Nhờ duyên may, chúng tôi được ông Nguyễn Tám (sinh năm 1938, thôn 9, Tam Hiệp, Núi Thành) đưa đến thăm bà. Trên đường đi, khi nói chuyện về bà, ông Tám đều gọi bằng cái tên Út Phận, như ngày còn chiến chinh cũ…
“Cây chò xanh một gốc hai thân”
Năm 1961, nhà văn Phan Tứ được điều về Ban Tuyên huấn khu ủy khu V, hoạt động tại Tứ Mỹ - Kỳ Sanh. Ông Tám khi ấy là Bí thư chi bộ của xã giải phóng đầu tiên ở Quảng Nam này. “Lúc căn cứ đóng tại khu Thượng, tôi có dựng cho anh Bốn Gương (biệt danh của Phan Tứ) một cái chòi để anh có chỗ viết văn.
Tôi nhớ có lần, anh Bốn nhận được thư của người thân từ Bắc gửi vô, dài 21 trang pơ-luya, tôi nói anh cho tôi đọc với, anh bảo một viên đạn từ Bắc gửi vô tốn bảy ký gạo, thì một lá thư của người thân không thể tính được bao nhiêu giá trị, nên muốn đọc thư anh, phải cho anh đọc nhật ký của tôi, để anh có thêm tư liệu viết văn” – ông kể.
Hồi đó, Út Phận là cán bộ phụ nữ xã, gặp Phan Tứ giữa đường cáng thương; một tháng sau, ông Tám dẫn Phan Tứ vào nhà cha bà, nói xã gửi nhờ một thời gian. Cuối năm 1961, Út Phận học lớp đào tạo cán bộ hợp pháp tại Quảng Ngãi, đầu năm 1962 học tiếng Mỹ tại xã, Phan Tứ là người đứng điểm dạy. Cùng gắn bó hoạt động và công tác, tình yêu nảy nở giữa hai người lúc nào không hay, trong thầm lặng, giữa chiến tranh..
Những địa danh Tam Sa, Tam Trân, Lộc Chánh, làng Cá... trong tiểu thuyết “Mẫn và Tôi” đều in dấu ấn vùng đất Tứ Mỹ, Tam Mỹ… và khu vực giáp ranh Chu Lai bây giờ. Nhân vật Thiêm cũng mang hình ảnh của chính Phan Tứ. Nhân vật bé Hoàn có nguyên mẫu là đứa em nuôi của Út Phận, tên là Võ Sầm.
Út Phận không tin nổi Phan Tứ ghi chi tiết về bà như vậy, trong đó có chuyện Mẫn tính khi nào Thiêm đi xa, sẽ chặt đốt ngón tay út cho Thiêm làm kỷ niệm. Tình yêu như “cây chò xanh một gốc hai thân” (chữ Phan Tứ) ấy được Phan Tứ nâng niu: “Người yêu tôi thích nhất bông bạc, cô khuyên tôi đừng bao giờ ngắt, nó chỉ đẹp khi vùng vẫy giữa nước chảy xiết”.
Ai biết, khi gắn hình ảnh Út Phận với bông bạc, Phan Tứ đã vô tình ghép thành hai chữ “bạc phận”.
Bông bạc giữa dòng
Cũng như trong tiểu thuyết, Phan Tứ đâu nhắc đến chuyện 2 người có với nhau một đứa con. Đấy là vào năm 1963. Út Phận nhớ: “Sinh con ra, ảnh bảo tui đặt họ cho con là Phan hay Lê chi cũng được; tui chọn Phan còn tên là Uẩn do cha tui đặt, bởi nó là đứa con uẩn khúc, sau khó kêu quá nên đặt là Huẩn.”
Con được 6 tháng, Út Phận cùng chị hàng xóm bế lên cho Phan Tứ gặp, Phan Tứ gắn vào ngón chân cái của con một chiếc nhẫn vàng, dặn: “Em giữ, khi nào khó quá thì bán”; bảo thêm: “Nếu không gặp lại, anh sẽ làm một cái gì đó để người ta biết chuyện chúng mình”.
Đoạn cuối tiểu thuyết: “Dù anh đi khắp chân trời góc biển, mỗi lần ra trận chúng mình lại gặp nhau, có phải lúc này em đang quấn quýt bên anh, em gần đến nỗi anh chỉ đẩy ngón tay đặt lên tim là nghe ngay tiếng người thương rủ rỉ trong tai, kể rằng quê ta thắng Mỹ rất ngon và hai đứa mình là bông bạc vẫy hai ngón giữa dòng” – độc giả sẽ không ngờ đấy là cái vẫy tay của vĩnh biệt, chứ đâu phải cái vẫy tay của chào nhau. Để lần nhìn mặt tiếp theo, Út Phận chỉ được nhìn Phan Tứ qua di ảnh.
