Cảnh tượng trước mắt là thi thể anh A Nhi chẳng còn nguyên vẹn, một số người khác nằm dưới nền đất kêu khóc với chi chít vết thương trên cơ thể… Vụ nổ để lại nỗi đau cả về tinh thần lẫn thể xác cho những người ở lại.
Can ngăn chẳng thành
Trong căn nhà nhỏ ở cuối thôn Kon Đao Yốp (xã Đăk Long, huyện Đăk Hà, Kon Tum) nhiều bà con, làng xóm đến để chia buồn, động viên trước sự mất mát của gia đình ông A Tu khi người con rể là A Nhi (24 tuổi) cùng cháu ngoại A Phước mới lên 3 tử vong sau vụ nổ đầu đạn.
Vụ nổ xảy ra đã mấy ngày nhưng khoảng sân trước nhà ông A Tu vẫn còn hố sâu như lòng chảo, cửa kính vỡ vụn. Thân cây xoài cách đó không xa bị băm nham nhở do mảnh đạn văng trúng và rất nhiều vết máu trên tường nhà…
Bà Y Dung (55 tuổi), hàng xóm của A Nhi bảo rằng, chiều 25/3, mọi người thấy ông A Tu (56 tuổi) cùng con gái là Y Khung (22 tuổi) và con rể là A Nhi từ trên rẫy trở về.
Khi đó, A Nhi mang theo quả đạn có chiều dài khoảng 30 cm. Khi biết A Nhi định mang quả đạn về nhà đập, nhiều người có ý can ngăn nhưng bất thành. Đến hơn 16 giờ, xóm giềng tá hoả khi nghe tiếng nổ vang trời kèm theo rung chấn. Người dân vội chạy đến nhà ông A Tu thì thấy nhiều người nằm sõng soài trên mặt đất, máu vương vãi khắp nơi.
Cách nhà ông A Tu vài bước chân, ông A Tho, Bí thư Chi bộ thôn Kon Đao Yốp vẫn chưa hết bàng hoàng.
“Buổi chiều, tôi đang ngồi nghỉ ngơi, uống nước trước nhà thì nghe tiếng nổ lớn phát ra với cột khói bốc lên cao kèm tiếng la, khóc. Tôi vội chạy sang nhà A Tu thì thấy cảnh tượng hãi hùng với một hố sâu ở giữa sân.
Xung quanh đó, người nhà ông A Tu nằm la liệt, riêng A Nhi đã tử vong với thân thể chẳng còn nguyên vẹn, quần áo cháy xém. Mọi người trong xóm liền hô hoán nhau đưa những người bị thương đi cấp cứu”, ông A Tho nhớ lại.
Mặc dù được đưa đi cấp cứu, nhưng cháu A Phước, con trai A Nhi chẳng thể qua khỏi vì vết thương quá nặng. Còn A Khung (vợ A Nhi), A Tiến (12 tuổi, con ông A Tu) và A Thuận (12 tuổi, cháu ngoại ông A Tu) bị thương nặng đang được cấp cứu tại bệnh viện. Riêng ông A Tu bị thương nhẹ. Vụ nổ đầu đạn khiến 2 người tử vong và 4 người bị thương là nỗi đau, mất mát to lớn về tinh thần, vật chất đối với gia đình ông A Tu.
Ông A Tho bảo rằng, gia đình A Nhi thuộc diện hộ nghèo tại địa phương. Mồ côi từ nhỏ nên sau khi lập gia đình, A Nhi về nhà ông A Tu ở rể. Những năm qua, A Nhi luôn là một người hiền lành, chăm chỉ làm ăn và thương yêu vợ con.
Thế nhưng không ngờ tai hoạ lại ập đến, khiến cuộc sống khó khăn lại càng khốn khổ hơn. Để gia đình ông A Tu vượt qua nỗi đau, khó khăn trước mắt mỗi hộ dân trong làng quyên góp 20.000 đồng để giúp lo hậu sự.
