Mục đích của triển lãm nhằm nâng cao nhận thức về sự tàn ác của tội phạm sử dụng axit và mong xã hội có cái nhìn đồng cảm, yêu thương hơn với các nạn nhân.
Từ bóng tối ra ánh sáng
Nhiếp ảnh gia Niraj Gera cho biết, để có 36 bức ảnh "gây ám ảnh", trong khoảng 3 năm, anh đã phải gặp rất nhiều nạn nhân của axit và thuyết phục họ đồng ý tham gia dự án.
"Tôi đã dành nhiều thời gian để những nạn nhân kể về câu chuyện của cuộc đời với nhiều cung bậc cảm xúc. Chúng tôi đã khóc, cười cùng nhau. Những bức ảnh không chỉ là đồ họa thị giác mà mỗi tác phẩm giống như "con" của tôi. Tôi đã ấp ủ, nuôi dưỡng cảm xúc cho từng bức ảnh trong thời gian dài", Niraj Gera chia sẻ.
Ấn Độ là quốc gia có số lượng nạn nhân bị tấn công bằng axit cao trên thế giới.
11 phụ nữ đã đồng ý chụp ảnh với mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về tội ác tấn công bằng axit ở Ấn Độ, nơi có ít vụ việc được đưa ra ánh sáng. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện đầy nước mắt của các nạn nhân. Bộ ảnh cho thấy, con đường đầy khó khăn mà các nạn nhân axit đã phải trải qua, từ cú sốc vì khuôn mặt biến dạng đến thách thức xây dựng lại cuộc sống.
Laxmi, một nạn nhân bị tạt axit từ khi mới 15 tuổi vì phản kháng lại người đàn ông lớn hơn nhiều tuổi tấn công tình dục nói rằng, cô đã phải trải qua những tháng ngày địa ngục trong cuộc sống, hãy "Stop Acid Attacks - Ngừng tấn công bằng axit".
Trong số các nạn nhân axit xuất hiện trong bộ ảnh có Geeta và con gái Neetu. Hai người đã bị chính chồng, cha của mình tấn công bằng axit. Rupali - một nạn nhân khác bị người lạ mặt tấn công ngay trong khu vực chiếu phim công cộng.
"Tôi muốn cho mọi người thấy rằng, những người sống sót sau khi bị tấn công bằng axit đã phải chiến đấu như thế nào để tiếp tục hành trình sống. Từ sự tàn phá nhan sắc, thiếu tự tin đến nỗ lực để khẳng định chính mình và tìm kiếm hạnh phúc.
Đó thực sự là cuộc hành trình từ bóng tối ra ánh sáng, từ sự thiếu hiểu biết đến hiểu biết, từ tiêu cực đến tích cực và từ đau khổ đến hạnh phúc. Những nạn nhân axit đáng được yêu thương, chia sẻ hơn là kỳ thị và xa lánh. Họ cần được xã hội chấp nhận như tất cả chúng ta.
Cuộc sống không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Trong cuộc sống có lúc thăng, lúc trầm nhưng điều quan trọng là phải luôn có nghị lực, không từ bỏ ước mơ, luôn có ý chí để vượt qua mọi thách thức vào thời điểm khó khăn nhất", nhiếp ảnh gia Niraj Gera nói.
Một trong những quốc gia có số vụ tấn công bằng axit cao nhất thế giới
Truyền thông Ấn Độ nhận định, triển lãm "The Sacred Transformation" là nỗ lực đáng ghi nhận của nhiếp ảnh gia Niraj Gera để xã hội có nhận thức đúng đắn về tội phạm tấn công bằng axit, "nhạy cảm" hơn đối với vấn đề này cũng như những nạn nhân sống sót.
Theo nhận định của các chuyên gia, số vụ tấn công bằng axit xảy ra khá thường xuyên ở Ấn Độ nhưng tỷ lệ tội phạm bị kết án vì tấn công bằng axit tại quốc gia này lại thấp nhất thế giới. Vào năm 2013, Bộ Luật sửa đổi của Ấn Độ đã quy định hình phạt cụ thể với những đối tượng tấn công bằng axit.
Một bức ảnh của nạn nhân axit trong triển lãm mang tên "The Sacred Transformation".
Theo đó, tội phạm này có thể bị phạt tù ít nhất 10 năm và phạt tiền. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực thi các quy định của pháp luật còn lỏng lẻo, luật pháp chưa đi vào đời sống của nhân dân.
Theo thống kê của "Survivors International Trust" (ASTI) - tổ chức từ thiện bảo vệ nạn nhân bị tấn công bằng axit có trụ sở ở London (Anh) mỗi năm có khoảng 1.500 vụ tấn công bằng axit xảy ra nhưng trên thực tế, con số này có thể còn cao hơn.
"Nhiều vụ tấn công bằng axit đã xảy ra nhưng không được thống kê, báo cáo vì nạn nhân và gia đình sợ bị đối tượng trả thù hoặc mất niềm tin vào các cơ quan công quyền ở địa phương", một quan chức của ASTI cho hay. Cũng theo thống kê của tổ chức này, mỗi năm, ở Ấn Độ xảy ra trên 350 vụ tấn công bằng axit.