Nơi hai lần được chọn làm kinh đô

GD&TĐ - Thành Hoàng Đế (Bình Định) còn có tên gọi khác là thành Đồ Bàn. Nơi đây từng hai lần được chọn làm kinh đô ở hai thời đại cách nhau hơn 300 năm.

Thành Đồ Bàn – Hoàng Đế, nơi hai lần được chọn làm kinh đô. Ảnh: Lê Đình Đức
Thành Đồ Bàn – Hoàng Đế, nơi hai lần được chọn làm kinh đô. Ảnh: Lê Đình Đức

Mới đây, UBND tỉnh Bình Định cho biết đã phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 khu vực lân cận các di tích gốc thành Hoàng Đế (thị xã An Nhơn). Việc quy hoạch này hướng tới phát huy các giá trị di tích, phát triển khu vực xung quanh các di tích gốc… để tạo động lực đột phá cho khu vực.

Hai lần chọn làm kinh đô

Khi nói đến thành Hoàng Đế (di tích thời Tây Sơn), người ta thường nhắc tới chút ít về lịch sử thành Chà Bàn (Đồ Bàn) do vương quốc Champa xây dựng từ thế kỷ 10. Tài liệu của Tổng đốc Bình Phú quan phòng Phan Huy Dũng và Trần Tiến Hối (nhà Nguyễn) mô tả Thành Chà Bàn như sau:

“Thành Chà Bàn (Đồ Bàn) dựa vào núi Long Cốt để làm thế vững. Thành hình vuông rộng hơn 10 dặm mở bốn cửa. Xây bằng gạch, rào gỗ, tuy không có hào rãnh mà vẫn kiên cố. Trong thành có các thắng cảnh như tháp Tiên Sí, gác Thiên Lan”.

Qua rất nhiều đợt khai quật khảo cổ, các chuyên gia nhận định hai tòa thành của hai vương triều cách nhau hơn 300 năm với hai tên gọi: Đồ Bàn (thời Champa) và Hoàng Đế (thời Tây Sơn), cùng giữ vai trò kinh đô trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định.

Dưới thời kinh đô Đồ Bàn - Vijaya, nhiều lần bị chiến tranh tàn phá. Kinh đô liên tục được tu bổ, phục hồi, xây dựng ở nhiều thời điểm khác nhau, dấu tích kiến trúc xây dựng trước và di tích kiến trúc xây dựng sau chồng xếp lẫn lộn.

Sau hơn 300 năm hoang phế, thành Đồ Bàn được Nguyễn Nhạc cho tu sửa lại, định đô và lập ra vương triều Thái Đức. Ngoài việc mở rộng quy mô, đào đắp kiên cố, nhiều công trình kiến trúc được xây dựng trên nền đất cũ, trở thành đại bản doanh của bộ chỉ huy quân đội Tây Sơn.

Từ thành Hoàng Đế, từng xuất phát hàng loạt các đợt tiến công của quân Tây Sơn lật đổ chúa Nguyễn ở Đàng Trong, vượt biển vào Nam đánh trận Rạch Gầm - Xoài Mút. Cũng từ thành Hoàng Đế, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã tiến công ra Bắc lật đổ chúa Trịnh, đánh tan 29 vạn quân Thanh.

Năm 1799, Nguyễn Ánh chiếm thành Hoàng Đế, đổi tên gọi là thành Bình Định. Chưởng hậu quân Võ Tánh và Lễ bộ thượng thư Ngô Tùng Châu được giao trấn thủ. Năm 1800, quân Tây Sơn vây hãm thành, Ngô Tùng Châu uống thuốc độc tự vẫn, Võ Tánh tự thiêu ở lầu Bát Giác, quân Tây Sơn chiếm lại thành công.

Năm 1801 khi Phú Xuân thất thủ, quân Tây Sơn bỏ thành Hoàng Đế. Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi, kinh đô Hoàng Đế bị triệt hạ để xây dựng trấn thành Bình Định. Năm Gia Long thứ 7, trấn thành Bình Định dời về hai thôn Kim Châu và An Nghĩa thuộc Tuy Viễn (cách thành Hoàng Đế 3km về phía Nam).