“Nhà A Nhi chỉ chừng 40 m2 thôi, cả 8 người chui rúc trong đó. Nhà nghèo nó nhặt đầu đạn về lấy thuốc nổ để đánh cá nuôi vợ. Ai ngờ tai hoạ ập đến. Gia đình A Nhi khó khăn, chẳng có bảo hiểm trong khi chi phí chữa trị tại bệnh viện rất cao.
Bà con, láng giềng kinh tế cũng chỉ đủ ăn nên hỗ trợ được một phần nhỏ. Mong các nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ để gia đình vượt qua khó khăn trước mắt”, ông A Tho bộc bạch.
Hố sâu như lòng chảo còn sót lại giữa sân sau khi đầu đạn phát nổ. |
Nước mắt người ở lại
2 ngày sau vụ nổ, nằm trên giường bệnh với ánh mắt thất thần, cơ thể chi chít vết thương, chốc lát chị Y Khung lại lau nước mắt. Sức ép từ vụ nổ khiến tai chị Y Khung còn ù, chẳng thể nói chuyện nhiều.
Chị Y Khung kể: Vừa ở trên rẫy về, A Nhi đã mang rựa rồi gõ vào đầu đạn ở trước sân nhà. Thời điểm đó, con trai út của chị là A Phước đang xem điện thoại cùng với A Tiến và A Thuận. Còn chị Khung và người cha A Tu đang nghỉ ngơi, chuẩn bị cho bữa cơm chiều cách đó không xa.
“Mình nghe tiếng nổ lớn, nhà cửa rung chuyển và cơ thể đau nhức. Khi nhìn sang thì thấy cơ thể chồng chẳng còn nguyên vẹn. Người cha, em trai, cháu và con thì nằm trên nền nhà với vô số vết thương. Mình chỉ biết la khóc, kêu cứu để mọi người giúp đỡ.
Giờ đây chồng và con trai út mất, 4 người bị thương, mình đau xót lắm. Con mình còn quá nhỏ, mình thương lắm. Mình vừa tức, giận vừa thương chồng mình. Anh ấy hiền lắm, thương vợ, thương con và chỉ lo làm ăn thôi”, chị Y Khung nói rồi bật khóc.
Ngày 27/3, bác sĩ Võ Văn Thiện, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết, sau khi tiếp nhận các bệnh nhân trong vụ nổ đầu đạn, đơn vị đã nhanh chóng chuyển mổ cấp cứu. Trong đó A Tiến bị chấn thương sọ não dù được mổ nhưng vẫn còn phù não.
Còn A Thuận bị đa chấn thương, trong đó có nhiều vết thương thủng ruột vẫn còn nhiễm trùng, các dị vật, mảnh đạn sót lại nằm sâu trong cơ thể và chưa thể lấy hết ra được. Hiện tại bệnh viện vẫn đang tích cực theo dõi, điều trị cho các bệnh nhân.
Chị Y Khung bật khóc khi nhớ lại cảnh tượng hãi hùng sau khi đầu đạn phát nổ. |
Cũng theo bác sĩ Thiện, các bệnh nhân đều thuộc hộ nghèo nên đơn vị sẽ tạm thời hỗ trợ chi phí điều trị trong khả năng có thể. Hiện tại chi phí để sơ cứu, mổ cấp cứu,... từ lúc các bệnh nhân nhập viện đến nay đã lên tới 100 triệu đồng.
“Bệnh viện đang tạm thời điều trị miễn phí cho bệnh nhân, đến khi người nhà có khả năng đóng được viện phí. Chúng tôi nhất quyết không bỏ rơi bệnh nhân”, bác sĩ Thiện chia sẻ.
Khi bài báo chuẩn bị lên trang, chiều 28/3, phóng viên nhận được tin buồn, dù đã được các y bác sỹ dồn sức cứu chữa, nhưng cháu A Tiến đã không thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Nỗi đau một lần nữa đè nặng lên những người ở lại.