Trường THPT Lê Hồng Phong (Quảng Bình):

Nơi chắp cánh ước mơ cho học sinh vùng khó

GD&TĐ - Đóng chân ở 'rốn lũ' Quảng Bình, song bằng nghị lực và khát vọng vươn lên, Trường THPT Lê Hồng Phong đang từng ngày khẳng định vị thế của mình.

Lễ sơ kết năm học 2022-2023 của thầy và trò Trường THPT Lê Hồng Phong (Quảng Bình).
Lễ sơ kết năm học 2022-2023 của thầy và trò Trường THPT Lê Hồng Phong (Quảng Bình).

Chỉ có học mới mong thoát khỏi cái nghèo

Trường THPT Lê Hồng Phong, nằm trên địa phận thị xã Ba Đồn (Quảng Bình), nổi tiếng là ngôi trường có bề dày truyền thống, với lịch sử gần 60 năm hình thành và phát triển. Nhà trường đóng trên địa bàn 10 xã thuộc phía Nam thị xã Ba Đồn, với mặt bằng dân số thấp, ngành nghề chủ lực vẫn là nông nghiệp.

Cũng bởi sinh ra ở vùng đất khó nên việc học gần như là "lối thoát" của biết bao thế hệ học sinh. Vì thế, các bậc cao niên ở vùng Nam Ba Đồn luôn tự hào rằng, Trường THPT Lê Hồng Phong chính là nơi gửi gắm, nuôi dưỡng khát vọng vươn lên của chính những con người nơi đây.

Hôm chúng tôi ghé thăm trường đúng vào dịp thầy và trò nhà trường đang tất bật dọn dẹp vệ sinh để chuẩn bị cho năm học mới.

Trường THPT Lê Hồng Phong tại Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập, đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.

Trường THPT Lê Hồng Phong tại Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập, đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.

Trò chuyện cùng chúng tôi, thầy Nguyễn Khắc Thảo - Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong chia sẻ: Nhà trường được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1 năm 2013 và giai đoạn 2 vào năm 2018.

Tuy nhiên, hiện cơ sở vật chất đã xuống cấp nên nhà trường không còn đáp ứng được các tiêu chí theo quy định mới của Bộ GD&ĐT. Trong khi đó, nhà trường đóng trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, ngành nghề chủ lực của người dân vẫn là sản xuất nông nghiệp. Tuy vậy, chất lượng dạy và học của nhà trường năm sau luôn cao hơn năm trước.

Theo thầy Thảo, với bề dày truyền thống gần 60 năm, Ban giám hiệu, hội đồng sư phạm nhà trường luôn quan niệm "lấy học trò làm chủ thể". Chú trọng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy, khơi dậy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh và đặc biệt là khát vọng vươn lên của các em.

Đột phá về giáo dục mũi nhọn

Trải qua gần 60 năm phát triển, hàng vạn con em vùng Nam Ba Đồn trưởng thành từ ngôi trường mang tên Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Đặc biệt, năm học 2022-2023, đánh dấu một năm đột phá của thầy và trò Trường THPT Lê Hồng Phong, về chất lượng đại trà và mũi nhọn.

Tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT của nhà trường đạt tỷ lệ 99,78%. Đáng chú ý, nhiều môn thi có bước đột phá về mức điểm khi tăng gần 2 điểm so với năm học trước.

Những năm gần đây, Trường THPT Lê Hồng Phong nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, với việc đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất.

Những năm gần đây, Trường THPT Lê Hồng Phong nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, với việc đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất.

Về giáo dục mũi nhọn, năm học vừa qua, Trường THPT Lê Hồng Phong ghi dấu ấn với 58 giải, tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Trong đó, có 3 giải Nhất, 11 giải Nhì, 23 giải Ba, 19 giải Khuyến khích; 1 giải Ba và 1 giải Khuyến khích đồng đội. So với năm học 2021-2022, đã tăng 18 giải.

Ngoài thành tích nổi bật tại kỳ thi học sinh giỏi, Trường THPT Lê Hồng Phong còn có 2 HS giành giải Nhì tại Hội thao Giáo dục quốc phòng an ninh toàn tỉnh; 1 giải Ba đồng đội.

Tham gia giải điền kinh, bơi lội cấp tỉnh, nhà trường xếp thứ 2 ở nội dung đồng đội nam. Ở nội dung cá nhân, giành 1 HCV; 1 HCB và 4 HCĐ.

Cũng trong năm qua, nhà trường có 10 giáo viên hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và đều đoạt giải giáo viên dạy giỏi cấp THPT.

Ngoài tập trung vào giáo dục đại trà và mũi nhọn, trong năm học vừa qua, Ban giám hiệu Trường THPT Lê Hồng Phong cũng chú tâm đến hội nhập quốc tế. Năm học 2022-2023, nhà trường đã tổ chức các chuyên đề về hội nhập quốc tế cho HS và giáo viên toàn trường.

Trong đó, nhiều chuyên đề nhận được sự quan tâm như: Văn hóa và con người Quảng Bình trong thời kỳ hội nhập quốc tế; chuyên đề về Cuộc cách mạng 4.0,...

Đồng thời, phối hợp với các đơn vị tổ chức tư vấn du học cho 460 học sinh khối 12 nhằm trang bị cho các em về kiến thức du học cũng như kinh nghiệm xuất khẩu lao động.

Công tác giáo dục kỹ năng sống cho HS cũng được Ban giám hiệu Trường THPT Lê Hồng Phong đặc biệt chú trọng. Năm học vừa qua, nhà trường đã tổ chức các buổi ngoại khóa về chuyên đề giá trị sống và kỹ năng sống cho HS.

Hoạt động ngoại khóa giáo dục kỹ năng sống, tuyên truyền về pháp luật cho học sinh toàn trường.

Hoạt động ngoại khóa giáo dục kỹ năng sống, tuyên truyền về pháp luật cho học sinh toàn trường.

Phối kết hợp với Công an thị xã Ba Đồn tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, phòng chống tội phạm, giáo dục về an toàn giao thông cho HS toàn trường. Chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm cho HS ký cam kết tu dưỡng rèn luyện về đạo đức, không vi phạm pháp luật và không mắc các tệ nạn xã hội.

Nhờ vậy, kết thúc năm học 2022-2023, tỷ lệ HS toàn trường đạt hạnh kiếm Tốt chiếm gần 90%; gần 9% HS xếp loại hạnh kiểm Khá; 1,12 HS hạnh kiểm Trung bình và không có HS xếp loại hạnh kiểm Kém. Năm học 2022 - 2023, nhà trường cũng không có đơn thư, khiếu nại và tố cáo.

Bước vào năm học mới 2023-2024, Trường THPT Lê Hồng Phong tiếp tục thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực, đổi mới nội dung, phương thức kiểm tra và đánh giá HS.

Chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện chương trình, xây dựng kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của HS. Đồng thời, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lý và dạy học,...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.