Nồi cơm ghế sắn

GD&TĐ - Ngày ấy, nhà tôi nghèo lắm. Không riêng nhà tôi nghèo mà cả làng trên xóm dưới cũng chẳng khá hơn nhưng được cái sống nghĩa tình, đạo lý. Nhà có sáu miệng ăn, vì vậy, ba mẹ tôi làm quần quật cả ngày, đầu tắt mặt tối để kiếm cái ăn, lo cho các con được cắp sách đến trường.

Nồi cơm ghế sắn

Khổ nỗi, dải đất miền Trung quê tôi lắm nắng, nhiều mưa, thừa thiên tai bão lũ. Nhà tôi lại nằm gác chân trên sườn đồi, đi đâu cũng cụng đầu vào núi. Đất đai cằn cỗi, bạc màu, vụ mùa thường xuyên thất bát. 

Để ý, tôi nghe người ta cũng thường hay nói, thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nhưng xem ra thiên thời chẳng được mấy, nắng mưa triền miên khắc nghiệt. Biết chữ thì đi khỏi, để tồn tại gia đình tôi lao động không phút ngơi nghỉ. 

Thương nhất là ba tôi, tấm lưng dù còng xuống nhưng không khi nào ông để đám đất, vạt ruộng được ngủ yên. Giọt mồ hôi của ba như tắm cả cánh đồng, nương rẫy.

Còn nhớ, sau nhà tôi là một đám đất nham nhở trơ sỏi đá, chỉ thích hợp với việc trồng chè và loại sắn ngắn ngày. Những hôm không chăn trâu, bắt ốc, bẻ măng thể nào tôi cũng cùng mẹ ra vườn giẫy cỏ, chăm sóc vạt sắn, hái lá dầm chua. 

Cả nhà tôi đều mong đợi tới vụ mùa thu hoạch, vui mừng khôn tả. Tội nghiệp bé Tí, nó cứ ôm củ sắn mà săm se, mặt mày lem luốc, thi thoảng lại đòi mẹ nướng vội củ sắn tươi nguyên vào bếp lửa rực hồng tỏa hương thơm phưng phức.

Sau khi nhổ sắn xong, mẹ tôi lột vỏ, xắt lát mỏng rửa sạch sẽ phơi khô rồi bỏ vào hũ sành đậy kín nắp để lấy độ giòn và phòng trừ họ nhà mọt. Nhà thiếu gạo nên mỗi lần nhóm bếp nấu cơm mẹ tôi không quên ghế sắn. 

Đến bữa, nhìn vào nồi tôi thấy toàn là sắn cõng cơm. Thương ba mẹ cả đời chắt chiu tảo tần, dãi gió dầm mưa, không ai bảo ai nhưng anh em chúng tôi chưa một lần đào (moi) cơm hầm ếch dù ba mẹ không cấm đoán.

Theo thời gian, ba mẹ tôi đã già, chẳng làm lụng được như xưa. Bát cơm cũng qua rồi thời ghế sắn nhưng mỗi lần bưng bát cơm lưng đầy quá khứ xưa cứ thao thức vọng về rồi nghe lòng nghẹn lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