Nỗi lo nước uống trong trường học

Nỗi lo nước uống trong trường học

(GD&TĐ) - Ở nhiều trường học vùng nông thôn, miền núi hiện nay, học sinh đang phải tự lo việc mang nước uống từ nhà tới lớp để sử dụng. 

Đang trong “tuổi ăn, tuổi chơi”, sau các giờ ra chơi, các hoạt động thể dục, thể thao, cơ thể cần rất nhiều nước, chỉ một vài chai nước mang theo thường không đủ để các em sử dụng. Ở một số trường học có thể “tự cung, tự cấp” được nước uống cho học sinh thì nguồn nước thường không ổn định, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước mưa, nước khoan, nước giếng. 

Việc đảm bảo yêu cầu vệ sinh cũng khó có thể kiểm soát khi nước chủ yếu chỉ được lọc bằng phương pháp truyền thống qua cát, sỏi, sau đó đun sôi cho học sinh uống. Phục vụ đun nước uống cho học sinh thường được các nhà trường giao cho bộ phận hành chính phụ trách. Do phải phục vụ lượng lớn học sinh hàng ngày, nấu nước thường mất nhiều thời gian, độ sôi cần thiết nhiều khi không được đảm bảo. Bằng cảm quan bề ngoài, khó có thể khẳng định nước có hoàn toàn đảm bảo vệ sinh hay không. 

Chất lượng nước uống trong học đường vẫn nằm ngoài kiểm soát Ảnh: Phan Hải
Chất lượng nước uống trong học đường vẫn nằm ngoài kiểm soát    Ảnh: Phan Hải

Bên cạnh nguồn nước không đảm bảo, việc giữ gìn vệ sinh đối với các bình chứa, cốc uống nước cũng chưa được quan tâm đúng mức. Không có người trông coi thường xuyên, nhiều học sinh thường có thói quen mở bình nước, vục cốc vào bên trong lấy nước rồi uống chung với nhau, vô tình tạo môi trường thuận lợi cho việc lây truyền các mầm bệnh truyền nhiễm. Một số học sinh khi sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh, bị đau bụng, tiêu chảy hay có dấu hiệu chóng mặt, buồn nôn, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, tâm lý học tập.

Ở các vùng đồng bằng, thành phố, nơi có điều kiện kinh tế thuận lợi hơn, các trường học thường thỏa thuận với phụ huynh thu tiền mua nước đóng bình phục vụ học sinh. Mặc dầu việc cung cấp nước dễ dàng, thuận tiện hơn nhưng không phải tất cả nguồn nước cung ứng đều đảm bảo chất lượng vệ sinh. Hiện nay, do công tác quản lý mặt hàng nước đóng chai, đóng bình còn bất cập, các loại nước uống chất lượng kém từ các nhà sản xuất tư nhân nhỏ lẻ xuất hiện tràn lan trên thị trường, len lỏi cả vào các trường học. Theo thời giá thị trường, một bình nước 20 lít đảm bảo chất lượng của các nhà sản xuất có uy tín có giá từ 45 000 đ – 50 000 đ/bình.. Tuy nhiên, vì lý do kinh tế, không ít trường đã chấp nhận ký hợp đồng mua nước của những nhà sản xuất, đại lý bán nước chất lượng chưa được kiểm soát với mức giá từ 20.000 đ – 25.000 đ/bình. Do nhu cầu lớn và khá ổn định, các trường học bấy lau nay vẫn là “mảnh đất màu mỡ” để các nhà sản xuất, đại lý cung cấp nước uống tiếp cận. Để có được hợp đồng cung cấp nước uống lâu dài cho một đơn vị trường học nào đó, các đại lý, công ty cung cấp nước không ngại ngần trích “hoa hồng” từ 10 - 15% tổng giá trị bình nước cho người ký hợp đồng. Với bình nước 20 lít bán với giá “bình dân” từ 20.000 đ – 25.000 đ/bình, lại phải trích một khoản chiết khấu đáng kể cho người ký hợp đồng, không ít người tỏ ra băn khoăn về mức độ “tinh khiết” thực sự của các loại nước đóng bình cung ứng cho các đơn vị trường học hiện nay.

Thiết nghĩ, để đảm bảo sức khỏe trước mắt và lâu dài cho học sinh, đã đến lúc cần phải có những quy định cụ thể, chặt chẽ về việc đảm bảo nguồn nước uống trong các nhà trường. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và tình hình cụ thể ở mỗi địa phương, các đơn vị trường học cần có phương án khả thi đảm bảo cung cấp nguồn nước uống đảm bảo vệ sinh cho học sinh.

 Bùi Minh Tuấn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.