha mẹ của trẻ có dấu hiệu tự kỷ cũng nên bình tĩnh, có tâm lý vững vàng từ bỏ khái niệm "bệnh" mà chỉ coi đó như một "vấn đề tâm lý", kiên trì đồng hành yêu thương con thì trẻ mới nhanh tái hòa nhập giống các trẻ có sự phát triển bình thường.

Theo GĐ&XH

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