(GD&TĐ) - Hiện nay, nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng và băn khoăn trước tình trạng con em họ đang chìm trong thế giới ảo của game online. Giờ đây không chỉ những bà mẹ khóc mà những ông bố cũng khóc vì con nghiện game! Có nhiều ý kiến trái chiều nhau, người cho rằng để con “cai nghiện” game cần áp dụng biện pháp mạnh “thương cho roi cho vọt” nhưng cũng có người nói biện pháp này không tác dụng.
Cạn nước mắt vì con
Một người cha ở Đắk Nông đã “cạn” lời khuyên, lời dạy với hai đứa con và đành phải mang tiếng ác là bắt phạt chúng bò từ tiệm Internet về nhà. Một người chú ở P.10, Q. Tân Bình, TP.HCM cũng hết cách trước đứa cháu ngày càng “sa lầy” vào thế giới ảo và đành lòng bắt cháu của mình đeo tấm bảng trên ngực “tôi là thằng ăn cắp” đứng ngoài lề đường vì hành vi trộm cắp để chơi game. Chắc rằng không có người làm cha, làm mẹ, làm chú nào mà không cảm thấy đau trước cảnh con em mình bị phạt như thế. Nhưng họ đều thú nhận một thực tế rằng họ đã hết cách, từng áp dụng nhiều biện pháp từ mềm mỏng cho đến cứng rắn mà chưa thể “dứt” con em mình ra khỏi thế giới ảo.
Trẻ em trong một tiệm internet (Ảnh chỉ mang tính minh họa) |
Có thể thấy trước đây không lâu, hầu như các bậc phụ huynh vẫn còn cách giáo dục con em mềm mỏng và chưa đến nỗi mạnh tay như hiện nay và hành động của người cha và người chú nói trên là đỉnh điểm. Một số người tỏ ra đồng tình với cách hành xử này. Anh Nguyễn Ngọc Thanh ở phường Phước Long B, Q.9, TP.HCM cho biết: “Khi những đứa trẻ còn nghe lời bố mẹ và chịu hình phạt như vậy thì nghĩa là còn chưa quá muộn. Mọi gia đình cần nghiêm khắc, thậm chí hà khắc trong việc giáo dục con trẻ khi còn có thể. Sự giáo dục, hình phạt của gia đình dù hà khắc tới đâu, cũng tốt hơn là để đến khi trẻ phải nhận hình phạt của xã hội!”.
Và chính ông bố trên cũng đau lòng thú nhận rằng: “Thà tôi mang tiếng ác với con hơn là sau này vì nghiện game mà chúng dang dở học hành hay phạm tội!”.
Câu chuyện về game online đã được đưa ra mổ xẻ trước công luận nhiều lần, nhiều người cùng tham gia hiến kế và không ít điều luật được đưa ra thực thi. Nhưng thực chất game online vẫn âm thầm hoạt động bất kể ngày đêm, các em vẫn lao vào luyện game, mua vũ khí, đâm chém và chìm trong thế giới ảo…
Đã đến lúc cần dấy lên hồi chuông báo động về tình trạng thanh thiếu niên, đặc biệt là học sinh nghiện game online. Giờ đây để giải quyết vấn đề này không chỉ ở phạm vi gia đình mà cần có sự chung tay của toàn xã hội.
Cậu bé này trộm cắp xe để chơi game nên bị chú phạt đeo bảng “tôi là thằng ăn cắp” |
Mềm mỏng hay cứng rắn?
Làn sóng dư luận trước cách phạt con bò của ông bố và người chú bắt cháu ruột mang trên ngực tấm bảng “tôi là thằng ăn cắp” bắt đầu nổi lên. Nhiều bậc phụ huynh cùng cảnh ngộ với ông bố và người chú kia, bao lần khóc hết nước mắt, khuyên đến hết lời mà con em họ vẫn trơ trơ, cứ thoát ra khỏi nhà là lao vào chơi game. Vậy phải làm gì khi dùng biện pháp nhẹ, mềm mỏng không hiệu quả? Cách còn lại là dùng biện pháp mạnh. Nhiều người chia sẻ rằng biện pháp mạnh đã phát huy hiệu quả, “đánh thật đau” một vài lần sẽ chừa nhưng cũng không ít người nói rằng “không ăn thua”, xong rồi chúng lại sẽ tái phạm. Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ quan điểm “hãy đặt mình vào vị trí của con”, phạt con như thế sẽ làm tổn thương lòng tự trọng, làm con mặc cảm, chai lì,… Bác Nguyễn Anh Thắng- cán bộ về hưu cho biết: “Tôi nghĩ, ta có thể dạy chúng bằng mọi cách theo quyền làm cha mẹ nhưng cách bắt con bò ngoài đường thì không ổn vì dễ gây tổn thương trong lòng con trẻ. Theo tôi nên đóng cửa trong nhà mà phạt, hoặc đánh hoặc khuyên giải cho chúng hiểu. Có thể sưu tầm những bài báo nói về những hậu quả không hay do nghiện game gây nên để ở nhà cho chúng đọc. Tôi mong rằng sau sự việc này các con sẽ hiểu được nỗi lòng của bố mẹ mà cố gắng học”.
