GS-TSKH Đỗ Đức Thái, Tổng chủ biên chương trình môn Toán mới, Tổng chủ biên sách giáo khoa Toán - bộ Cánh Diều nhấn mạnh: "Tác giả phải quan tâm đến việc làm sao để học sinh có thể biết và tự làm? Từ đó giúp học sinh tự mình khám phá, tự mình kiến tạo nên tri thức. Đặc biệt phải biết vận dụng kiến thức, kĩ năng để giải quyết những vấn đề của thực tiễn".
Đây cũng là ý đồ xuyên suốt quá trình biên soạn bộ sách giáo khoa Cánh Diều.
Các bài học trong sách giáo khoa Cánh Diều đều gắn với tình huống thực tế, chuyển từ dạy học sinh làm sang học sinh tự làm, để tìm ra được năng lực của bản thân.
Sách giáo khoa lớp 7, lớp 10 bộ Cánh Diều có nội dung bám sát, tuân thủ một cách tuyệt đối các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chương trình tổng thể đặt ra những yêu cầu hết sức rõ ràng về các năng lực cần phát triển của học sinh cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Ngoài ra, chương trình còn hướng tới phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Sách quán triệt tinh thần giảm tải mà Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo trong nhiều năm qua, đó cũng là mong mỏi của nhiều giáo viên, học sinh cũng như phụ huynh học sinh. Bộ sách thực hiện những yêu cầu tích hợp để giảm tải một cách đáng kể những nội dung thừa, không cần thiết, không đưa vào những nội dung có tính chất hàn lâm, khó đối với học sinh.
"Chỉ với nội dung tinh giản thì mới cho phép thầy cô dạy học phát triển năng lực toán học cho học sinh trong từng tiết học. Đồng thời vẫn đáp ứng đầy đủ yêu cầu cần đạt mà chương trình quy định" - GS Đỗ Đức Thái nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, sách giáo khoa Cánh diều còn có sự độc đáo, đặc sắc ở chỗ không chỉ cung cấp những nội dung dạy học mà còn hướng dẫn giáo viên, học sinh cách thức học tập và phương pháp học tập hiệu quả. Đặc biệt là phương pháp đọc, viết, nói, nghe.
Bên cạnh những bài học chính, sách còn thiết kế một sổ tay hướng dẫn đọc, là cẩm nang để học sinh áp dụng vào học tập, với nội dung giúp học sinh tự đánh giá kết quả học tập của mình trong từng bài học, học kì.
"Qua một số tiết dạy thực nghiệm với bộ sách giáo khoa Cánh Diều, các thầy cô nghiên cứu đều có đánh giá là chương trình sách đã được giảm tải và các nội dung.
Sách giúp giáo viên dễ dàng tổ chức các hoạt động giúp học sinh tiếp cận kiến thức, hình thành kiến thức, chủ động để tìm tòi ra kiến thức mới và quan trọng nhất là sau khi học thì học sinh sẽ dễ dàng áp dụng kiến thức vừa học để giải quyết các vấn đề thực tiễn - Cô Nguyễn Khánh Vân, Phó Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Tri Phương (Hà Nội) nhận xét.
Cánh diều là bộ sách giáo khoa xã hội hóa đầu tiên thực hiện Nghị quyết của Đảng và Quốc hội về đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông (4 bộ còn lại đều của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam). Bộ sách Cánh Diều là sản phẩm hợp tác giữa NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh, Công ty đầu tư xuất bản-thiết bị giáo dục Việt Nam.
Bộ sách giáo khoa Cánh diều được xây dựng với mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng, đó là xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp với quan điểm biên soạn thống nhất, xuyên suốt là “mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống”, giúp học sinh có điều kiện tốt hơn để phát triển năng lực và phẩm chất.