Nơi cất cánh đam mê

GD&TĐ - Ngồi nhẩm tính lại, kể từ ngày tôi mon men vào làng báo, cũng đã 16 – 17 năm ròng, trong đó, dường như  duyên số, tờ báo đầu tiên gửi bài cộng tác (dù không phải là nơi đầu tiên được đăng bài), chính là báo Giáo dục và Thời đại. 

Tác giả trong chuyến công tác tại vùng cao Tây Bắc
Tác giả trong chuyến công tác tại vùng cao Tây Bắc

Kỷ niệm không lấy gì làm vẻ vang lắm, nhưng lại là động lực để tôi nuôi niềm đam mê viết lách từ  thưở  ấy, khi đang còn là cậu sinh viên năm thứ hai  - thứ ba.

Ngày đầu chập chững

Duyên số. Có lẽ cũng đúng. Giai đoạn ấy tôi vừa hết năm thứ hai đại học, chuẩn bị sang năm thứ ba ở Hà Nội. Nghỉ hè, theo anh bạn học cùng lên Nguyễn Thái Học, nơi bạn đang làm thuê cho cửa hàng quảng cáo, ngay ngã tư Nguyễn Thái Học – Lê Trực.

Lảng vảng sang Lê Trực uống nước, phát hiện ra ở đây có một tòa soạn báo (khi đó báo Giáo dục và Thời đại vẫn đóng tại 14 Lê Trực, quận Đống Đa, Hà Nội). 

Dạo ấy tôi đã tập tọe viết lách, giờ ngẫm lại toàn những thứ ba lăng nhăng, nhưng cảm tưởng đã là rút ruột rút gan để viết. Viết rồi chẳng biết gửi đâu, không dám gửi thì đúng hơn. 

Đến khi tình cờ phát hiện tòa báo này, bèn về nhà soạn một số bản thảo (viết tay), mang lên gửi. Cũng không dám đưa vào tòa soạn, chỉ dúi nhanh vào tay người bảo vệ ngoài cổng, lí nhí vài câu rồi chuồn nhanh ra xa, lấp ló cột đèn ngã tư, nhìn người bảo vệ đưa tập bảo thảo vào trong mới yên tâm ra về.

Rồi những ngày dài chờ đợi. Một tuần, hai tuần. Khi đó, báo chỉ ra tuần 3 số, không có có phụ san cuối tuần và hằng tháng như bây giờ. Mỗi khi báo ra, đều dặn bạn mua hộ cho một tờ, háo hức mở ra xem. Tất nhiên là thất vọng. 

Đến khoảng 1 tháng sau, bạn đi làm về, gọi to: Có tên mày trên báo! Tim muốn nhảy ra ngoài, chộp tờ báo lật vội. Gần hết các trang, vẫn không thấy bài mình đâu. 

Đến trang gần áp chót, có một ô chữ nhật cỡ bao thuốc lá, không nhớ tên mục là gì, chỉ nhớ nguyên câu đầu: Tuần qua, Báo GD&TĐ đã nhận được tin bài của các cộng tác viên... Tên tôi gần đầu danh mục. 

Thôi thì ít nhất cũng biết là tòa soạn đã nhận được bài của mình, khả quan đây. Thế là cắm đầu viết, cái gì cũng viết, gửi búa  xua, cũng quên bẵng mấy bài đầu tiên gửi trên báo Giáo dục và Thời đại. 

Chắc không được đăng, sau này vào báo làm càng chắc chắn hơn, bởi lẽ những cộng tác viên đã vào mục ấy, thường là an ủi, còn bài vở đã bị loại từ  “vòng gửi xe”!

Không nhớ bài viết đầu tiên được đăng trên báo Giáo dục và Thời đại là gì và khi nào, chỉ nhớ nhuận bút được 80.000 đồng, món tiền cũng đáng kể vào cuối thập niên 1990, nhất là với sinh viên như tôi khi ấy. 

Nhưng những bài báo đầu tiên khi được nhận vào làm phóng viên tập sự thì vẫn nhớ rõ. Đó là giai đoạn cuối năm 2001, tôi viết loạt bài “Điện thoại di động – Hoành tráng quảng cáo, láo nháo thị trường”.

Nghĩ gì, biết gì viết nấy, phỏng vấn cũng còn chưa biết cách, nhưng ít nhất cũng là bài viết đầu tiên ra dáng báo chí. Nhà báo Nguyễn Ngọc Chụ (Tổng biên tập khi ấy), sửa cho từng câu, đảo từng ý (bằng cách dùng kéo cắt và lấy keo dán lại từng đoạn, bởi các bản thảo vẫn phải viết tay chứ máy vi tính chưa phổ biến), rồi gợi ý: “Cháu cứ đi vào ký đi, thể tài xã hội này có thể phát huy được”. 

Được lời như cởi tấm lòng, tôi viết tiếp loạt bài: “Giời ơi chợ Giời!”, không nhớ rõ có ra ngô ra khoai gì không, chỉ nhớ hôm đó vừa đến cơ quan, nhà báo Hà Trọng Nghĩa (Trường ban Biên tập tờ 3 – 5 – 7 khi ấy, tức Ban báo ngày bây giờ), gặp ở cửa, gật đầu: “Trông công tử bột thế mà viết phóng sự xã hội được”.

Chắc là cũng có ý… khen. Từ đó, tôi lao vào viết ký, ròng rã mấy năm trời, cứ chắc mẩm mình là cây bút cứng lắm, cho đến mãi sau này, dần dần hiểu thế nào là ký với phóng sự, mới toát mồ hôi hột bởi sự liều. Âu cũng là những kỷ niệm, mà từ kỷ niệm này lại gợi ra những kỷ niệm khác đáng nhớ, với nghề, với người. 