Khi xây trấn thành Bình Định, nhà Nguyễn đã tận dụng vật liệu đá ong tháo dỡ từ thành Hoàng Đế. Để tưởng nhớ hai trung thần Võ Tánh và Ngô Tùng Châu, nhà Nguyễn cho xây lăng mộ Võ Tánh và đền Song Trung ngay trên nền cung điện của hoàng đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc. 

Dấu tích kinh đô xưa

PGS.TS Lê Đình Phụng - Viện Khảo cổ học, cho biết: Vương triều Tây Sơn chỉ tồn tại trong vòng 25 năm. Tuy nhiên, với những di vật phát hiện được tại hố khai quật ở Tử Cấm Thành cho thấy, nhà Tây Sơn đã có đóng góp đáng kể về mảng kiến trúc văn hóa - một lĩnh vực lâu nay ít được đề cập và đầu tư nghiên cứu có hệ thống hoàn chỉnh.

Trải qua những biến loạn lịch sử, hiện nay trong khuôn viên Tử Cấm Thành và thành Hoàng Đế vẫn còn lưu giữ nhiều dấu tích của vương quốc Champa, triều đại Tây Sơn và thời nhà Nguyễn. Các kiến trúc của các thời kỳ nằm đan xen tạo nên sự phong phú và nét đặc trưng của di tích.

Theo PGS.TS Lê Đình Phụng – Viện Khảo cổ học, thành Hoàng Đế nguyên là một tổng thể kiến trúc hình chữ nhật, gồm ba vòng thành: Thành Ngoại, Thành Nội và Tử Cấm Thành.

Thành ngoại có chu vi là 7.400m, hiện phần còn lại của tường thành cao từ 3 – 6m. Trên mặt bờ thành phía Nam còn lưu giữ hai thanh đá cắm thẳng đứng cao 3m, đó là dấu tích thành Đồ Bàn của người Champa. Đến nay, các chuyên gia vẫn chưa xác định được ý nghĩa của hai thanh đá đó đối với kinh đô Đồ Bàn.

Thành Nội còn được gọi là Hoàng Thành có hình chữ nhật chu vi 1.600m, dài 430m và rộng 370m. Thành Nội bị phá hủy hoàn toàn, hầu như không còn gì, những dấu vết còn lại cho thấy tường thành được xây bằng đá ong và đắp đất.

Có 3 cửa ở 3 mặt Nam, Đông, Tây, cửa chính hướng về phía Nam gọi là cửa Tiền. Trước cửa Tiền hiện còn hai tượng voi đá gồm một voi đực và một voi cái.

Số liệu ghi chép của Viện Khảo cổ học cho thấy: Voi cái cao 1,7m, dài 2,2m, thân rộng 0,7m được tạc trong tư thế tĩnh, mang bành và đồ trang sức thể hiện những yếu tố của nghệ thuật Champa.

Voi đực cao 2m, dài 2,2m, thân rộng 1m tạc trong tư thế động, vòi uốn cong như đang nhổ một vật gì đó. Đây được cho là hai tượng voi thể hiện dạng tượng tròn có kích thước lớn nhất của người Champa còn tồn tại.

Với các giá trị rõ nét từ thành Đồ Bàn – Hoàng Đế, nơi từng hai lần được chọn làm kinh đô. Ngày 23/6, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt đồ án quy hoạch khu vực thành Hoàng Đế, nhằm hướng tới phát huy các giá trị di tích, phát triển khu vực xung quanh các di tích gốc.

Theo đồ án này, quy mô lập quy hoạch rộng 480,5ha. Trong đó, khu vực đất có di tích gốc (rộng 85,6ha) được thực hiện quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Khu vực đất ở rộng 81ha, nằm phân tán trong khu vực lập quy hoạch, là làng xã truyền thống được chuyển đổi sang mô hình làng nghề. Ngoài ra, đồ án quy hoạch còn có đất công viên văn hóa, đất công trình hạ tầng kỹ thuật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.