Trong gia đình, người mẹ thường xuyên gần gũi với con cái nên sẽ gánh trách nhiệm khi con nghiện game. Song rất nhiều bà mẹ phải bó tay, bất lực. Thế là đến trách nhiệm của cha. Không ít người cha dù cứng rắn cũng rơi nước mắt vì bất lực nhìn con nghiện game. Anh Phạm Trùng Dương, từ Cà Mau lên TP.HCM làm việc tại Công ty Xi măng Hà Tiên, Q. Thủ Đức, chia sẻ: “Trước đây, tôi cũng có đứa con trai nghiện game. Sau thời gian suy nghĩ thật kỹ, tôi nghĩ mình làm cũng chỉ để nuôi cho con khôn lớn. Nếu để con hư hỏng thì làm việc còn ý nghĩa gì nữa. Vậy là tôi quyết định nghỉ việc để bắt đầu ăn cùng con, ngủ cùng con, học cùng con. Ngày ngày, tôi đưa cháu đi học rồi ngồi luôn ngoài cổng trường đón cháu về, đi học thêm thì con học, còn cha ngồi ngoài uống nước. Đúng một tháng, con tôi tự nói: ‘Ba đi làm đi, con hết thích chơi game rồi’. Sau đó tôi để cháu đi một mình, và quả thật cháu không còn chơi game nữa!”.
Hai anh em nghiện game bị bố phạt bò từ tiệm net về nhà |
“Cách nào để phụ huynh giúp con em xa rời game online và cách giáo dục con để tránh khỏi nghiện game online. Nên biết chấp nhận thực tế là con đang nghiện game để dễ dàng thông cảm và chia sẻ với con. Chịu khó dành thời gian trò chuyện cùng con. Hướng con tham gia vào các hoạt động cộng đồng hay cùng con đến những nơi vui chơi tập thể cũng là cách giúp con tránh xa với thú vui nghiện game. Nếu tình hình nghiện game của trẻ nghiêm trọng thì cha mẹ cũng có thể đưa trẻ đến các trung tâm tư vấn hay cho con tham gia các lớp học cai nghiện game cũng là một giải pháp tốt để giúp trẻ. Điều cuối cùng các bậc cha mẹ hãy cố gắng trở thành một người bạn để hiểu và chia sẻ cùng con mọi khi con cần” - Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Hữu Long chia sẻ.
Còn chị Phạm Kim Chi làm nghề bán tạp hóa ở Q.3 cho biết thêm: “Đặt ở vị trí những phụ huynh có con nghiện game online, tôi rất hiểu và thông cảm. Nhưng tôi nghĩ, các phụ huynh phải dạy các cháu ngay từ nhỏ để các cháu ý thức được những gì nên làm, không nên làm. Từ nhỏ, trẻ phải biết sợ, biết nghe lời, nếu không thì sau này sẽ rất khó dạy”.
Thực tế, trẻ rất cần có trò chơi và sân chơi lành mạnh nhưng sân chơi cho trẻ còn rất ít và chưa đáp ứng nhu cầu. Thiếu trò chơi, thiếu người tâm sự, thiếu thốn sự yêu thương, san sẻ thì trẻ sẽ tìm trò chơi khác bên ngoài- và game online là thứ dễ thu hút trẻ nhất. Thiết nghĩ mỗi phụ huynh chúng ta cần phải bình tâm suy nghĩ, muốn con bỏ game online trước hết phải xem lại điều kiện sống của gia đình.
Thạc sĩ NguyỄn HỮu Long- Giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm TW TP.HCM: Phụ huynh nên hành xử như thế nào khi con nghiện game hoặc mê chơi game? Trước hết cần tìm hiểu nguyên nhân trước khi đưa ra bất cứ cách hành xử nào vì nếu thiếu thông tin thì chúng ta dễ dàng đưa ra các giải pháp bất hợp lý. Khi đã tìm thấy nguyên nhân thì ngay lập tức thảo luận cùng trẻ để giúp trẻ hiểu ra vấn đề. Mặt khác, những người thân trong gia đình cần thống nhất cách “cai nghiện” cho con trẻ để giúp con không cảm thấy bị rối vì án phạt dành cho mình. Việc đánh đập hay trừng phạt không phải là biện pháp hữu hiệu giúp con tránh xa game. Một khi con người đã nghiện rồi thì những thứ đó đều trở nên không có giá trị và việc đánh đập chỉ làm vấn đề thêm tồi tệ chứ không giải quyết được vấn đề. Điều cần lưu ý là hãy xem con là bạn để dễ dàng tâm tình và thấu hiểu con cái hơn. Đừng để con thừa thải vật chất, dư dã thời gian mà thiếu thốn tình cảm gia đình, như thế sẽ dễ đưa con vào thế giới game một cách nhanh hơn và nguy hiểm hơn. Kiến tạo không gian đầm ấm của gia đình là việc làm tích cực giúp con cái trưởng thành và phát triển một cách tốt nhất. |
Nguyễn Quốc Ngữ