Nỗi lo dịch bệnh bạch hầu “tấn công” trường học miền núi

GD&TĐ - Cùng với sự khẩn trương vào cuộc của chính quyền địa phương, các ngành chức năng, ngành GD&ĐT huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) đang ra sức nỗ lực ngăn chăn dịch bệnh bạch hầu trước nguy cơ có khả năng lây lan, bùng phát trong các cơ sở trường học, địa bàn dân cư.   

Công tác phòng chống dịch bệnh ở vùng miền núi còn gặp rất nhiều khó khăn.
Công tác phòng chống dịch bệnh ở vùng miền núi còn gặp rất nhiều khó khăn.

Nhằm ổn định tâm lý đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, giúp nhà trường ổn định nề nếp dạy học.

Khẩn trương khoanh vùng, ngăn chặn dịch bệnh

Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, đến ngày 13/10, trên địa bàn huyện miền núi Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) có thêm 5 trường hợp trẻ em ở xã Trà Vinh có biểu hiện các triệu chứng của bệnh bạch hầu.

Trong đó, 1 em bị nặng đã chuyển xuống Bệnh viện Nam Trà My điều trị, 4 em nhẹ hơn đang điều trị tại Trạm Y tế xã Trà Vinh. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Nam Trà My đã phát hiện 12 trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu.

Thầy Võ Đăng Thuận – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My cho biết: Sau khi nhận được thông tin học sinh ở các trường học trên địa bàn xã Trà Vân, Trà Vinh có những biểu hiện mắc bệnh, cán bộ phòng GD&ĐT đã kịp thời xuống địa bàn nắm bắt thông tin và tiến hành xử lý ban đầu đưa các em vào trạm y tế.

Sau đó đã tiến hành báo cáo thông tin với chính quyền huyện Nam Trà My nên ngành Y tế địa phương và tỉnh Quảng Nam đã vào cuộc kịp thời khống chế, khoanh vùng, ngăn chặn dịch bệnh.

Theo thầy Võ Đăng Thuận, ban đầu ổ dịch bạch hầu xảy ra tại Trường Tiểu học Trà Vân (xã Trà Vân) với 7 trường hợp mắc bệnh có dấu hiệu sưng hạch và có giả mạc hầu họng. Kết quả xét nghiệm, cả 7 trường hợp đều dương tính với vi khuẩn bạch hầu, tất cả các em trong độ tuổi từ 8-12, gồm 3 nam, 4 nữ.

Hiện 6 ca bệnh đang được điều trị tại Bệnh viện Nam Trà My và tiến triển tốt, riêng đối với ca bệnh Hồ Bảo Phúc (SN 2009) phát bệnh ngày 27-9 được điều trị tại Bệnh viện Nam Trà My và chuyển đến Biện viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng nhưng đã tử vong vào ngày 3/10.

Ngay sau đó, Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My cử 3 đội chống dịch gồm 4 bác sĩ, 4 y sĩ, cùng với lực lượng y tế xã, y tế thôn bản xã Trà Vân bám sát địa bàn thực hiện các hoạt động chống dịch.

Bên cạnh đó, tất cả ca có sốt, viêm đường hô hấp trên đều được đưa vào diện nghi ngờ và được điều trị tích cực theo phác đồ quy định. Đồng thời cử cán bộ y tế thôn bản tiếp tục giám sát, phát hiện sớm, điều trị kịp thời các ca nghi ngờ tại cộng đồng của 3 thôn và tại các trường THCS, trường tiểu học, mẫu giáo của xã Trà Vân.

Trao đổi về công tác ngăn chặn dịch bệnh, ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho hay: Ngay sau khi nhận được thông báo, Sở Y tế đã chỉ đạo các ngành chức năng liên quan triển khai biện pháp khoanh vùng, cách ly xử lý tại ổ dịch, tại hộ gia đình, tại trường học và tại Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My.

Trong đó tập trung lực lượng thực hiện các biện pháp xử lý môi trường như: phun dung dịch Chloramin B 0,5% tại các nơi thu dung điều trị và tại trường tiểu học, trường mẫu giáo, tại nhà của bệnh nhân; cấp dung dịch Choramin B cho y tế xã, y tế thôn bản để vệ sinh bề mặt các vật dụng trong các hộ gia đình.

