Suýt mất mạng vì ho gà
Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh) đã cấp cứu thành công cho bé gái H.T.T (16 tháng tuổi ở huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh) mắc bệnh ho gà kèm biến chứng nặng phải lọc máu liên tục và điều trị tích cực. Sau 20 ngày được điều trị, hiện tình trạng bệnh nhân được cải thiện rõ rệt, trẻ tự thở, không sốt, không ho, đại tiểu tiện bình thường, dự kiến xuất viện trong thời gian tới.
Bác sĩ Phạm Ngọc Mười (khoa Hồi sức cấp cứu) cho biết: Trước đó trẻ có ho, sốt, đi khám tại Trung tâm Y tế huyện được chẩn đoán theo dõi bạch cầu cấp. Sau thời gian dùng thuốc không đỡ, trẻ có dấu hiệu nặng lên, sốt cao, khò khè, khó thở, uống thuốc không giảm được chuyển lên Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh điều trị.
Qua thăm khám và dựa trên kết quả xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phế quản cấp trên nền bệnh thiếu máu và theo dõi ho gà. Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển khoa Hồi sức cấp cứu điều trị tích cực do số lượng bạch cầu trong máu quá cao, các bác sĩ chỉ định thay máu ngay trong đêm cho bé.
Tuy nhiên, tình trạng trẻ vẫn diễn biến tăng nặng hơn (li bì, sốt trên 41 độ, nhịp tim nhanh, tăng trương lực cơ toàn thân, bạch cầu máu tăng 79.9 G/l, tiên lượng bệnh nhân rất nặng…). Các bác sĩ tiếp tục hội chẩn chuyên khoa và chỉ định thay máu lần 2 cấp cứu trẻ. Sau khi được lọc máu liên tục và dùng thuốc thì bạch cầu, mạch, huyết áp bệnh nhân trở lại ổn định hơn.
Cũng theo bác sĩ Phạm Ngọc Mười, sau 20 ngày điều trị liên tục bằng pháp đồ hợp lý, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, trẻ tự thở, không sốt, không ho, sức khỏe ổn định. Dự kiến bệnh nhân có thể xuất viện trong khoảng thời gian tới.
Cha mẹ vẫn chủ quan
Ho gà từng là căn bệnh đáng sợ với người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ cách đây vài chục năm. Tuy nhiên, từ khi thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ người dân được tiêm phòng tăng dần từng năm, nhờ đó miễn dịch trong cộng đồng cũng tăng đáng kể.
Sau nhiều năm triển khai chương trình, Việt Nam đã kiểm soát và gần như xóa sổ căn bệnh này. Tuy nhiên, thời gian gần đây bệnh có dấu hiệu quay trở lại, tấn công nhiều trẻ nhỏ.
Ba tháng đầu năm 2017, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận và điều trị cho hơn 50 bệnh nhi mắc ho gà, trong đó có 4 tử vong. Số mắc tăng gấp 2 - 3 lần so với cùng kỳ năm 2016. Bệnh nhân tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc.
Điểm khác biệt so với mọi năm là nhiều bệnh nhi mắc bệnh khi còn rất nhỏ (dưới 2 tháng tuổi), trước thời điểm có chỉ định tiêm vắc xin trong khi đó trẻ dưới 6 tháng tuổi mắc bệnh dễ biến chứng nặng. Từ đó đến nay, bệnh nhi mắc bệnh này vẫn xuất hiện rải rác ở các tỉnh, thành trong cả nước.
Theo bác sĩ Phạm Ngọc Mười, đa số các bé nhập viện và có diễn biến tăng nặng đều chưa tiêm phòng vắc xin phòng chống bệnh ho gà nên chưa có kháng thể miễn dịch với bệnh, bệnh tiến triển rất nhanh, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 80 - 90%.
Ho gà là bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh qua đường hô hấp, diễn biến bệnh có thể dẫn đến tử vong. Vì thế, cha mẹ cần đưa con đi khám khi thấy bé bị ho liên tục, ho đến tím tái người và sau cơn ho thường rất mệt để được chẩn đoán đúng. Đặc biệt lưu ý với trẻ nhỏ 1 đến 3 tháng tuổi vì dễ gây biến chứng nặng.
Để phòng bệnh ho gà, theo khuyến cáo của các bác sĩ, ngoài việc tiêm chủng đầy đủ cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng thì phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên tiêm chủng vắc xin trước khi mang thai. Với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nếu chưa từng mắc ho gà thì có thể tiêm vắc xin dịch vụ phòng bạch hầu - ho gà - uốn ván ở tuần thai thứ 20 để tạo miễn dịch cho mẹ và cho con trong khi chờ đến tuổi tiêm chủng.
Hiện có 3 loại vắc xin chứa thành phần ho gà để phụ huynh lựa chọn là DTP, Quinvaxem và Pentaxim. Qua khảo sát, Pentaxim sau một thời gian khan hàng nay đã có mặt ở các điểm tiêm chủng dịch vụ. Do vậy, các bậc cha mẹ cần nhớ lịch tiêm chủng cho con: (Mũi thứ 1: Tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi; Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng; Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng; Mũi thứ 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi) để bé có được kháng thể phòng bệnh.