Công trình nghiên cứu được báo cáo trên tạp chí Nature Neuroscience cảnh báo mọi người nên trung thành với sự thật vì nếu không, hậu quả sẽ ngày càng nghiêm trọng.
Quá trình phân tích ảnh não ở nhóm tình nguyện viên từng cho thấy phản ứng cảm xúc mạnh mẽ trong tâm trí của họ khi nói dối lần đầu tiên trong một trò chơi phỏng đoán, nhưng tác dụng này giảm dần theo thời gian.
Và, mặc dù người chơi ban đầu có xu hướng nói dối tương đối ít, họ dần trở nên không đáng tin, thể hiện qua hành động lừa gạt người chơi khác vì lợi ích riêng.
Thành viên của nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Tali Sharot từ Đại học College London, cho biết: “Trong cuộc sống, bạn dễ dàng nhận ra: những hành vi nhỏ của sự không trung thực sẽ phát triển theo thời gian và ngày càng lớn hơn.
Cho dù đó là trốn thuế, ngoại tình, dùng doping trong thể thao, làm giả dữ liệu trong khoa học, gian lận tài chính, những người gian dối có thể nhớ lại những hành vi nhỏ của sự không trung thực tăng tiến theo thời gian, và rồi họ đột nhiên tỉnh ngộ sau khi phạm sai lầm nghiêm trọng”.
Cô Tali so sánh tác động “thích ứng cảm xúc” trên với phản ứng “miễn nhiễm” khi một người quen dần với thể loại phim ảnh kinh dị. Dù dường như còn nhiều lý do đằng sau sự thay đổi, các nhà khoa học nghi ngờ về một quá trình thay đổi vật lý trong não.
Để kiểm chứng, nhóm 80 tình nguyện viên bắt đầu thực hiện trò chơi được thiết kế để kiểm tra tính trung thực. Họ phải ước tính số lượng đồng xu đang ở trong lọ để sẵn và sau đó trao đổi con số trong suy nghĩ với một người cùng chơi đứng cách đó xa hơn (khó ước lượng số xu trong lọ hơn).
Trong một số trường hợp, người chơi sẽ được hưởng lợi về tài chính nếu con số phỏng đoán của cả hai gần đúng với đáp án thực tế. Ngược lại, trong vài lần, người chơi sẽ được lợi nếu đối tác của họ đưa ra câu trả lời sai nhiều hơn.
Qua thử nghiệm, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, đầu tiên, người chơi sẵn sàng nói dối “chút chút”, nhưng điều này dần leo thang trong quá trình chơi.
Hình ảnh não của nhóm đối tượng qua máy quét MRI cho thấy khu vực não liên quan đến cảm xúc, hạch hạnh nhân (amygdala) ban đầu phản ứng mạnh mẽ với lời nói dối, lại ngày càng “chai lì” theo thời gian. Sự suy giảm lớn trong phản ứng này cũng liên quan mật thiết đến những lời nói dối đặc biệt nghiêm trọng.
Cô Tali nhận xét: “Khi chúng ta nói dối vì lợi ích cá nhân, hạch hạnh nhân tạo ra cảm giác tiêu cực làm hạn chế mức độ lời nói dối. Tuy nhiên, phản ứng này mất dần khi chúng ta tiếp tục nói dối, dẫn đến quá trình “tuột dốc không phanh” của lòng trung thực kèm theo biểu cảm “xạo không chớp mắt”.
Đồng nghiệp của Tali, tiến sĩ Neil Garrett, cho biết quá trình tương tự cũng có thể ảnh hưởng đến các hành vi khác: “Giới chuyên môn cho rằng, hạch hạnh nhân tạo ra tín hiệu ác cảm đối với hành vi mà chúng ta xem là sai hoặc vô đạo đức. Vì vậy, nguyên tắc tương tự cũng sẽ dẫn đến sự chấp nhận hành vi tội phạm hay bạo lực”.
Chỉ vài người trong các nghiên cứu thể hiện hành vi tương đối trung thực và duy trì được thói quen đó. Do vậy, theo tiến sĩ Garrett, những hành vi gian dối là mảnh ghép cho mối nguy hại to lớn hơn.