"Cao bồi thôn” đập phá nhà chùa
Báo Giáo dục và Thời đại nhận được đơn phản ánh của nhà sư Thích Thanh Tâm - trụ trì chùa Vàng (địa chỉ thôn Vàng, xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội) cùng nhiều phật tử thôn Vàng về việc vào khoảng tháng 12/2020, vườn cây cảnh có giá trị cao, tường bao của chùa bị một nhóm người ngang nhiên chặt phá, lấn chiếm khuôn viên chùa trái pháp luật.
Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại, nhà sư Thích Thanh Tâm cho biết: Đình - chùa Vàng được công nhận là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1995. Chùa nổi tiếng với nhiều mảng chạm khắc đẹp và có tượng cổ. Chùa Vàng có từ thời Lê với nhiều bia đá. Trong đó bia sớm nhất có niên đại Long Đức 1734.
Ngày 22/1/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho chùa Vàng với diện tích 2.761,3m2.
Hiện nay, khuôn viên chùa gồm các công trình như: nhà Tam Bảo 3 gian, nhà Tổ 1 gian, nhà Mẫu 3 gian, hậu đường 9 gian, nhà khách. Ngoài ra, còn có một khu đất trống được xây tường bao quanh trong đó có một nhà kho nhỏ diện tích 23m2 đang được chùa sử dụng và một phần được chùa sử dụng để trồng cây xanh.
Tuy nhiên, ngày 9/12/2020, một nhóm người dân theo chỉ đạo của trưởng thôn Vàng đã đến chặt phá cây xanh trong khuôn viên chùa. Chưa dừng lại, ngày 11/12/2020 nhóm người này tiếp tục đập phá tường bao quanh khuôn viên thuộc đất chùa được Nhà nước giao, rồi tự ý xây tường giật lùi vào phía trong, lấn chiếm hàng trăm mét vuông diện tích đất chùa Vàng.
Theo nhà sư Thích Thanh Tâm, khi xảy ra vụ việc diện tích đất, tường bao, cây cảnh của chùa Vàng bị xâm hại, nhà chùa đã làm đơn gửi tới công an xã Cổ Bi và UBND huyện Gia Lâm nhưng đến nay nhóm người tự ý chặt phá cây, xâm hại đất nhà chùa vẫn chưa bị xử lý!?
“Khi tường rào, đất chùa và cây xanh chùa Vàng bị xâm phạm, có cán bộ của xã Cổ Bi đã đến chùa gặp tôi và nói nên nhường đất để làm đường. Nhưng tôi trả lời, nếu đất chùa là của riêng nhà tu hành thì tôi sẽ đồng ý. Nhưng đây là đất của di tích và TP Hà Nội đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên các vị cứ đi gặp người có thẩm quyền” – sư Thích Thanh Tâm cho hay.
Sư Thích Thanh Tâm cho biết thêm: “Nếu là chủ trương của UBND TP Hà Nội thu hồi đất của nhà chùa để làm đường thì không ai được phép chống đối, tôi cũng như các phật tử xã Cổ Bi hết sức ủng hộ nhưng phải có văn bản pháp lý rõ ràng về việc này vì toàn bộ diện tích chùa Vàng đã được cấp sổ đỏ, tôi được giao sử dụng, trông coi. Nhưng từ đó đến nay nhà chùa chưa nhận được bất cứ văn bản nào liên quan đến việc thu hồi…”.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Để làm rõ những phản ánh nêu trên, ngày 3/3/2021 Báo Giáo dục và Thời đại đã có buổi trao đổi với bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Bi. Tại buổi trao đổi này, bà Hạnh cho biết: UBND xã Cổ Bi đã nắm được sự việc và đã nhiều lần xuống lập biên bản về sự việc, xã cũng báo cáo huyện để xin ý kiến.
“Khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã yêu cầu người dân phải dừng lại việc tiếp tục lấn chiếm, xâm phạm di tích chùa Vàng…”, bà Hạnh cho biết.
Khi phóng viên đề nghị bà Hạnh cung cấp những biên bản do xã lập thì vị này lấy lý do Chủ tịch UBND xã đi vắng do vậy không thể cung cấp!?
Theo sư thầy Thích Thanh Tâm, sau khi tường bao của nhà chùa bị phá, nhóm người do trưởng thôn Vàng chỉ đạo đã đập phá tường bao và chặt phá nhiều cây cảnh có giá trị.
Ước tính thiệt hại của chùa Vàng sau khi bị xâm phạm lên tới cả trăm triệu đồng, gồm: Gần 80m tường bao cao 1,5m xây bằng gạch trị giá khoảng 50-60 triệu đồng; 2 cây long não, 3 cây xanh, 2 cây sấu, 2 cây hoa sữa, 1 cây cau vua và nhiều cây khác với tổng giá trị khoảng trên 50 triệu đồng.
Khi phóng viên hỏi bà Hạnh, ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại của nhà chùa, bà phó chủ tịch xã cũng chỉ trả lời chung chung là sẽ xin ý kiến lãnh đạo!
Ngày 8/3/2021, ông Trương Văn Học - Phó chủ tịch UBND huyện Gia Lâm ký văn bản gửi sư thầy Thích Thanh Tâm, ngày 8/3/2021, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành các văn bản cụ thể như sau:
Công văn số 508/UBND-TNMT yêu cầu UBND xã Cổ Bi tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn; yêu cầu dừng thi công việc cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường thôn Vàng, đồng thời thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm phát sinh (nếu có).
Công văn số 509/UBND-TNMT gửi Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị trả lời về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CU 341941 với diện tích 2.761,3m2 cho chùa Vàng, xã Cổ Bi.
Như vậy, sau khi việc chùa Vàng bị xâm phạm trái pháp luật, diện tích đất bị lấn chiếm, tài sản bị hủy hoại thì chính quyền xã Cổ Bi và huyện Gia Lâm vẫn chưa làm rõ được trách nhiệm của những người liên quan.
Có thể nói, cách làm việc “mập mờ”, không tuân thủ các quy định pháp luật của chính quyền xã Cổ Bi khiến phật tử và người dân tại xã này hết sức lo lắng, băn khoăn. Liệu ngôi chùa cổ kính, nơi phật tử thường ngày đến bái Phật, lạy Mẫu có tiếp tục bị đập phá trái pháp luật nữa hay không?
Báo Giáo dục và Thời đại sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.