Đối với những trường hợp nghi ngờ bị bệnh thì tiến hành công tác điều trị dự phòng theo phác đồ quy định. Theo đó, ngành Y tế cũng đã chỉ đạo điều trị dự phòng hàng loạt theo phác đồ quy định cho 100% giáo viên, học sinh Trường TH Trà Vân và những người tiếp xúc gần với các học sinh mắc bệnh.

Khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh

Chính quyền địa phương, đơn vị chức năng và ngành GD&ĐT đang nỗ lực phòng chống dịch bệnh giúp giáo viên, học sinh yên tâm dạy học.
Chính quyền địa phương, đơn vị chức năng và ngành GD&ĐT đang nỗ lực phòng chống dịch bệnh giúp giáo viên, học sinh yên tâm dạy học.

Trước tình hình dịch bệnh bạch hầu có chiều hướng diễn biến phức tạp, trong 2 ngày (12-13/10) Sở Y tế Quảng Nam phối hợp với Đoàn công tác từ Viện Paster Nha Trang và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam đã đến huyện Nam Trà My tiếp tục phòng chống bệnh bạch hầu tại xã Trà Vân, Trà Vinh và các vùng lân cận.

Đối với địa bàn xuất hiện ổ dịch, Sở Y tế Quảng Nam và Viện Paster Nha Trang sẽ tiến hành cấp 30.000 liều vắcxin để tiêm chủng cho 2 xã Trà Vân, Trà Vinh và các điểm của trường học của huyện Nam Trà My. Ngoài ra, tiếp tục đề xuất triển khai tiêm toàn huyện Nam Trà My cho đối tượng từ 5 - 40 tuổi (vaccin Td) và từ 1 - 4 tuổi (vacxin DPT).

Theo ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, hiện nay công tác phòng chống bệnh tật nói chung và bệnh bạch hầu nói riêng tại địa bàn miền núi gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài điều kiện đi lại cách trở, dân cư sống phân tán, tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu chiếm số lượng đông, trong khi trình độ nhận thức về phòng chống dịch bệnh còn hạn chế. Nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng dân cư, nhất là những thời điểm thuận lợi để mầm bệnh khởi phát.

Trong khi đó, tỷ lệ người dân khu vực miền núi chưa được tiềm phòng bệnh bạch hầu đầy đủ. Kéo theo đó khả năng lây lân dịch bệnh trong cộng đồng, người dân, trường học  là rất cao.

“Chính vì vậy, để đảm bảo dịch bệnh không lây lan, trong những ngày qua, các đoàn công tác đã liên tục có mặt tại các trường học, các khu dân cư trên địa bàn tổ chức tuyên truyền về nguyên nhân, tác hại của bệnh và các biện pháp để nhân dân phòng chống.

Đồng thời tiếp tục duy trì các đoàn giám sát, phát hiện sớm điều trị kịp thời các ca nghi ngờ tại hộ gia đình và các trường học cho đến khi tình hình ổn định. Đảm bảo hóa dự phòng cho những người có nguy cơ cao, tiếp xúc gần với bệnh nhân, đảm bảo 100% giáo viên và học sinh tại các điểm trường học trên địa bàn xã Trà Vân, Trà Vinh được uống thuốc phòng bệnh”, ông Văn cho hay.

Cùng với sự vào cuộc tích cực của chính quyền, đơn vị chức năng, ngành GD&ĐT huyện Nam Trà My cũng đã cử cán bộ xuống địa bàn trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn nhà trường thực hiện các công tác phòng bệnh, vệ sinh trường lớp học, phát quang khu vực trường, phòng ở bán trú, nhà công vụ… nhằm ổn định tâm lý đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh các trường học, giúp các trường học ổn định nề nếp, tiếp tục triển khai hoạt động dạy học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Chiếc đèn bàn

GD&TĐ - Lúc này, giấc mộng tan đi, ánh sáng và bóng tối của chiếc đèn bàn hội tụ. Quá khứ qua đi để lại nỗi đau dù là nhỏ nhất trong tâm hồn…