Năm 1995, tang lễ của Phan Tứ tổ chức tại Đà Nẵng, phía gia đình Phan Tứ có mời Út Phận cùng con ra dự. Một vành khăn tang chuẩn bị sẵn cho Phan Thế Huẫn - con trai của Phan Tứ và Út Phận. Huẫn cầm di ảnh cha mình theo đoàn người tiễn cha…
Năm 1969, Út Phận chuyển qua Ban Binh vận tỉnh. Từ giữa năm 1967 đến đầu năm 1971, bị địch bắt, đày tại nhà lao Quảng Tín. Ra tù tiếp tục hoạt động.
Nhưng vào ngày 25/2/1975 xảy ra sự kiện: Một cán bộ cách mạng bị địch mật phục sát hại tại địa phận Tứ Mỹ. Út Phận bị nghi làm tay trong cho địch, bà bị bắt giam. May nhờ có các lãnh đạo sáng suốt và một số đồng chí, đồng đội hoạt động cùng, hiểu rõ Út Phận nên đã đứng ra minh oan cho cô.
Ông Lê Tư Đặng (hiện trú tại thị trấn Núi Thành), thời đó là Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban An ninh huyện Nam Tam Kỳ, người chịu trách nhiệm bắt giam Út Phận, kể lại: “Hiểu rõ oan ức của Út Phận không ai bằng tôi. Mấy đồng chí cơ sở cấp báo lên nên tôi phải tạm giam, nhưng qua điều tra kỹ lưỡng, mới hay đã giam nhầm người.
Hồi đó, địch ráo riết dùng thủ đoạn để làm phía ta nghi kị lẫn nhau. Phần nữa Út Phận không hề mở miệng khẳng định cha của con mình là ai, nên nhiều người mặc định sẵn ý nghĩ cô có quan hệ với ngụy quân từ trước đó. Tôi quyết định ngay thả Út Phận, và tôi không nhầm. Sau giải phóng tôi lục hồ sơ của địch có ghi Út Phận là tay cộng sản cứng đầu”.
Đã được giải oan ngay, nhưng đến nay, Út Phận đã hơn 15 lần làm đơn hồ sơ đề nghị xét thành tích tham gia hoạt động kháng chiến chống Mỹ tại UBND xã Tam Mỹ mà không được giải quyết; trong hồ sơ có xác nhận của ông Can, ông Đặng, ông Tám cùng rất nhiều người nữa là đồng chí của bà.
Ngay cả công an huyện Núi Thành, vào năm 2001, đã có văn bản xác nhận bà hoàn toàn trong sạch. Ấy thế, trong hồ sơ lí lịch, Út Phận vẫn bị ghi là kẻ hai mang; cậu con trai mấy chục năm công tác ngành GD vẫn rất vất vả về lý lịch, lại chưa được bên nội công nhận là con, là cháu.
Cả ông Tám, ông Đặng khi nói về chuyện của bà đều rưng rưng cảm xúc, thậm chí đôi lúc nghẹn lời. Còn bà, bà chỉ ngồi lặng lẽ như nghe chuyện của ai.
Chiếc nhẫn ngày xưa Phan Tứ trao cho được bọc trong mấy lớp vải, bà đem ra cài vào ngón tay, nói: “Theo cách mạng là tôi tự nguyện, cũng không đòi hỏi gì. Tuổi gần đất xa trời, chỉ mong chính quyền cho tui cái giấy chứng nhận tui đã tham gia cách mạng, để tui chứng minh với mọi người tui không phải kẻ hai mang”.
Rồi bà như nói với chính mình: Sau giải phóng hai năm, Bốn Gương có về Tứ Mỹ, đã đến gần đầu con dốc cách đây mấy cây số, không hiểu sao quay ra, biệt luôn”, nói đến đây, bà bật khóc…
Có phần tiếp theo nào của tiểu thuyết có thể ghi ra những tiếng thổn thức này. Có câu ca nào buồn hơn câu ca mà Mẫn từng hát cho Thiêm nghe: Ngó qua chín bãi mười đồng/ Biển xanh xanh lắm mà không thấy người/ Mênh mông con nước xa vời/ Biết ai còn nhớ những lời ngày xưa...