Nạn nhân chủ yếu là người trẻ tuổi và đa số là phụ nữ. Sự ra đi của họ để lại nỗi đau không dễ gì xoa dịu cho người thân ở lại.
Trong nước mắt, tay bà Philomene Aby run lên khi hỏi nhân viên tại một trung tâm cộng đồng ở Hàn Quốc tin tức về cậu con trai Masela 22 tuổi. Anh mất tích trong bối cảnh đám đông giẫm đạp ở Seoul khiến ít nhất 151 người thiệt mạng hôm 29/10.
Masela đến làm việc tại một câu lạc bộ ở khu Itaewon của thành phố vào khoảng 6 giờ chiều thứ bảy. Đó là lần cuối cùng bà Aby, một cư dân Seoul đến từ Bờ Biển Ngà, nhìn thấy con trai mình.
"Tôi đã gọi đến số máy của nó nhưng ... nó không trả lời" - bà Aby nói với hãng tin Reuters khi đang đứng tại Trung tâm Dịch vụ Cộng đồng Hannam-dong, nơi đã trở thành cơ sở tạm thời dành cho những người mất tích sau thảm họa.
Nhà chức trách thường dùng tới giấy khai sinh hoặc đăng ký nhà ở để tìm cách giúp đỡ hàng trăm người đang đau khổ tìm thông tin chi tiết về người thân của họ.
Các cán bộ tại trung tâm đã trực đường dây điện thoại khẩn cấp, thực hiện hàng trăm cuộc gọi điên cuồng để tìm kiếm người mất tích.
Một người ngã quỵ trên sàn sau khi nói chuyện với một số quan chức tại trung tâm, theo một nhân chứng của Reuters. Một bảng trắng trong văn phòng chính liệt kê số lượng cuộc gọi cập nhật mỗi giờ, tổng cộng hơn 4.100 cuộc kể từ 5:30 sáng 31/10.
"Không ai nói cho tôi biết sự thật" - bà Aby nói. Không có tin tức gì về cậu con trai, bà rời trung tâm đến Đại sứ quán Bờ Biển Ngà.
Trong một cuộc họp giao ban giữa trưa hôm qua, Bộ trưởng Nội vụ Hàn Quốc Lee Sang-min nói rằng khoảng 90% nạn nhân được xác định và các nhà chức trách vẫn đang làm việc để xác định danh tính 10% còn lại.
Ông nhấn mạnh cần nhiều thời gian hơn đối với công dân nước ngoài hoặc thanh thiếu niên chưa đăng ký với chính phủ, trong trường hợp đó họ phải trực tiếp kiểm tra với gia đình.
Một người cha đến nhận xác con gái 20 tuổi của mình tại một nhà tang lễ có liên kết với một bệnh viện ở Seoul. Ông nhận được cuộc gọi lúc 1 giờ sáng từ nhà chức trách khi họ xác định được danh tính của cô bé.
"Tin này như sét đánh giữa trời xanh" – người cha đau khổ nói.
Người đàn ông giấu tên cho biết gia đình đã yêu cầu một chiếc ô tô chuyển thi thể con về quê ngoại của họ ở ngoại ô Seoul và bắt đầu quy trình tang lễ kéo dài 3 ngày.
Một quan chức tại nhà tang lễ cho biết có ít nhất hai thi thể từ vụ giẫm đạp tại cơ sở hôm Chủ nhật. Cả hai dường như đều đến từ bên ngoài Seoul và khiến cho gia đình họ bị trì hoãn trong việc lấy hài cốt.
"Gia đình cần phải có giấy chứng nhận từ cảnh sát, sau đó chúng tôi mới có thể trả các thi thể cho họ" - quan chức trên cho biết - "Nếu gia đình muốn tìm nguyên nhân cái chết, họ có thể yêu cầu khám nghiệm tử thi, nhưng đối với những thi thể này, nguyên nhân cái chết dường như đã khá rõ ràng."
Một quan chức từ chính quyền thủ đô Seoul nói với gia đình của cô gái trẻ rằng các kế hoạch hỗ trợ gia đình nạn nhân vẫn đang được thảo luận.
"Thật đáng buồn và khó nói rằng các kế hoạch hỗ trợ cho gia đình nạn nhân vẫn chưa được quyết định" - quan chức này cho biết - "Nếu gia đình đang chuyển thi thể về quê để tổ chức tang lễ, hãy làm những gì bạn mong muốn".
Hầu hết các nạn nhân thiệt mạng trong vụ giẫm đạp đều ở độ tuổi 20 và phần lớn những người thiệt mạng là phụ nữ. Các chuyên gia cho biết họ có hình dáng tương đối nhỏ hơn và ít cơ bắp hơn so với nam giới để chống lại áp lực khi bị chèn ép.
Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, những người thiệt mạng bao gồm một học sinh trung học cơ sở và năm học sinh trung học phổ thông, tất cả đều đến từ Seoul.
Trong số 154 người chết, có 26 nạn nhân nước ngoài bao gồm 5 người đến từ Iran, 4 người đến từ Trung Quốc và Nga, 2 người đến từ Hoa Kỳ, 2 người đến từ Nhật Bản và một người đến từ Pháp, Úc, Na Uy, Áo, Việt Nam, Thái Lan, Kazakhstan, Uzbekistan và Sri Lanka.