Tác nghiệp ở Trường Sa

Tròn 14 năm bước chân vào nghề báo, cũng là 14 năm gắn bó với tờ báo của ngành, đến nay ngồi nhẩm tính lại, quả thật không thể nhớ hết được đã có bao nhiêu chuyến đi thực tế ở khắp các vùng miền Tổ quốc. 

Có những vùng đất chỉ mới đặt chân đến một lần, có những vùng đất quay đi trở lại nhiều lần như duyên nợ. Có những chuyến đi quên ngay sau khi hoàn thành bài viết, nhưng có những hành trình, cứ trở đi trở lại, trong ký ức, trong cả nhiều trang viết, về đất, về người…

Một trong những chuyến lên đường đáng nhớ nhất cho đến thời điểm này, và có lẽ là mãi sau này, đối với tôi vẫn là chuyến hải trình ra Trường Sa vào đầu hè năm 2012. 

Chỉ 15 ngày thôi, cũng tự mình thấy mình trưởng thành lên nhiều, từ cách nhìn nhận cuộc sống, quan hệ con người với con người cho đến khía cạnh nghề nghiệp. 

Nhớ điểm cuối đoàn ghé thăm trong chuyến hải trình là xã đảo Trường Sa Lớn – “thủ phủ” của huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). 

Giữa mênh mông biển cả với hơn chục ngày trời qua hết đảo nổi đến đảo chìm trên quần đảo Trường Sa, hầu như ai cũng bơ phờ vì sóng gió, một chiều muộn đặt chân lên đảo Trường Sa Lớn, lòng chợt chùng lại và tâm hồn đột nhiên bừng tỉnh khi dưới tán bàng vuông, 5 – 6 em nhỏ quây quần bên cầu trượt nhựa, vỗ tay hát líu lo bài đồng dao biển đảo: Nu na nu nống/ Đánh trống phất cờ/ Biển cả xa mờ/ Có hai quần đảo/ Hoàng Sa - Trường Sa/ Tên gọi thiết tha/ Trong lòng dân Việt…

Lúc này tôi mới hiểu tâm sự từng nghe từ những đồng nghiệp lớn tuổi của báo nhà: Mình làm báo ngành Giáo dục, đi đến đâu tự dưng trong vô thức cũng muốn chú ý xem việc dạy – học ở đó thế nào, vào trường học nào cũng thấy thân thuộc như về nhà. Chúng tôi đến đảo Trường Sa Lớn đúng độ chuẩn bị bước vào giai đoạn thi hết kỳ học. 

Trường học đặc biệt của đảo chỉ có một cô giáo, cô Bùi Thị Nhung, phụ trách 7 em HS (lớp 5 và lớp 3 mỗi lớp có 1 em, lớp 2 và lớp 1 mỗi lớp có 2 em và mẫu giáo có 1 em). 

Tất cả các em cùng ngồi chung một phòng học xoay theo các hướng khác nhau để cô giáo đến với từng em, hướng dẫn các em học tập theo chương trình của mình. 

Em nhỏ tuổi nắn nót tập tô từng con chữ, em lớn tuổi ngồi viết chính tả, làm toán… Gọi đây là lớp học “marathon” có lẽ cũng đúng. Giáo viên cứ xoay tròn trong một diện tích không quá 20m2; xoay tròn từ mẫu giáo lớp đến lớp 5, chỉ trong một buổi dạy… 

Nhiều bạn đồng nghiệp cho đó là điều độc đáo khác biệt nơi đầu sóng ngọn gió, nhưng với tôi thì không lạ. 

Hình ảnh này tôi đã gặp biết bao lần trong các chuyến đi của mình, từ các tỉnh miền núi phía Bắc qua dải Trường Sơn trùng điệp vào đến tận vùng sông nước Cà Mau, nhiều lắm những mô hình lớp học như vậy. Chỉ có điều khác biệt là ở đất liền, sau một thời gian quay trở lại, những lớp ghép như vậy lại bớt dần đi.

Nhưng với Trường Sa thì khác, dù chúng ta có đầu tư lớn đến đâu thì những “lớp ghép” như vậy sẽ vẫn còn tồn tại dài dài, bởi một lẽ đơn giản, những “cư dân” trong độ tuổi đi học ở đây quá ít, mỗi cấp học nhiều lắm cũng chỉ đến 2 em. 

Ước mơ của người dân trên đảo khi ấy, không phải là cuộc sống đầy đủ hơn, mà là cấp THCS sớm được triển khai trên các đảo, để trẻ học hết lớp 5 không phải rời đảo, rời vòng tay bố mẹ để vào đất liền học tiếp. 

Chỉ giản dị như vậy thôi, giản dị như mong ước của những người lính trẻ chúng tôi tiếp xúc trên các đảo chìm là từ giờ đến Tết, đừng có chú vịt nào trong đàn vịt các anh nuôi lăn quay ra nữa, hay bị sóng cuốn mất tích nữa, không thì khỏi có món tươi trong ngày xuân; hoặc những khóm rau xanh trồng trong những thùng xốp nhỏ, cứ tươi xanh như thế này nhé, để ngày xuân anh em có bát canh ngọt như đang ở giữa quê nhà với gia đình ấm cúng….

Chỉ giản dị thế thôi, mà sao thân thương, mà gợi nhớ đến thế, Trường Sa ơi!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.