Nỗi khổ của đàn ông mắc chứng tiểu dầm

Tuổi 26, Minh (Bắc Ninh) vẫn luôn sợ hãi mỗi khi đi ngủ vì căn bệnh tiểu dầm không khác gì đứa trẻ nhỏ.


Bác sĩ Vũ tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh:N.Phương.
Bác sĩ Vũ tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh:N.Phương.

Từ bé Minh đã đái dầm về đêm, khi đó gia đình chỉ nghĩ là tình trạng sinh lý bình thường của trẻ, lớn lên sẽ khỏi. Lên 5 rồi đến tuổi dậy thì cậu vẫn bị ám ảnh bởi việc tiểu dầm, tối nào may mắn không ướt chăn đệm thì cũng phải dậy đi vệ sinh 4-5 lần; có ngày 6 lần. Minh từng thử đóng bỉm nhưng thấy nóng, khó chịu nên được vài lần lại thôi.

“Nhiều khi cảm thấy tự ti, xấu hổ, muốn đi khám nhưng không biết đến đâu; mà đàn ông lớn bằng này tuổi rồi đi khám nói với bác sĩ tôi tè dầm thì thấy ngại”, Minh chia sẻ.

Mãi lấy hết can đảm đến khám ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Minh được bác sĩ khám tư vấn tình trạng bệnh, hướng dẫn theo dõi nhật ký đi tiểu và tái khám theo hẹn.

Bác sĩ, tiến sĩ Đỗ Đào Vũ - Phó Giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng, chuyên khoa Niệu động học, Phục hồi chức năng tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, anh Minh mắc chứng tiểu dầm do đa niệu về đêm. 

Bình thường về đêm chúng ta không phải đi tiểu, cơ thể có nhiều cơ chế tự điều chỉnh để lượng nước tiểu về đêm ít đi, làm sao cho một đêm đủ lượng để đi đái một lần vào buối sáng.

Trường hợp anh Minh là khả năng điều chỉnh kém, lượng nước tiểu được bài tiết nhiều về đêm, kèm theo bệnh nhân thường ngủ sâu quá không tự thức tỉnh được, đến khi tè dầm mới thức giấc.

Bệnh nhân thường kèm thêm nằm mơ mình đã đi ra nhà vệ sinh rồi, đây là dấu hiệu cảnh báo đi vệ sinh. 

​Những trường hợp mắc chứng tiểu dầm như trên không hiếm gặp, tuy nhiên nhiều người còn ngại ngùng không dám đi khám. Thực tế bệnh có thể chữa được. 

Theo tiến sĩ Vũ, tiểu dầm ban đêm (thuật ngữ nocturnal enuresis) chỉ tình trạng tiểu mất kiểm soát khi ngủ vào ban đêm.

Tiểu dầm là chứng rối loạn tiết niệu thường gặp ở trẻ em. Một số trẻ em có thể tự khỏi do quá trình phát triển tự nhiên nhưng đôi khi tiểu dầm vẫn tiếp diễn đến tuổi trưởng thành. Nó ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tâm lý và thể chất của trẻ. 

Nguyên nhân của bệnh rất đa dạng. Với người có sức khỏe bình thường, tiểu dầm nguyên phát do cơ thể sản xuất không đủ nội tiết tố kháng lợi niệu (ADH: AntiDiuretic hormone) vào ban đêm.

Một số trường hợp do bệnh lý bàng quang như bàng quang tăng hoạt nguyên phát, rối loạn chức năng bàng quang, trong đó có nguyên nhân thần kinh như bệnh nứt đốt sống spina bifida, tổn thương tủy sống, động kinh…). 

Khi đến khám, bệnh nhân sẽ được chỉ định làm thăm dò niệu động học để tìm nguyên nhân. Tùy từng nguyên nhân bác sĩ sẽ có chỉ định điều phù hợp: điều chỉnh hành vi lối sống, dùng thuốc kết hợp.

Thường sau khoảng một tháng điều trị kiên trì, bệnh nhân có thể thoát khỏi nỗi ám ảnh này. Quan trọng nhất là chẩn đoán chính xác bệnh và nguyên nhân gây bệnh, tiến sĩ Vũ cho biết.

Tiểu dầm không trực tiếp gây chết người nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống, đến tâm lý và thể chất. Vì thế, bệnh nhân cần đi khám đúng chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác bệnh và có cách chữa phù hợp.

* Tên nhân vật đã được thay đổi. 

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.